Samsung Galaxy S7 edge nhái được rao bán tràn lan trên mạng. |
Cận Tết âm lịch là thời điểm nhu cầu lên đời điện thoại của người dùng tăng cao. Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng lừa bán điện thoại nhái để trục lợi. Không chỉ bán điện thoại nhái, những đối tượng này còn làm giả cả IMEI, giấy tờ, hoá đơn mua hàng chính hãng.
Hàng nhái tràn lan trên mạng
Theo anh Nguyễn Trí Trung (quận 2, TP.HCM), những chiếc Samsung Galaxy S7 edge nhái xuất hiện ngày càng nhiều trên các diễn đàn rao vặt, chợ mua sắm online. "Cả 2 chiếc Samsung Galaxy S7 edge tôi đi xem gần đây đều là hàng nhái". Theo anh Trung, có thể đây là chiêu trò kinh doanh của một nhóm người hoặc ai đó đã mua phải hàng nhái và tiếp tục đem bán lại.
Chiếc Samsung Galaxy S7 edge đã gỡ thông tin rao bán sau khi bị cho là hàng nhái. |
Không khó hiểu khi những chiếc Samsung Galaxy S7 edge nhái này đều là màu xanh. Đây là màu sắc được yêu thích nhất trong năm nay. Đáng báo động là rất nhiều người cùng phản ánh về trường hợp này.
Điểm chung của những đối tượng bán máy nhái là thường hẹn xem máy vào buổi tối, ở dưới các khu chung cư hoặc những nơi công cộng. "Họ hỏi tôi nhà ở quận mấy rồi mới hẹn tôi ra Đầm Sen để xem máy", tài khoản Facebook Xuân An chia sẻ trong một nhóm người dùng Samsung Galaxy S7.
Những chiếc Samsung Galaxy S7 edge nhái này đều được rao bán với giá dưới 10 triệu. Nếu so với giá chính hãng, đây có thể xem là mức giá hời, khiến nhiều người dễ sập bẫy.
Nhái cả IMEI, hoá đơn mua hàng
Theo anh Trung, cả 2 lần anh đi xem máy, người bán đều đưa ra đơn mua hàng của một siêu thị di động lớn trên đường 3/2. "Chúng dùng chung một số IMEI của một máy chính hãng. Nếu kiểm tra bằng tin nhắn, vẫn có thông tin bảo hành gửi về như máy thật", người này chia sẻ thêm.
Tuy nhiên, không khó để phân biệt hàng nhái với hàng thật. "Mình cầm là biết ngay hàng nhái. Máy rất nặng, nặng hơn máy thật rất nhiều". Theo anh Trung, mặt kính của máy nhái được làm cong một chút, còn màn hình thì vẫn phẳng chứ không phải màn hình cong.
Máy nhái dùng chung số IMEI của một máy chính hãng. |
Mặc dù vậy, những người chưa cầm qua Samsung Galaxy S7 edge thật thì vẫn có thể bị lừa. "Màn hình của Galaxy S7 edge nhái rất đục, độ phân giải thấp", anh Trung cho biết. Màn hình Always on thì sáng trưng, trông rất nhoè nhoẹt.
Ngoài ra, người dùng cũng có thể kiểm tra các thông tin về thiết bị từ xuất xứ đến cấu hình bằng phần mềm Phone Info có sẵn trong kho ứng dụng CH Play.
Một số người đã xem qua hàng nhái cho rằng nếu tinh ý thì có thể để ý thấy hộp đựng của máy khá xộc xệch, sách hướng dẫn được in ẩu, không sắc nét như thường thấy của Samsung.
'Samsung khuyến cáo người dùng nên mua hàng chính hãng'
Đại diện Samsung Việt Nam cho biết họ cũng mới nhận được phản hồi về trường hợp này. Theo ông Nguyễn Trí Thông, Giám đốc truyền thông Samsung Vina, Samsung khuyến cáo người dùng mua hàng chính hãng được phân phối chính thức ở Việt Nam để được hưởng đầy đủ các chương trình bảo hành, hậu mãi và các ưu đãi khác, cũng như đảm bảo điều kiện chất lượng sản phẩm tốt nhất.
"Ngoài ra, người dùng cũng nên kiểm tra kỹ số IMEI và tem ICT được dán theo chuẩn, có con dấu Samsung. Các thông tin về chế độ bảo hành cũng được Samsung thông báo qua tin nhắn SMS, người dùng có thể kiểm tra bằng cách này", ông Thông nói.
Để đảm bảo an toàn khi mua máy cũ, người dùng nên nhờ những người có kinh nghiệm hoặc đem đến các trung tâm bảo hành của Samsung để nhờ kiểm tra. Người dùng cũng không nên ham rẻ, tránh trường hợp tiền mất tật mang.