Sự biến đổi của việc đọc trong kỷ nguyên số là một trong bốn nội dung chính được đề cập tại tọa đàm “Sách trong lịch sử toàn cầu”. Tọa đàm diễn ra với hình thức trực tuyến tối 18/6.
Hai diễn giả là TS Vũ Đức Liêm (giảng viên Đại học Sư phậm I Hà Nội) và thạc sĩ Trần Anh Đức (trung tâm Nghiên cứu Xuất bản và Giáo dục IPER) đã thảo luận quanh cuốn Lịch sử của sách (tác giả James Raven) mới ra mắt.
Ebook là một bước ngoặt
Ngày nay, công nghệ phát triển như vũ bão. Nhiều người lo ngại sách sẽ mất vị thế bởi đã có bộ nhớ trí tuệ nhân tạo, hoặc sách điện tử sẽ thay thế sách truyền thống.
TS Vũ Đức Liêm nói cuộc cách mạng về sách vở thư tịch tiếp theo của nhân loại cũng giống những gì đã diễn ra trong quá khứ: Chuyển từ cuộn sang giấy papyrus, chuyển từ viết trên mảnh đất sét sang cuốn sách, chuyển từ cuốn sách dày bằng da sang sách in ấn gọn nhẹ…
Ấn phẩm Lịch sử của sách. Ảnh: Y. N. |
Tuy nhiên, việc tạo ra ebook là bước ngoặt. Sách giấy hay sách điện tử, tất cả đều là phương tiện lưu trữ thông tin. Nếu ta cầm một cuốn sách đọc, thưởng thức, ngửi mùi giấy, thì sách truyền thống là phù hợp. Nhưng nếu ta làm nghiên cứu, cần cả trăm cuốn sách thì việc có một ổ cứng lưu trữ cả nghìn cuốn sách khác nhau là rất cần thiết, đi đâu cũng mang theo được.
Khẳng định sự cần thiết, tầm quan trọng của ebook nhưng TS Vũ Đức Liêm cho rằng sách điện tử sẽ nảy sinh ra những vấn đề mới.
“Điều quan trọng hơn, con người cần phải sẵn sàng để tối ưu hóa công nghệ, tiếp cận được cả nguồn sách giấy hay sách điện tử”, vị tiến sĩ lịch sử nói.
TS Liêm phân tích: “Với một cuốn sách in, trước đây là ta đọc nó, là hiểu nó. Còn giờ ta đọc trên iPad, Kindle, phương tiện điện tử… nó cũng 'đọc' ta. Nó biết ta đọc khi nào nhanh khi nào chậm. Thậm chí khi ta đọc đến đoạn thảo nguyên tươi đẹp, chàng - nàng lãng mạn, nó biết nhịp tim của ta ra sao, huyết áp của ta thế nào… Vậy là nó biết ta nghĩ gì, thích gì, mơ tưởng gì, nó biết 'gu' của ta, sở thích của ta. Và ngay lập tức các công ty phát hành, xuất bản biết điều đó để tiếp thị ta”, TS Liêm nói.
Con người đọc sách có thể quên, còn khi sách và các phương tiện điện tử “đọc” ta, nó không bao giờ quên. “Đó là cách buộc ta phải thích ứng”, ông Liêm nói.
Với tư cách một nhà nghiên cứu, TS Vũ Đức Liêm cho rằng ebook rất thuận lợi. Ta cần một công trình nghiên cứu, một sự kiện vài trăm năm trước, một cú “search” sẽ ra ngay. Sách điện tử là công cụ hoàn hảo để tra cứu, nhưng làm thế nào để ta tối ưu hóa được sách vở mới là quan trọng.
Từ trái sang: MC chương trình, thạc sĩ Trần Anh Đức, TS Vũ Đức Liêm. |
Nói về sách và việc đọc trong thời 4.0, thạc sĩ Trần Anh Đức nhắc tới cuốn Đừng mơ từ bỏ sách giấy. Ở đó hai nhà tư tưởng, triết gia châu Âu là Jean-Claude Carriere và Umberto Eco đã thảo luận, đôi khi tranh luận gay gắt, về sự phát triển cũng như con đường tương lai của sách giấy.
