Chiều 22/11, tại Hội thảo Du lịch đường sông với chủ đề: "Hướng phát triển du lịch đặc sắc TP.HCM" do báo Tuổi Trẻ tổ chức, giám đốc Sở Du lịch thành phố Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết sở đang tập trung, đẩy mạnh kêu gọi đầu tư các dự án du lịch đường sông.
Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, hiến kế phát triển du lịch đường sông cho TP.HCM. Ảnh: Phước Tuần. |
Đề cập đến hướng phát triển các sản phẩm du lịch, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết sẽ có những chính sách thu hút vốn đầu tư xã hội hóa, hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng.
Ông Vũ cho rằng hiện nay khoảng cách giữa điểm đầu, điểm cuối các tour tuyến còn xa. Để có thêm các điểm trung gian, Sở Du lịch sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hình thành điểm đến ở các nhà vườn ven sông. Một chợ nổi trên sông ở TP.HCM cũng được nghiên cứu thực hiện trong thời gian tới.
Ông Bùi Xuân Cường, giám đốc Sở GTVT TP.HCM cũng nhấn mạnh thành phố ưu tiên phát triển giao thông thủy nội địa, vận tải hành khách, hàng hóa thuận lợi cũng tạo điều kiện cho du lịch đường sông phát triển.
Ông Cường cho biết ngành giao thông đang phấn đấu đến tháng 10/2017 sẽ hoàn thành việc nâng độ tĩnh không cầu Bình Lợi lên 7m. Cảng Sài Gòn có kế hoạch di dời trong năm 2016 để phát triển đô thị nên sở đã kiến nghị nên giữ lại 1.800 m cầu cảng để khai thác du lịch.
Với hệ thống kênh rạch dày đặc, TP.HCM có nhiều lợi thế phát triển du lịch đường sông. Ảnh: Phước Tuần. |
Về phía doanh nghiệp, ông Trần Song Hải, chủ tịch Hội đồng thành viên công ty Greenlines, chia sẻ ý tưởng phát triển khai thác loại hình taxi cao cấp trên sông. Đó là những tàu không lật không chìm, giống như các tàu chấp pháp trên biển Đông hiện nay.
Hiến kế cho thành phố, ông Phạm Huy Bình, chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, kiến nghị lãnh đạo thành phố cần quy hoạch cụ thể về bến đỗ cho các phương tiện và phân luồng lưu thông. Hệ thống các bến tàu phải được xây dựng và phát triển đồng bộ đi cùng với các sản phẩm tour đường sông.
Ông Bình cũng đề xuất thành phố có ưu đãi hỗ trợ nhất định đối với các đơn vị kinh doanh du lịch đường sông. Đặc biệt chú trọng công tác vệ sinh môi trường, an toàn, hệ thống kênh rạch nội đô sạch sẽ để tạo cảnh quan thông thoáng và hấp dẫn du khách.
Du lịch đường sông giảm mạnh
Hiện nay, số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch đường sông đã giảm từ 37 xuống 19, số tàu cũng giảm từ 130 còn 100. Du khách có nhu cầu thực sự là ăn trưa, thưởng ngoạn trên sông, rất khó để bỏ chi phí đi từ trung tâm lên Bình Thạnh để ăn trưa. Do vậy rất cần có các cầu tàu, bến đón trả khách thuận lợi…