Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sách 'made in Japan' luôn được đón nhận ở Việt Nam

Theo đại diện 1 công ty xuất bản nhiều sách Nhật ở Việt Nam, độc giả Việt luôn đón nhận sách Nhật với tâm thế tích cực, sẵn sàng học hỏi.

Vài năm gần đây, Công ty Cổ phần Sách và Truyền thông Quảng Văn mang đến cho độc giả Việt Nam nhiều xuất bản phẩm có xuất xứ từ Nhật Bản. Báo Asahi Shimbun đã thực hiện cuộc phỏng vấn với ông Trịnh Minh Tuấn - giám đốc Công ty. 

Trong khuôn khổ Ngày hội Bản quyền Sách Việt Nam - Nhật Bản đang diễn ra, Zing.vn giới thiệu lại bài phỏng vấn với nhiều thông tin, kinh nghiệm trong việc xuất bản sách Nhật tại Việt Nam.

Sach Nhat Ban duoc chuong tai Viet Nam anh 1
Ông Trịnh Minh Tuấn và phiên bản tiếng Nhật sách Chú sâu háu ăn dành cho trường mầm non.

Học hỏi Nhật để tiệm cận xuất bản thế giới

- Ông có thể cho biết lý do vì sao Công ty Cổ phần Sách và Truyền thông Quảng Văn (Quảng Văn Books) chú trọng khai thác dòng sách Nhật Bản?

- Cũng như khá nhiều người Việt, tôi dành nhiều tình cảm cho đất nước, con người Nhật, cho nên nhu cầu tìm hiểu về Nhật Bản thông qua sách vở rất tự nhiên. Thêm nữa, Nhật Bản thuộc top các quốc gia có ngành công nghiệp xuất bản phát triển nhất trên thế giới (cùng với Anh, Mỹ, Đức…) với gần 4.000 nhà xuất bản.

Chúng tôi hy vọng, trong quá trình làm việc với các đối tác Nhật Bản, Quảng Văn Books sẽ học hỏi để đạt được tiêu chuẩn quốc tế trong lĩnh vực xuất bản và hướng tới việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu trong ngành.

Ở góc độ kinh tế, như chúng ta biết, trong nhiều năm nay, Nhật Bản là một trong những quốc gia tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam; nhiều công ty, nhiều thương hiệu, sản phẩm… của Nhật trở nên quen thuộc ở Việt Nam.

Nhu cầu tìm hiểu, học hỏi về đất nước, con người Nhật Bản là rất lớn, ở mọi lĩnh vực: từ ngôn ngữ, văn hóa, giáo dục, chính trị, tài chính, kỹ thuật, công nghệ, ngân hàng… Và đây là thị hiếu, là nhu cầu, là xu hướng mà chúng tôi, những người làm xuất bản cần đáp ứng.

- Ông đánh giá như thế nào về tâm thế tiếp nhận của độc giả Việt với dòng sách từ Nhật Bản mà Công ty đã khai thác và đưa ra thị trường? Nó có khác gì với dòng sách của các quốc gia khác mà Quảng Văn Books đang khai thác?

 - Dòng sách khai thác từ Nhật Bản đã có sẵn một lượng độc giả, chỉ cần khai thác bản thảo chất lượng, phù hợp với thị hiếu và nhu cầu thì sẽ được đón nhận.

Ở góc độ nội dung và hình thức, so với các dòng sách từ các quốc gia khác, sách Nhật có bản sắc rất rõ nét. Nó là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa phương Đông và phương Tây, giữa hàn lâm và phổ thông... Ví dụ, ehon - sách tranh Nhật - về mặt nội hàm, nó không khác gì picture book phương Tây cả.

Tuy nhiên, khi nghiên cứu sâu về thể loại này, tôi phát hiện ra một điều, ehon Nhật Bản có một truyền thống lâu đời, hơn 300 trăm, nó là sự kết hợp tuyệt vời giữa nghệ thuật minh họa truyền thống của Nhật với công nghệ xuất bản hiện đại của phương Tây.

Trực quan hơn, bạn sẽ thấy khổ sách, giấy in sách, cách đọc, cách gia công… sách của Nhật rất chất lượng. Điều đáng mừng, là có nhiều nhà in, công ty sách và nhà xuất bản ở Việt Nam đang học hỏi những điểm tích cực này.

Ở góc độ tâm thế tiếp nhận của độc giả Việt đối với sách mua bản quyền từ Nhật có hai khía cạnh: Thứ nhất, như tôi đã nói ở phần trên, người Việt vốn dành nhiều tình cảm cho dân tộc Nhật, cho nên, những sản phẩm “Made in Japan”, trong đó có sách, luôn được đón nhận với tâm thế tích cực, có phần ngưỡng mộ.

Thứ hai, ở góc độ sản phẩm, họ luôn yêu cầu rất cao về chất lượng và “bản sắc văn hóa”. Đây là ưu điểm nhưng cũng có thể là nhược điểm. Vì như vậy sản phẩm khó phổ biến đại trà và kén người đọc.

Sach Nhat Ban duoc chuong tai Viet Nam anh 2
Ehon Nhật là dòng sách được thị trường Việt Nam ưa chuộng.

Phí bản quyền sách Nhật cao hơn các nước châu Á 

- Việc khai thác bản thảo từ Nhật Bản gần đây có thuận lợi hơn so với trước đây không thưa ông?

- Đối với những công ty sách, nhà xuất bản đã có thâm niên và uy tín hợp tác với các đối tác Nhật thì tôi nghĩ sẽ có nhiều thuận lợi. Người Nhật hợp tác dựa trên sự tin tưởng. Và sự tin tưởng cần thử thách qua thời gian và sản phẩm.

Mặt khác, xuất bản sách mua bản quyền từ Nhật Bản giờ đây trở thành một xu thế ở Việt Nam. Các nhà xuất bản ở Nhật nhận ra điều này, cho nên, trong một vài năm gần đây, có nhiều nhà xuất bản của Nhật sang Việt Nam tìm hiểu và thiết lập quan hệ. Theo tôi, trong một vài năm tới, việc khai thác bản quyền từ Nhật sẽ có nhiều thuận lợi.

- So với khai thác bản thảo dịch từ các nước phương Tây, hay một số nước châu Á khác, chi phí bản quyền của Nhật Bản ở mức nào, thưa ông?

- Phí bản quyền trả trước và trả sau ở Nhật cao hơn các nước châu Á và tương đương các nước phương Tây.

- Ông có thể giải thích, đánh giá gì về việc các nhà làm sách gần đây có xu hướng chuộng khai thác các dòng sách từ Nhật Bản, đặc biệt là dòng sách giáo dục? Điều đó có tạo nên ảnh hưởng (cơ hội thuận lợi hay thử thách, cạnh tranh) nào cho các ông hiện tại và trong thời gian tới không?

- Xu hướng luôn bắt nguồn từ thị hiếu và nhu cầu của thị trường. Việc các nhà sách chuộng khai thác bản quyền từ Nhật, tôi nghĩ, đó là điều đáng mừng. Và tôi coi đó là cơ hội chứ không phải thách thức. Vì chỉ có sự cạnh tranh mới giúp chúng ta trưởng thành và phát triển.

Hiền Đỗ

Bạn có thể quan tâm