Trong đó, họ đề cập sự tràn lan, phổ biến của công nghệ, sách điện tử, thu âm… có tính chất giống sách để rồi đi tới kể luận vai trò của sách in vẫn không thể bị thay thế.
Thạc sĩ Trần Anh Đức cho rằng sách in không mất vị thế bởi việc đọc sách in là một trải nghiệm thú vị: “Khi chạm tới một cuốn sách in, cảm giác của chúng ta hoàn toàn khác biệt với đọc sách điện tử, nghe sách nói”.
“Sách in không thể bị thay thế trong thời 4.0 bởi nền tảng tri thức được lưu giữ trong sách in là cơ sở, nền tảng để các đế chế công nghệ xây dựng nên kho lưu trữ khổng lồ sách điện tử của mình. Đó cũng là nền tảng để con người vận dụng xây dựng nên trí tuệ nhân tạo”, thạc sĩ Trần Anh Đức nêu quan điểm.
Trong cuốn Lịch sử của sách, nhà sử học James Raven dành chương 5 để nói việc đọc nói chung trong quá khứ, hiện tại và tương lai sẽ gắn liền nền văn hóa in ấn, sách in là không thể thay thế. Thư viện ngày hôm nay đang dần thay đổi chức năng. Nó trở thành một không gian sáng tạo, để phát triển tư duy hơn là để tra cứu tư liệu, thì vai trò của sách giấy vẫn không thể thay thế.
Thư viện của nhà văn Umberto Eco, người giữ quan điểm "Đừng mơ từ bỏ sách giấy". Ảnh: WantedinMilan. |
Đã đến lúc làm chủ thư tịch, sách vở
Độc giả cũng quan tâm việc ngày nay có quá nhiều sách, các công trình sau thường kế thừa nghiên cứu trước; vậy ta có nên lưu giữ sách cũ? TS Vũ Đức Liêm cho rằng ta không nên bỏ đi những cuốn sách cũ.
TS Liêm nói việc tồn tại của sách vở không phải là cộng gộp của tri thức từ xưa đến giờ, mà nó cho thấy trong quá khứ con người đã phát triển, tiến hóa từng bậc thang ra sao để có được ngày hôm nay.
Ví dụ đơn giản, ngày nay trẻ em đều có thể nói Trái Đất quay quanh Mặt Trời. Nhưng để điều hiển nhiên này được công nhận, con người ta đã phải trả bằng máu và nước mắt, phải lên giàn hỏa thiêu vì nó.
Đọc sách tại một tiệm trên phố Đinh Lễ, Hà Nội. ẢNh: Bùi Quốc Dũng. |
“Ta không chỉ cần biết tri thức, mà còn phải biết để có tri thức đó, loài người đã phải tranh đấu, hy sinh ra sao, và làm thế nào để tri thức tiến bộ được tồn tại, được sống sót trước tất cả cơn hỗn loạn; làm thế nào để hệ tư tưởng, tôn giáo, ý tưởng nhân văn, niềm tin cao đẹp này được tiếp tục”, TS Liêm nói.
Triết gia Karl Marx từng nói: “Lịch sử lặp lại lần thứ nhất là hài kịch, lặp lại lần thứ hai là bi kịch”. Để tránh bi kịch, ta nên hiểu diễn trình tiến hóa của tri thức. Sách vở là sự tiến hóa của tri thức, giúp ta nhận thức sai lầm của quá khứ và phát triển bền vững.
TS Vũ Đức Liêm cũng nhắc tới một khía cạnh quan trọng, là làm thế nào để sách vở, thư tịch hữu ích với chúng ta, tác động tích cực tới sự phát triển của xã hội, chứ không phải làm chúng ta hỗn loạn, hoang mang.
Ông nhắc tới hiện tại, đi vào hiệu sách, vào một kho sách điện tử, ta dễ rối loạn vì nhiều sách quá, từ đó hoang mang không biết nên đọc những gì, nên tin vào đâu.
“Đã đến lúc ta phải làm chủ thư tịch, sách vở. Đó là lúc ta nên đọc những công trình như Lịch sử của sách. Nó giúp ta biết cần đọc sách gì, loại thông tin nào, cái gì đáng tin, phù hợp, thúc đẩy sự phát triển”, TS Vũ Đức Liêm nói.