Trước khi lên sóng, Twenty Five - Twenty One được giới thiệu là một khúc ca thanh xuân của những người trẻ bị thời thế đưa đẩy vào tình huống khó khăn. Những lời giới thiệu tưởng như sáo mòn, xuất hiện ở mỗi bộ phim về tuổi trẻ ấy từng khiến khán giả không có nhiều lòng tin hay kỳ vọng với Twenty Five - Twenty One.
Nhưng khi lên sóng, bộ phim bất ngờ tạo nên sức hút với khán giả khắp châu Á. Không chỉ đối tượng khán giả trẻ, ngay cả những người ở độ tuổi ngoài 30 cũng có thể say mê theo dõi từng tập.
Không plot twist giật gân, không có những nhân vật tiểu tam giật chồng hay phản diện độc ác như những bộ phim xu hướng hai năm gần đây, Twenty Five - Twenty One từng bước thu hút khán giả chỉ nhờ những bài học cuộc sống đơn giản được cài cắm trong mỗi tập phim. Những bài học, ý nghĩa đến với người xem một cách dễ thấm, dễ cảm, không giáo điều và không khô khan.
Twenty Five - Twenty One dựng lại bối cảnh Hàn Quốc trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế năm 1998. |
Ai cũng cần một Baek Yi Jin trong đời
Baek Yi Jin (Nam Joo Hyuk) đẹp trai, tài giỏi, hiểu chuyện và luôn chu đáo với Na Hee Do (Kim Tae Ri). Điều này có thể khiến anh trở thành mẫu hình bạn trai lý tưởng của bất kỳ cô gái nào.
Nhưng hơn cả một hình mẫu bạn trai hoàn hảo, Baek Yi Jin còn là nguồn sức mạnh tinh thần mà bất kỳ ai cũng cần có trong đời.
Ngay từ tập một, khán giả có thể nhận ra Baek Yi Jin là người duy nhất tin tưởng, ủng hộ Na Hee Do theo đuổi môn đấu kiếm, khi cả thế giới đều khuyên cô từ bỏ. Anh tin tưởng Na Hee Do vô điều kiện, ủng hộ cô vô điều kiện, điều này khiến Hee Do vững tin bước tiếp trên con đường mình đã chọn.
Sự ủng hộ của Baek Yi Jin vốn không xuất phát từ tình yêu, mà đến từ sự đồng cảm. Anh đã giải thích ngay từ đầu phim: "Thấy em nỗ lực khiến tôi cũng muốn nỗ lực. Nếu em làm được tôi cũng muốn làm được".
Baek Yi Jin luôn tin tưởng và ủng hộ Na Hee Do vô điều kiện. |
Một ưu điểm khác của Baek Yi Jin mà khán giả khó bắt gặp ở các hình mẫu nhân vật khác đó là tính cách "có gì nói nấy", nhất là những lời cổ vũ, động viên. Và rõ ràng, việc thẳng thắn nói ra sự tin tưởng dành cho Na Hee Do đã tạo ra tác động tích cực đến cuộc sống của nữ chính, giúp cô trở lại đỉnh cao của sự nghiệp đấu kiếm và lấy lại lòng tự tin đã đánh mất nhiều năm.
Nhờ có Baek Yi Jin, cô luôn tự nhắc nhở bản thân phải nỗ lực gấp đôi bởi bản thân còn mang theo cả hy vọng và động lực của anh, như lời tuyên bố của Na Hee Do: "Tôi vẫn không tin vào bản thân mình. Nhưng tôi tin tưởng vào anh ấy, người luôn đứng về phía tôi".
Những nỗ lực của Na Hee Do không hề mang theo áp lực, trái lại cô còn vui tươi, mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Đây là việc mẹ ruột hay huấn luyện viên cũng không thể mang tới cho cô, bởi không ai trong số những người lớn trên nhận thức được tầm quan trọng của những lời động viên thẳng thắn, như cách Baek Yi Jin đã làm.
Đối với Na Hee Do, Baek Yi Jin vừa là người truyền năng lượng tích cực, vừa là chỗ dựa tinh thần vững vàng, luôn có mặt để giúp đỡ khi cần thiết, khen ngợi đúng mực cũng như phê bình, góp ý khi cần. Liệu có ai không mong muốn có một người bạn như Baek Yi Jin xuất hiện trong đời?
Quan hệ tình cảm giữa hai nhân vật chính được xây dựng từ nền tảng sự tin tưởng, ủng hộ của những người bạn. |
Sức mạnh của lời nói
Như đã đề cập, một trong những nguyên nhân khiến Baek Yi Jin trở thành nguồn sức mạnh tinh thần lớn nhất cho Na Hee Do là vì anh không ngại nói thẳng suy nghĩ của mình. Đây là việc phát thanh viên Shin Jae Kyung (mẹ Hee Do) không làm được, dù bà đóng vai trò rất lớn trong cuộc đời cô.
Cảm xúc, suy nghĩ của mẹ Na Hee Do được giấu kín trong lớp vỏ bọc hoàn hảo của một người phụ nữ thành đạt và mạnh mẽ. Bà không kể với cô về việc chiếc nhẫn cưới vẫn còn nguyên vẹn, chưa từng bị bán đi, không để Hee Do biết mình đã đến cầu xin huấn luyện viên Yang Chan Mi nhận con gái vào đội đấu kiếm.
