Ngày 8/8
3 trung tâm hồi sức tích cực ở TP.HCM khánh thành từ 7/8. Đây là 3 trung tâm trực thuộc quản lý của 3 bệnh viện tuyến cuối hạng đặc biệt, bao gồm Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Trung ương Huế. Với quy mô 1.500 giường cùng nhiều y bác sĩ, nhân viên dày dạn kinh nghiệm, các trung tâm này sẽ đáp ứng nhu cầu điều trị F0 nặng, nguy kịch trên địa bàn thành phố.
Đề xuất ưu tiên lao động được hoạt động sau 18h. Các doanh nghiệp phân phối lớn tại TP.HCM như Saigon Co.op, Central Retail, Aeon Việt Nam, MM Mega Market đã đề xuất với Bộ Công Thương để trình ý kiến với Chính phủ có phương án ưu tiên cho một số lao động trong ngành thực phẩm tươi sống (sơ chế, chế biến, vận chuyển) được phép lưu thông sau 18h. Vì lệnh giới nghiêm yêu cầu người dân không ra khỏi nhà từ 18-6h đã phần nào ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa tươi sống, các doanh nghiệp hy vọng sớm có giải pháp để đảm bảo cung ứng hàng hóa kịp thời.
TP.HCM đã hoàn thành lộ trình tiêm toàn bộ vaccine Pfizer và Moderna. Do đặc thù của vaccine Pfizer và Moderna phải được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ thấp, hạn sử dụng ngắn ngày, các đơn vị được Sở Y tế cấp phát 2 loại vaccine này đã hoàn thành lộ trình tiêm chủng trước ngày 8/8. Các quận, huyện và TP Thủ Đức đã triển khai tiêm vaccine đúng theo kế hoạch và đang đảm bảo tăng tốc độ tiêm chủng.
Chung cư Tropic Garden (TP Thủ Đức) trao quà cứu trợ cho người gặp khó khăn tại phường Thảo Điền. Cư dân tại chung cư Tropic Garden đã vận động, ủng hộ gây quỹ mua và trao tặng hàng trăm phần quà gửi đến các trường hợp khó khăn trong mùa dịch trên địa bàn phường Thảo Điền. Ngoài ra, các phần quà còn được gửi tặng đến đội ngũ các bảo vệ tại 6 khu phố cùng người dân xung quanh các tòa nhà đang bị phong tỏa của chung cư này.
Chuyển giao ứng dụng giúp dân mua sắm mùa dịch cho các quận, huyện và TP Thủ Đức. Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM chuyển giao cho 11 quận huyện trên địa bàn hai ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong quản lý dịch bệnh và đi chợ giúp dân. Trong đó, ứng dụng mua sắm Covid-19 có thể trợ giúp người dân đi mua hàng, đi chợ trực tuyến trong tình hình dịch bệnh. Ứng dụng GIS quản lý dịch bệnh Covid-19 giúp quản lý về số ca nhiễm, điểm phong tỏa, vùng cách ly, cung cấp thông tin về địa điểm, địa chỉ lây nhiễm, sơ đồ lây nhiễm, điều trị, xét nghiệm...
Đường dây nóng liên lạc cho các ca nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19. Từ ngày 7/8, Người dân ở TP.HCM nhiễm hoặc biết mình có nguy cơ nhiễm Covid-19 có bất cứ thắc mắc nào cần giải đáp thì có thể gọi vào đường dây nóng 0939596999 hoặc 1022 (nhánh 4) sẽ được các y bác sĩ, nhân viên y tế của mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" trả lời, tư vấn. "Thầy thuốc đồng hành" thành lập nhằm hướng dẫn, tư vấn sức khỏe cho người dân cũng như hỗ trợ các trường hợp nhiễm Covid-19 cần được chăm sóc y tế.
TP.HCM lo toàn bộ chi phí hậu sự cho người mất vì Covid-19, quân đội chịu trách nhiệm giao tro cốt về gia đình. Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết thành phố sẽ sử dụng nguồn ngân sách để chi trả toàn bộ chi phí hậu sự cho bệnh nhân tử vong vì Covid-19, với số tiền khoảng 17 triệu đồng. Tro cốt của bệnh nhân sẽ được Bộ Tư lệnh thành phố tiếp nhận, chuyển giao đến từng gia đình. Các cơ sở tôn giáo sẽ lưu giữ tro cốt tạm thời nếu người thân chưa thể tiếp nhận.
Quận Phú Nhuận tiêm vaccine cho can phạm, phạm nhân. Công an quận Phú Nhuận đã phối hợp với Viện KSND quận Phú Nhuận, Trung tâm Y tế dự phòng của quận để hỗ trợ khám sàng lọc và giám sát thực hiện tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cho can phạm, phạm nhân tại nhà tạm giữ của đơn vị. Đây là một trong số các biện pháp tăng cường phòng, chống dịch của đơn vị này.
Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.