Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sài Gòn, Hà Nội sẽ trả giá cho việc phát triển tàu điện không đồng bộ

Theo ông Nguyễn Đức Chung, các chuyên gia Nhật và Đức cho rằng Hà Nội và TP.HCM sẽ phải trả giá cho việc phát triển tàu điện ngầm do nhiều nước chế tạo.

Ngày 29/7, trong phần chia sẻ bài học kinh nghiệm đầu tư, phát triển hệ thống giao thông ở thủ đô với lãnh đạo TP.HCM, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Hà Nội, đề cập tới những khuyến cáo của chuyên gia nước ngoài về quá trình phát triển tàu điện ngầm tại Việt Nam.

Ông Chung cho hay bản thân đã đi nhiều nước trên thế giới có hệ thống tàu điện ngầm phát triển để học hỏi kinh nghiệm. Khi tới Bắc Kinh (Trung Quốc), các bạn khuyên Hà Nội không nên phát triển tàu điện ngầm với các hệ thống điều hành khác nhau, phát triển các tuyến với nhiều loại đầu tàu, toa tàu do các nước khác nhau sản xuất.

Chuyên gia phân tích nếu mỗi đoàn tàu điện lại do một nước chế tạo, cung cấp thiết bị thì sau này Hà Nội sẽ gặp khó trong việc tích hợp chúng chung vào một hệ thống điều hành để quản lý - ông Chung chia sẻ.

tau dien ngam o TPHCM anh 1
Lãnh đạo Hà Nội và TP.HCM tại buổi chia sẻ kinh nghiệm. Ảnh: Quang Anh.

Theo người đứng đầu chính quyền thủ đô, khi ông tiếp xúc với các chuyên gia Nhật và Đức, họ cho rằng Hà Nội và TP.HCM sẽ phải trả giá cho việc phát triển tàu điện ngầm do nhiều nước chế tạo. Thứ nhất là việc khó tích hợp phần mềm các hãng lại với nhau; thứ hai, khi phát triển hệ thống đầu tàu và toa tàu với số lượng ít sẽ khiến việc bảo dưỡng, bảo hành sau này rất đắt đỏ.

“Chúng tôi có hỏi các chuyên gia việc tích hợp các đoàn tàu của Trung Quốc và Nhật mà Hà Nội đang phát triển thế nào nhưng họ không trả lời được”, ông Chung chia sẻ.

Theo ông, những năm 1960 Tokyo từng phát triển tàu điện ngầm như ở Hà Nội hiện nay (nhiều nhà cung cấp thiết bị, đầu máy, toa tàu - PV) nhưng giờ đã thay đổi. Tokyo chỉ mua và phát triển hệ thống đầu tàu, toa xe của một hãng để tiết kiệm chi phí bảo trì.

tau dien ngam o TPHCM anh 2
Tàu điện đường sắt trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) do Trung Quốc chế tạo. Ảnh: Quỳnh Trang.

Từ kinh nghiệm học hỏi được ở nước ngoài, ông Chung nói thành phố đi đến thống nhất sẽ mời các doanh nghiệp ở Tokyo đến tư vấn phát triển hệ thống tàu điện ngầm cho Hà Nội.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh những bài học kinh nghiệm mà lãnh đạo Hà Nội chia sẻ rất thiết thực với  TP.HCM. “Chúng tôi sẽ tiếp thu và học tập”, ông Nhân nói.

Theo ông Nhân, phát triển tàu điện ngầm ở TP.HCM khá giống Hà Nội khi mỗi nhánh lại của một nhà đầu tư nên cần nghiên cứu nghiêm túc.  

Xem robot 'khủng' đào hầm metro xuyên lòng đất ở Sài Gòn Từ hôm nay, 26/5, robot TBM có tổng chiều dài 70 m, nặng 300 tấn sẽ xuyên lòng đất để đào hầm metro tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên.

Người dân đổ xô xem đoàn tàu trên cao đầu tiên tại Việt Nam

Hàng trăm người dân tranh thủ ngày nghỉ đến tham quan tàu điện mới và công trình nhà ga La Khê của đường sắt trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội), sáng 20/5.



Quang Anh - Đức Phạm

Bạn có thể quan tâm