Bà cũng không cho con gái biết bản thân trân trọng những kỷ vật còn lại hiếm hoi của chồng, càng không để Hee Do biết bản thân đã đấu tranh với nỗi nhớ và niềm đau khi chồng qua đời đến mức nào.
Tâm tư giấu kín của mẹ đã gây tổn thương cho Hee Do, khiến cô oán trách mẹ nhiều năm. Khán giả và ngay cả mẹ Hee Do cũng không thể phàn nàn về thái độ của cô, bởi như Hee Do nói: "Đứa trẻ 13 tuổi không thể hiểu được những điều này đâu".
Mẹ Na Hee Do và Ko Yoo Rim đều là mẫu người kiệm lời, tính cách dễ gây hiểu nhầm. |
Đổi lại, nếu mẹ Hee Do chịu mở lòng nhiều hơn, hoặc ít nhất nói thật với con gái về việc bán nhẫn cưới, hay ủng hộ con chuyển trường để tiếp tục theo đuổi đấu kiếm, Na Hee Do sẽ không hiểu lầm lâu đến vậy.
Trường hợp tương tự là Ko Yoo Rim. Nếu sớm nói ra nỗi sợ hãi trong lòng, Yoo Rim sẽ không trở thành nhân vật mấp mé bên bờ vực phản diện, khiến nhiều khán giả khó chịu như những tập đầu của phim. Trong khi, tất cả những gì "nữ thần đấu kiếm" cần làm là nói thật, sống thật với độ tuổi 18, thay vì dằn vặt bản thân trong nỗi sợ hãi vô hình với Na Hee Do.
Tuổi trẻ có quyền sai lầm
Bất kỳ nhân vật trong Twenty Five - Twenty One cũng từng mắc sai lầm. Nhưng để tái hiện đời sống một cách đầy hiện thực, những sai lầm của người lớn được che đậy bằng những gương mặt nghiêm túc hoặc muôn kiểu lý do "tiến thoái lưỡng nan" của mỗi cá nhân.
Chỉ có sai lầm của những đứa trẻ luôn được phơi bày trần trụi, trong phim cũng như cuộc sống.
Dàn nhân vật chính đều là học sinh cấp 3 và vẫn đang trong thời kỳ học cách trưởng thành. |
Ví như Na Hee Do sai khi nổi giận và vứt bỏ huy chương vàng trong buổi họp báo, Baek Yi Jin sai khi tự ý quyết định cuộc sống và cố gắng điều khiển suy nghĩ của em trai, Ji Seung Wan (Kim Joo Myung) sai khi kiên quyết đứng lên chống lại nạn bạo lực học đường thay vì "một điều nhịn là chín điều lành" như mẹ cô khuyên nhủ.
Nhưng những sai lầm của tuổi trẻ đều có thể sửa chữa ở tương lai, hoặc để lại cho mỗi cá nhân một bài học sâu sắc và ảnh hưởng tới tính cách khi trưởng thành. Những đứa trẻ trong phim lớn nhất cũng chỉ ngoài 20 tuổi, vẫn còn nhiều thời gian để dùng những bài học từ sai lầm xưa cũ để xây nên đường đi mới cho cuộc đời mình.
Chẳng hạn, Na Hee Do bị cấm thi đấu 3 tháng vì hành động xốc nổi tại buổi họp báo. Từ đó, cô gái 18 tuổi học được cách kìm chế cảm xúc tốt hơn, biết trân quý mỗi lần được bước ra sàn đấu. Hơn hết, Hee Do đã nhớ mãi cảm giác bị cả nước ghét bỏ, chỉ trích, để sau này cô luôn cố gắng ngăn bạn bè đi vào vết xe đổ của mình.
Một tháng trước kỳ thi đại học, Ji Seung Wan tuyên bố bỏ học, rút hồ sơ khỏi trường. Điều này đồng nghĩa cô lớp trưởng tài giỏi phải từ bỏ kỳ thi quan trọng bậc nhất đời học sinh dù chỉ còn một tháng cuối cùng trước khi kết thúc 12 năm đèn sách.
Đương nhiên con đường học hành với Seung Wan không hề khép lại, thay vào đó chỉ chậm lại một năm. Ji Seung Wan vẫn có thể tham dự kỳ thi đại học một năm sau đó. Nhưng nhờ sai lầm trên, Seung Wan biết rằng bản thân có thể không sai, nhưng mỗi người nên "biết cứng biết mềm", việc phản kháng sai cách có thể hại mình hại người.
Mỗi nhân vật đểu có vấp ngã, sai lầm trong quá trình trưởng thành, để trở thành người chín chắn, tốt đẹp hơn. |
Baek Yi Jin đã hiểu anh không thể điều khiển cuộc sống của em trai, cũng không thể đánh đồng quan điểm, hạnh phúc của bản thân với người khác. Na Hee Do không còn là cô bé bộp chộp, có thể từng bước trở lại đỉnh cao phong độ nhờ những bậc thang ngơi nghỉ - tức những sai lầm và điểm rơi trong sự nghiệp.
Ko Yoo Rim (Bona/Kim Ji Yeon) không còn sống khép kín và oán trách người khác, cũng không còn tự trách bản thân làm khổ gia đình sau quyết định trở thành tuyển thủ nhập tịch cho Nga. Moon Ji Woong hay Ji Seung Wan cũng dần lớn lên, trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình.
Suy cho cùng, mỗi đứa trẻ đều trưởng thành và hiểu chuyện hơn sau mỗi lần vấp ngã. Vậy nên làm sai cũng có sao, nhất là khi chúng ta còn trẻ?