4 năm sau Giấc mơ Mỹ (2017), Bình Minh mới tái xuất màn ảnh rộng với vai nam chính trong Sám hối – một bộ phim thuộc thể loại hành động, tâm lý, tình cảm. Nhưng trước khi phim ra rạp, đúng ra, điều đáng được chờ lại không đến từ sự trở lại của Bình Minh.
Thay vào đó, “từ khóa” cho Sám hối là phim được đầu tư lên tới 50 tỷ đồng – mức kinh phí không nhỏ ở thị trường nội địa hiện tại. Ngoài ra, phim còn có sự tham gia của ê-kíp Bollywood, đạo diễn, D.O.P đều thuộc về Ấn Độ với vốn kinh nghiệm thực chiến ở thị trường tỷ dân.
Có đáng giá 50 tỷ đồng?
Những năm gần đây, mức đầu tư cho phim Việt đã tăng lên đáng kể. Nhưng 50 tỷ đồng vẫn là số tiền lớn, không nhiều nhà sản xuất xuống tay. Đến Gái già lắm chiêu đã thắng nhiều năm liên tiếp, phần 4 doanh thu tới 165 tỷ đồng nhưng phần 5 con số đầu tư chưa vượt qua ngưỡng 50 tỷ đồng.
Sám hối gây ấn tượng trong những cảnh hành động, thượng đài. |
Với những bộ phim hành động Việt, kinh phí sản xuất cũng thường dao động ở khoảng 20-25 tỷ đồng. Phim Hai Phượng của Ngô Thanh Vân được tiết lộ là ngốn 1 triệu USD, trong khi Võ sinh đại chiến mới đây được công bố chi phí thực hiện là 25 tỷ đồng.
Với mức độ đầu tư gấp đôi Võ sinh đại chiến, Sám hối đáng được ghi nhận trước hết ở dụng ý không tạo ra một bộ phim hành động hời hợt, đánh đấm giả tạo, cho có. Xem Sám hối, điểm cộng thấy rõ là những cảnh võ thuật. Ngoài Bình Minh tay ngang trong vai nhà vô địch võ tự do (MMA) Hoàng Minh Long, những đối thủ của anh là võ sĩ chuyên nghiệp, trong đó có võ sĩ Thụy Điển gốc Phi - Sadibou Sy. Anh này hiện là võ sĩ hàng đầu thế giới.
Những cảnh thượng đài chiếm một phần không nhỏ thời lượng cũng khá đáng xem. Giữa không ít phim hành động Việt vẫn bị chê là đánh võ nghiệp dư, Sám hối đã mang đến nhiều cảnh quay chân thực. Những cú đánh sắc nét, giao đấu quyệt liệt. Sự dung hòa giữa những cảnh toàn, trung, cận của máy quay cũng góp phần mô tả sự quyết liệt, kịch tính đến sống còn trong một trận đấu giữa hai võ sĩ. Phần nhạc giữa những cảnh đấu cũng là ưu điểm, tăng sự hồi hộp.
Không gian võ đài không bị giả dối. Với 2.000 diễn viên quần chúng, sân khấu không chỉ được lấp đầy mà còn tạo ra không khí sôi nổi thực sự. Những đầu tư về nhân lực, bối cảnh góp vào lý do phim tốn tới 50 tỷ đồng sản xuất. “Màn xuống tay” về tiền bạc đáng được khích lệ ở thị trường điện ảnh Việt vốn còn nghèo nàn nhưng chất lượng lại là khía cạnh khác.
Cái kết làm giảm giá trị đầu tư phim
Ngoài những cảnh động thực sự là điểm sáng và đáng xem cho một phim Việt, Sám hối cũng có ý tưởng kịch bản không tệ. Phim gửi gắm thông điệp hy sinh khi một võ sĩ “bất khả chiến bại”, một người chính trực, không bao giờ chịu thua nhưng cũng rất sẵn sàng vứt đi cả danh dự, địa vị chỉ để có tiền cứu con gái của mình.
Nhưng từ ý tưởng đến triển khai kịch bản, cao trào, mạch truyện là hai vấn đề khác nhau. Điểm trừ của phim là nội tâm nhân vật không được khai thác sâu sắc, nhiều quyết định được đưa ra vô lý đến kỳ lạ, bất chấp sự logic cần có của một tác phẩm điện ảnh.
