Đầu tháng 5, một công ty ở Trung Quốc có tên Ximalaya đã IPO trên thị trường chứng khoán. Không quá nổi tiếng ở nước ngoài, nhưng ở trong nước, Ximalaya là công ty cung cấp audiobook và podcast lớn nhất.
Với hơn 250 triệu người dùng thường xuyên trong quý đầu tiên của năm 2021, doanh số của Ximalaya trong năm 2020 tăng 51,3%, đạt mức 4,05 tỷ nhân dân tệ (khoảng 15 nghìn tỷ đồng).
Được thành lập năm 2012, Xima (tên gọi tắt của Ximalaya) cùng LizhiFM và QingTingFM tạo thành 3 "ông lớn" trong thị trường nội dung nghe của Trung Quốc.
Gian hàng của Ximalaya FM tại Hội sách Thượng Hải 2019. Ảnh: China Daily. |
Các nội dung nghe như sách nói, podcast đang phát triển nhanh chóng ở đất nước tỷ dân. Theo một nghiên cứu độc lập của Delloite, thị trường Trung Quốc và Mỹ chiếm đến 75% tổng số người nghe audiobook toàn cầu.
Sự tăng trưởng này đến từ tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc, những người phải dành nhiều thời gian di chuyển trên ôtô đi làm quãng đường xa, hoặc tham gia các hoạt động xa rời màn hình máy tính, như chạy bộ, tập gym.
Các đại gia công nghệ của Trung Quốc cũng không nằm ngoài cuộc chơi. Năm ngoái, một công ty công nghệ cũng mở nền tảng audiobook riêng, đạt tới 100 triệu người dùng vào năm 2020.
Doanh số bán audiobook tăng vọt trong 3 năm trở lại đây. Ximalaya thu được 176 triệu USD doanh số trong quý I, năm nay, tăng 65,2% so với cùng kỳ. Nguồn thu chính của Xima đến từ doanh số mua nội dung số, quảng cáo và tặng quà ảo live streaming.
Nhưng, cũng như nhiều công ty khởi nghiệp công nghệ khác, Ximalaya chưa thể kiếm lợi nhuận. Công ty đã ghi nhận khoảng lỗ tăng vọt từ năm 2018. Đầu năm nay, công ty này có lợi nhuận âm 40,8 triệu USD, đẩy lỗ luỹ kế lên 92,7 triệu USD.
Tuy nhiên, họ tin tưởng với sự phát triển của các thiết bị đeo thông minh, và nhu cầu thưởng thức nội dung nghe trong ôtô, thị trường sẽ tiếp tục phát triển trong các năm tới.