Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) mới đây đã thông báo về việc chào bán lô cổ phần sở hữu tại Công ty Cổ phần Thương mại Vàng bạc đá quý Phương Nam (NJC). Trước đó, nhà băng này đã 4 lần rao bán lô cổ phần tại công ty vàng nói trên nhưng không thành công.
Trong lần rao bán thứ 5 này, Sacombank sẽ bán 17,96 triệu cổ phiếu với giá khởi điểm 132 tỷ đồng. So với giá lần rao bán đầu tiên, mức giá hiện tại đã giảm hơn 69 tỷ đồng. Theo thông báo mới nhất, thời gian đăng ký và đặt cọc tiền cho các nhà đầu tư sẽ diễn ra từ 11 đến hết ngày 15/11.
Công ty vàng Phương Nam chính là công ty con của Ngân hàng TMCP Phương Nam trước đây (hiện đã sáp nhập vào Sacombank). Đây đồng thời là một trong những doanh nghiệp lớn do gia đình đại gia Trầm Bê sở hữu.
Vàng Phương Nam là công ty con của Ngân hàng Phương Nam trước khi bị sáp nhập vào Sacombank. Ảnh: Lê Quân. |
Ông từng là cổ đông sáng lập và giữ chức Phó chủ tịch tại công ty. Ngoài ra, ông Trầm Bê cũng từng là Phó chủ tịch Ngân hàng Phương Nam trước khi nhà băng này sáp nhập vào Sacombank và ông chuyển sang làm lãnh đạo tại nhà băng mới.
Số cổ phần Sacombank sở hữu tại Công ty vàng Phương Nam chính là phần vốn do Ngân hàng Phương Nam chuyển sang sau khi 2 nhà băng này sáp nhập.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng 2019 của Sacombank, ngoài cổ phiếu nắm giữ tại công ty vàng này, ngân hàng còn có khoản phải thu hơn 503 tỷ đồng tại đây và khoản phải thu đầu tư gần 65 tỷ.
Đây là khoản phải thu liên quan đến hoạt động mua bán vàng giữa Công ty vàng Phương Nam và Ngân hàng Phương Nam phát sinh trước khi sáp nhập. Tài sản đảm bảo cho khoản phải thu này là lô cổ phiếu có mệnh giá 681 tỷ đồng.
Phía ngân hàng cũng cho biết, khoản phải thu này cũng đã được Sacombank đề xuất bán cho VAMC theo đề án tái cơ cấu được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Hiện tại, các thủ tục bán chưa được hoàn tất và ngân hàng đã trích lập dự phòng khoản phải thu này theo năng lực tài chính.
Đại gia Trầm Bê trước khi vướng vòng lao lý. Ảnh: STB. |
Công ty vàng Phương Nam từng là doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn tại thị trường phía Nam trước khi rơi vào giai đoạn khó khăn từ năm 2011.
Cụ thể, thành lập từ năm 2007, trong 4 năm đầu tiên, công ty vàng này đã có đà tăng trưởng rất mạnh. Giai đoạn 2009-2010 doanh thu của công ty đạt trên dưới 7.000 tỷ đồng, với lợi nhuận thu về khoảng 30-40 tỷ đồng mỗi năm.
Tuy nhiên, từ năm 2011, hoạt động kinh doanh của Vàng Phương Nam bắt đầu lao dốc và lần đầu ghi nhận thua lỗ vào năm 2013. Trong lần công bố kết quả kinh doanh mới nhất (năm 2016), công ty vàng này lỗ ròng hơn 3,5 tỷ đồng, trong khi năm trước lỗ hơn 41 tỷ.
Tại Đại hội cổ đông thường niên 2017, ban lãnh đạo công ty đã trình cổ đông thông qua kế hoạch 2017 với con số lợi nhuận bị bỏ ngỏ vì đã thua lỗ nhiều năm liên tiếp và khó có thể bù đắp hết chi phí cùng lỗ lũy kế.
Cũng theo báo cáo tài chính năm 2016, tổng tài sản của công ty vàng này vào khoảng 1.015 tỷ đồng. Trong đó, nợ phải trả chiếm trên 60% với hơn 616 tỷ đồng, chủ yếu là phải trả người bán ngắn hạn.
Vàng Phương Nam cũng từng chuyển hướng đầu tư sang kinh doanh vàng trang sức, nhưng trước sự mở rộng hoạt động của Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận cùng các đối thủ như Bảo Tín Minh Châu, Phú Quý... công ty này vẫn kinh doanh dưới giá vốn suốt nhiều năm.