Cấu trúc phim không tệ khi tạo ra được những nút thắt, bước ngoặt cho các hồi, vốn có thể giúp nhân vật chuyển biến tâm lý, tạo nên sức hấp dẫn cho phim nhưng đáng tiếc đa phần cách giải quyết của các nhân vật lãng xẹt, đặc biệt là cái kết.
Với một bộ phim có không ít cảnh hành động đẹp mắt, đúng ra có thể khép lại “đắt xắt ra miếng” nhưng chung cuộc lại có một kết thúc làm giảm giá trị đầu tư cho phim.
Cuối phim, ông trùm Cường (Raja Ramani) - một nhà đầu tư của những giải đấu, một nhân vật phản diện - người đã đẩy Long đến giải đấu sinh tử với cái chết nơi “đất khách quê người” bất ngờ trở nên cao thượng, sẻ chia, giàu lòng nhân ái.
Quy luật “nhân – quả”, "gieo - gặt" không được giải quyết, khi kẻ xấu không bị trừng trị. Cảnh con gái của Long tựa vào vai Cường dù biết ông trùm là người đã hại bố mình tạo ra cái kết vừa vô lý vừa phản tâm lý.
Diễn biến tâm lý nhân vật khó hiểu và cái kết lãng xẹt là hạn chế của phim. |
Đành rằng ai cũng có quyền “sám hối”, có quyền thay đổi để khắc phục những sai lầm của chính mình. Nhưng một ông trùm tàn ác và đã đưa Long vào đường cùng liệu có vì cái chết của anh mà bỗng trở nên nhân đức, chu toàn.
Rõ ràng Sám hối hoàn toàn có thể có một cái kết thuyết phục và bớt lãng xẹt hơn hiện tại để giá trị của một bộ phim 50 tỷ đồng được đón nhận. Hơn thế, để những nỗ lực của một bộ phim hành động trở nên đáng xem hơn, không bị biến thành tâm lý khó hiểu, chứng tỏ sự non tay của biên kịch.
Phim cho khán giả Việt Nam hay Ấn Độ?
Dù có không ít hạn chế về kịch bản, đặc biệt trong việc xây dựng mạch tâm lý nhân vật, Sám hối là một màu sắc mới mẻ so với các tác phẩm hành động Việt.
Phim mang màu sắc Ấn Độ hơn Việt Nam. |
Từ nhà đầu tư Ấn Độ, đạo diễn Ấn Độ mang dòng máu Việt, phim cũng mang màu sắc điện ảnh Bollywood. Tác phẩm không thuần về hành động mà đan xen với cả tâm lý, tình cảm gia đình, chất hài hước, âm nhạc, thậm chí cả một chút tâm linh.
Nhưng hơi tiếc là nhân vật tâm linh - ông Bụt do Thành Lộc đóng - cũng vô lý như cái kết của bộ phim. Ông Bụt xuất hiện và đưa ra lời khuyên cho Minh Long về việc cần phải chấp nhận hy sinh với những điều mình cho là đáng. Lời khuyên bị cho là "vô thưởng vô phạt", không có tính chỉ đường hay giúp khơi sáng lựa chọn nhân vật.
Màu sắc Ấn còn thể hiện ở việc phim có nhiều cảnh mang phong cách "slow motion". Ngoài ra, kiểu lòe loẹt về phục trang, diện mạo và nhiều cảnh than khóc của một nhân vật như Việt Hương cũng được cho là mang chất của nhân vật phụ trong phim Ấn.
Dù vậy, điểm bất ngờ là phim chỉ có 99 phút - thời lượng không dài so với phim Việt và quá ngắn so với phim Ấn.
Hai phim hành động Việt ra mắt năm vừa qua là Đỉnh mù sương và Võ sinh đại chiến đều bại trận theo những cách khác nhau, để thấy thể loại này vẫn còn đầy chông chênh ở thị trường trong nước. Sám hối được dự đoán khó có thể làm nên chuyện ở các rạp Việt nhưng với màu hiện tại, phim có thể không quá gian nan khi vào Ấn Độ. Nhưng để thu được tiền ở thị trường tỷ dân với một phim Việt, việc đáp ứng vài tiêu chí của phim Bollywood có thể là chưa đủ.