Khi iPhone khai phá cho kỷ nguyên smartphone, họ là những người đi đầu về công nghệ cảm ứng. Sau đó, Samsung cũng cạnh tranh gay gắt với những công nghệ như sạc, hiển thị và camera. Cuộc cạnh tranh giữa 2 hãng và một loạt đối thủ đem đến nhiều đột phá công nghệ chỉ trong một khoảng thời gian ngắn.
Tuy nhiên, ngày nay khó có thể nói Apple hay Samsung luôn là người đi đầu về công nghệ smartphone. Có thể kể tới chiếc “sát thủ iPhone” OnePlus 7 Pro. Không chỉ gây ấn tượng về cấu hình, OnePlus 7 Pro còn có một tính năng độc đáo: màn hình AMOLED với tần số quét 90 Hz, mang lại hình ảnh mượt hơn hẳn.
Hãng “anh em” của OnePlus là Oppo mới đây cũng trình diễn camera selfie ẩn dưới màn hình tại MWC 2019. Đây cũng là tính năng rất đáng chú ý, bởi nó cho phép smartphone hoàn toàn tràn viền mà không phải khoét, gọt màn hình, điều mà Apple hay Samsung cũng chưa làm được.
OnePlus 7 Pro sở hữu màn hình AMOLED với tần số quét 90 Hz, giúp hiển thị rất mượt mà. Ảnh: Business Insider. |
Vậy vì sao Apple, Samsung không còn đi tiên phong về công nghệ như trước nữa? Câu trả lời có thể nằm ở chính vị thế dẫn đầu của họ.
Sự khác biệt về số lượng
Có một thực tế là doanh số của OnePlus rất thấp nếu so sánh với Samsung hay Apple. Trong khi 2 hãng có thể bán tới hàng chục triệu điện thoại trong mỗi quý, thì doanh số smartphone của OnePlus chỉ dừng lại ở vài triệu máy trong cả năm.
Quy mô sản xuất lớn hơn nhiều của Apple, Samsung chính là lý do khiến 2 hãng khó có thể tích hợp công nghệ mới một cách nhanh nhất. Năm 2017, khi được hỏi về thách thức đối với các hãng lớn, Tony Fadell cho rằng số lượng là thách thức lớn nhất. Người đóng vai trò quan trọng trong phát triển iPod, iPhone thời gian đầu chia sẻ:
“Một trong những thách thức lớn nhất đối với các nhà sản xuất thiết bị tại Mỹ là số lượng. Khi bạn kỳ vọng bán được hàng trăm triệu máy, bạn sẽ thay đổi quan điểm về những rủi ro phần cứng. Những hãng lớn phải thay đổi một cách cẩn thận hơn, bởi họ không muốn mất thị phần hay làm ảnh hưởng tới doanh thu. Chúng ta đã thấy khi Samsung mắc lỗi, mọi chuyện trở thành thảm họa như thế nào”.
Không chỉ có OnePlus, nhiều nhà sản xuất Trung Quốc khác cũng cho thấy họ đang tích hợp công nghệ mới nhanh hơn Apple, Samsung. Ảnh: PhoneArena. |
Hugo Barra, người từng giữ chức Phó chủ tịch tại Google và Xiaomi cũng có quan điểm tương tự:
“Khi bạn là Samsung hay Apple và bạn bán tới hàng chục triệu máy, bạn cần phải chuẩn bị mọi linh kiện: màn hình, vi xử lý hay bất kỳ cái gì, rất nhiều tháng để những nhà cung cấp kịp đáp ứng. Những công ty hoạt động với quy mô nhỏ hơn thì có thể dễ dàng mua linh kiện mới sớm hơn 6-12 tháng”.
Qua chia sẻ của những người trong cuộc, có thể hiểu lý do Apple hay Samsung chậm áp dụng những công nghệ mới hơn hẳn so với các hãng nhỏ. Kể cả khi họ muốn tích hợp một công nghệ mới, khó mà đảm bảo một nhà sản xuất linh kiện có thể đáp ứng hàng chục triệu đơn hàng chỉ trong vài tháng.
