Trai gái làm tình, đình Phù Lão, Bắc Giang (chạm khắc thế kỷ 17), (Ảnh Nguyễn Đức Bình) |
Nam nữ giao hợp phụ luận do Kiều Oánh Mậu biên soạn là tác phẩm đầu tiên và cũng là duy nhất có nội dung về sinh hoạt giới tính, sinh sản theo y học phương Tây hiện đại do người Việt xuất bản đầu thế kỷ 20.
Sách không chỉ là một bằng chứng về sự giao lưu văn hóa trong khu vực (qua tân thư) mà còn là bằng chứng về công cuộc hiện đại hóa xã hội Việt Nam dưới thời Pháp thuộc. Đặc biệt, sách còn thể hiện quan điểm của một số nhà trí thức là quan lại triều Nguyễn với những kiến thức y học hiện đại, nhất là về sinh hoạt giới tính và sinh sản, điều mà trước đó gần như bị coi là kiêng kỵ, không được đem ra bàn luận.
Trong bài Kiều Oánh Mậu và tác phẩm Nam nữ giao hợp phụ luận in trong sách Nghiên cứu Hán Nôm năm 2017 (Kỷ yếu Hội thảo khoa học cấp quốc gia có phản biện), tác giả Nguyễn Thị Dương cho biết nội dung chính yếu và những thông tin xung quanh tác phẩm được xem là hiếm hoi hiện còn lại này.
Nam nữ giao hợp phụ luận nguyên tác do Pháp - Ô - La người Mỹ soạn, được Ưu Ái người Trung Quốc dịch ra Hán văn năm Tân Sửu (1901) và được Kiều Oánh Mậu biên tập thêm vào phần bàn luận nên sách mới có tên như vậy.
Bìa sách "Nam nữ giao hợp phụ luận". Nguồn: Thư viện Quốc gia Việt Nam. |
Kiều Oánh Mậu, hiệu Giá Sơn, sinh năm 1854, mất 1911 (có sách chép 1912), người làng Đông Sàng, tổng Cam Giá Thịnh, huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây (nay là xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây) là một danh sỹ thời Nguyễn. Ông đỗ cử nhân năm 1879, Phó bảng năm 1880, làm quan tới chức Tri phủ Xuân Trường. Sinh thời ông tham gia nhiều hoạt động văn hóa tích cực như cổ động việc sáng lập trường tư thục, sáng tác thơ văn kêu gọi, tổ chức nói chuyện về việc học, tham gia giảng dạy ở trường Đông Kinh nghĩa thục. Đặc biệt, năm Thành Thái 8 (1896) ông còn trông coi tờ Đại Nam Đồng văn cho Vũ Phạm Hàm….
Theo tác giả Nguyễn Thị Dương Nam nữ giao hợp phụ luận được khắc in năm Quý Mão đời vua Thành Thái (1903) với sự trợ giúp của một số quan lại các tỉnh: Án sát sứ Nam Định Hoàng Huy Tường (30 đồng), Tri phủ Phúc Thọ Nguyễn Thiện Kế (10 đồng), Tri phủ Thuận Thành Nguyễn Uẩn (6 đồng).
Sách gồm 86 tờ (172 trang), khắc in bằng chữ Hán, có hình ảnh có mục lục, bài nguyên tự của Ưu Ái đề năm Tân Sửu, bài phụ luận tự của Kiều Oánh Mậu viết năm Quý Mão.
Hình ảnh cấu tạo và công dụng của quy đầu in trong sách. Nguồn Thư viện quốc gia Việt Nam. |
Về nội dung, tác phẩm gồm 50 mục chính theo nguyên tác và sau mỗi mục là phần phụ luận là những nhận xét, bình luận của Kiều Oánh Mậu về những vấn đề được nêu và có liên hệ với người Việt. Xin liệt kê một vài mục trong sách: (1) Giao cấu là điều tối quan trọng, (2) Nam nữ quyến luyến nhau thì nảy sinh tình cảm yêu đương, (3) Giao hợp để tạo ra tinh thần con cái, (4) Giao hợp thích hợp hay không cần tới sự vui khổ của thân, tâm, (5) Ý nghĩa và phương pháp giao hợp, (6) Hình dáng tính chất cha mẹ di truyền sang con cái… (16) Tình dục là cần thiết để tạo nên con cái, (17) Khi giao hợp cả nam và nữ đều tạo nên hưng phấn, (18) Tình dục có quan hệ với thiên chức của người phụ nữ, (19) Người phụ nữ phải làm cho người nam hưng phấn để thỏa mãn chức năng sinh đẻ,… (22) Lời khuyên cho đàn ông nhiều ham muốn tình dục… (34) Phá thai là làm trái với sinh lý… (37) Nguyên nhân vô sinh và cách chữa trị… (43) Cấu tạo và công dụng của quy đầu, (44) Cấu tạo và công dụng của tử cung… (47) Sự tương hợp giữa cơ quan sinh dục nam và sinh dục nữ… (50) Về việc mang thai.
Theo tác giả Nguyễn Thị Dương, việc một viên quan trong triều biên tập và cho in sách với tư cách cá nhân không có gì lạ, nhưng đối với một chủ đề vốn được coi là kiêng kỵ theo quan điểm của Nho giáo được đón nhận một cách cởi mở và còn được đem in phổ biến rộng rãi như Nam nữ giao hợp phụ luận của Kiều Oánh Mậu thì đây là lần đầu tiên. Không rõ sách in ra bao bản và người thời đó đón nhận như thế nào nhưng một số đồng liêu của Kiều Oánh Mậu quyên góp tiền cho thấy sự ủng hộ của họ đối với sự ra đời của tác phẩm.
Hình ảnh cấu tạo và công dụng của tử cung trong sách. Nguồn: Thư viện quốc gia Việt Nam. |
Nhìn lại bối cảnh của xã hội Việt Nam đầu thế kỷ 20, cuốn sách có thể được xem là một trong những sản phẩm của công cuộc cải cách xã hội (phong trào Duy tân đề xướng) trên nhiều phương diện trong đó có y tế. Về cơ bản Kiều Oánh Mậu đã tiếp thu những kiến thức mới của phương Tây như giải phẫu học, sinh lý học, ông cũng chỉ ra những cung bậc tình cảm chính đáng của việc giao hợp trong sinh hoạt vợ chồng, điều mà trước đó người Việt Nam chưa bao giờ mang ra bàn bạc mổ xẻ một cách cụ thể.
Kiều Oánh Mậu cũng là nhà nho đầu tiên dám nói câu “người không biết cách giao hợp là có lỗi”. Ông cũng phê phán các thầy thuốc Việt Nam thời đó thiếu kiến thức về giải phẫu, không chịu tìm hiểu cấu tạo cơ thể và cần được bổ khuyết thiếu sót này. Theo ông muốn biết cách giao hợp thì phải hiểu biết về cấu tạo cũng như công dụng cơ quan sinh dục nam nữ. Nhưng quan trọng hơn, sự hiểu biết này còn là cơ sở để “làm mạnh giống nòi Việt Nam”.
Dù những nhận xét, bình luận của Kiều Oánh Mậu vẫn còn những hạn chế của thời đại, nhưng ở khía cạnh truyền bá tri thức sinh hoạt giới tính, sinh sản theo quan điểm y học hiện đại phương Tây thì nó là cuốn sách ra đời sớm nhất ở Việt Nam. Tác phẩm cũng có đời sống đặc biệt trong thư tịch y dược Việt Nam nói chung và thư tịch Hán Nôm nói riêng.