Trong quá khứ, Apple từng nhiều lần hỗ trợ tài chính cho đối tác để đảm bảo họ có thể đáp ứng được số lượng và tiến độ sản xuất linh kiện. Tuy nhiên với những công nghệ quá mới, như màn hình AMOLED 90 Hz của OnePlus 7 Pro, nhiều nhà sản xuất không thể đáp ứng sản lượng tới hàng chục triệu chiếc.
Apple, Samsung ít động lực đổi mới
Tất nhiên, không phải hãng smartphone lớn nào cũng chậm đổi mới. Trong vài năm qua, Huawei liên tục đưa ra những công nghệ mới cho dòng sản phẩm cao cấp Mate và P của họ, và doanh số những dòng sản phẩm này cũng rất ấn tượng. Vào tháng 3, Huawei công bố đã bán được 10 triệu smartphone dòng Mate 20 (gồm 5 phiên bản).
Tuy chưa so sánh được với những chiếc Samsung Galaxy S hay iPhone, đây cũng là số lượng khá lớn. Vậy tại sao Huawei và những hãng xếp sau như Oppo, Xiaomi lại có động lực đổi mới về công nghệ đến vậy?
Apple, Samsung giờ đây thường phải mất vài năm mới đưa ra được thiết kế và công nghệ thực sự đột phá trên smartphone của họ. Ảnh: Lê Trọng. |
Câu trả lời có lẽ là vì mục tiêu của Samsung, Apple gần đây là tối ưu lợi nhuận chứ không nhất thiết phải luôn đột phá về công nghệ. Những năm trước, Apple từng sử dụng thiết kế trên iPhone 6 tới 4 thế hệ, trước khi thay đổi triệt để với iPhone X. Samsung cũng thường xuyên sử dụng 1 thiết kế cho 2 thế hệ smartphone nhiều năm liền, từ đời Galaxy S6 tới Galaxy S9.
Việc giữ thiết kế cũ, chỉ thay đổi phần nhỏ giúp cho các hãng giảm chi phí. Không chỉ thiết kế, nếu như các hãng có thể tận dụng linh kiện ở thế hệ trước cho thế hệ sau, mức giá mua linh kiện sẽ giảm đi khi họ đặt hàng với số lượng lớn hơn.
Dù có đổi mới ít đi, những chiếc iPhone, Galaxy S hay Note mới vẫn bán tốt. iPhone XS Max bán chạy, Galaxy S9 bán được 9 triệu chiếc trong tháng đầu, gần bằng dòng Mate 20 của Huawei trong nửa năm.
Những nỗ lực tích hợp công nghệ mới của Huawei trong 2 năm qua mang lại cho họ vị trí số 2 trong ngành smartphone, vượt qua cả Apple. Ảnh: Lê Trọng. |
Sau nhiều năm đầu đột phá, Samsung hay Apple giờ đây đã có vị thế vững chắc trong làng smartphone. Vị trí dẫn đầu của Samsung, hay sức hút của Apple giúp cho họ vẫn đạt con số kinh doanh ấn tượng dù không đột phá về công nghệ. Đó là lý do họ không nhất thiết phải chạy theo mọi công nghệ mới nhất.
Tất nhiên, việc chậm đổi mới cũng có thể khiến các hãng bị ì. Sự vươn lên của Huawei trong 1 năm qua cho thấy một công ty chịu đổi mới hoàn toàn có thể thách thức sự thống trị của Apple hay Samsung trong làng smartphone. Giờ đây, khi Huawei đang gặp khó khăn quá lớn với lệnh cấm từ Mỹ, Xiaomi, Oppo hay Vivo có cơ hội vươn lên để chiếm lấy vị trí đó.
Nếu những công ty Trung Quốc tiếp tục đổi mới để giành thị phần, người dùng sẽ là người được hưởng lợi, giống như tác động từ cuộc đua của Apple, Samsung trong quá khứ.