Trước hết, cần hiểu cho rõ ràng về định nghĩa sách lậu và các hình thức làm lậu, vì các biện pháp xử lý sẽ căn cứ các hình thức đó để áp dụng phù hợp.
Sách lậu là sách in ấn và phát hành trái pháp luật, tức là không có văn bản hợp pháp chứng minh nguồn gốc tác phẩm và quyền sở hữu đối với tác phẩm trong phạm vị thị trường tối thiểu là Việt Nam, và/hoặc không có giấy phép đăng ký xuất bản hợp pháp.
Sách nhái là không ký kết hợp đồng bản quyền hoặc hợp đồng xuất bản với tác giả và/hoặc không đăng ký giấy phép xuất bản mà tự kiếm bản thảo trôi nổi hoặc tự tiến hành dịch sách ngoại văn rồi in, cả nội dung và hình thức đều không giống sách thật, không đảm bảo chất lượng bản thảo.
Sách giả là hoặc là tự sao chụp rồi in lại, nội dung và cách trình bày giống sách thật nhưng chất lượng in kém do hình ảnh sao chụp mờ khiến chữ nhòe, đứt nét, màu sắc không đồng đều, sử dụng giấy in chất lượng thấp và không sử dụng các công nghệ in đặc biệt (dập nổi, ép nhũ, cán mờ, bóng điểm…) hoặc cắt giảm chi phí (chỉ làm bìa mềm, không làm tay gấp cho bìa, không làm áo ôm/đai sách…); hoặc là gõ lại theo nội dung sách thật (trình bày dù cố gắng cũng không thể hoàn toàn giống sách thật, nội dung sẽ có sai khác/lỗi do cẩu thả trong quá trình nhập chữ, thậm chí có những lỗi sai nghiêm trọng về kiến thức, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục hoặc không phù hợp với thuần phong mỹ tục…
Sách lậu có thể rẻ hơn hoặc đắt hơn sách thật, nhưng đều đánh vào tâm lý ham rẻ của độc giả. Trong trường hợp để giá bìa cao hơn sách thật, sách lậu sẽ được bán với giá chiết khấu đến 50% (trong khi mức chiết khấu của sách thật thường chỉ 10-30%) dễ khiến người mua có cảm giác được mua sách rẻ.
Hầu như công ty sách, nhà xuất bản nào cũng có đội ngũ anh em đồng nghiệp, các cộng tác viên và đối tác chuyên "săm soi" để tìm sách giả. Chỉ cần có thông tin rằng cuốn đó, cuốn kia “đã bị lậu rồi”, đơn vị xuất bản sẽ kịp thời thông báo cho độc giả nắm được thông tin, nhận biết, tránh mua nhầm. Sau đó, tùy vào mối quan hệ “nông - sâu” với các cơ quan chức năng của trung ương và địa phương, hoặc cuốn sách đó có phải là “cuốn đinh” trong việc PR marketing hoặc kinh doanh hay không, họ sẽ có kế hoạch bắt quả tang hoặc truy tận nơi in lậu.
Ai cũng hy vọng, làm mạnh thì “bọn chúng” cũng chùn tay hơn, ít nhất cũng dè chừng hay giảm bớt đi. Tuy nhiên, biện pháp này không thực sử hiệu quả, do công việc theo đuổi này tốn nhiều thời gian, công sức và gặp nhiều khó khăn do chế tài xử lý, triệt phá các cơ sở in, phát hành, phân phối sách lậu… còn nhiều hạn chế.
Câu hỏi sách giả sách lậu tồn tại thì làm cách nào cũng không khác câu hỏi trộm cắp vẫn còn tồn tại thì làm sao. Khi xã hội còn trộm cắp, nguy cơ sách lậu, sách giả vẫn còn. Chúng ta cần hiểu rằng sách lậu, sách giả là một hình thức ăn cắp. Khác nhau ở đây là ăn cắp tri thức, ăn cắp phá hoại.
Bìa 3D của sách Triết lý nhân sinh. |
Bà Hà Kim Ngân, Trưởng phòng bản quyền Công ty Sách Alpha, cho biết, ngoài cách tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, Alpha còn kết hợp tuyên truyền cho các bạn học sinh - sinh viên tham gia chương trình Trải nghiệm doanh nghiệp.
Điều này giúp các bạn hiểu được quy trình xuất bản một cuốn sách, sự nghiêm túc và đạo đức nghề nghiệp đặt lên hàng đầu của Alpha trong làm sách, sự khó khăn vất vả.
Do đặc thù là đơn vị xuất bản sách kinh doanh & kỹ năng hàng đầu Việt Nam, Alpha có lực lượng độc giả đông đảo là học sinh - sinh viên. Đây cũng chính là nhóm độc giả thường xuyên, có khả năng cao mua và đọc sách lậu do hạn chế về điều kiện kinh tế.
Với đặc thù mảng sách của công ty mình, Alphabooks cũng mở thêm nhiều cửa hàng sách trực thuộc tại các địa điểm tập trung đông dân cư hoặc các trường đại học, cao đẳng, để độc giả có điều kiện tiếp cận sách thật với giá ưu đãi. Liên tục tìm kiếm các cơ sở, đối tác phân phối sách tại nhiều tỉnh/thành trên cả nước để hợp tác đưa nhiều sách thật đến với độc giả địa phương.
Alphabooks thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện, giới thiệu sách và lập điểm bán sách lưu động tại các trường phổ thông/cao đẳng/đại học hoặc các địa điểm phù hợp, mang đến các đầu sách phù hợp nhất cho các đối tượng độc giả tại điểm bán.
Áp dụng những “độc chiêu” này, họ hy vọng mình sẽ trụ vững và có nhiều sức mạnh hơn nữa khi đối đầu với vấn nạn này.
Khác với Alphabooks, Thái Hà Books tự phòng vệ theo cách của riêng mình là chọn giấy nhập ngoại đắt tiền. Loại giấy này nhẹ, xốp, làm bằng gỗ (chứ không làm bằng bột đá màu trắng như giấy sản xuất trong nước). Thái Hà Books cũng thiết kế các chi tiết tinh vi, rất nhỏ mà khi in lại nhái lại rất dễ lộ vì bị mờ, bị đen...
“Điểm nữa là sách thật của chúng tôi bây giờ làm rất đẹp, in công phu cầu kỳ. Những ví dụ rất rõ như những bộ sách như 3 cuốn của bộ Trọn một vòng yêu thương, bộ sách tô màu dành cho người lớn coloring book 2 cuốn Khu vườn bí mật và Khu rừng bị phù phép, rất đẹp và trang trọng, công phu gia công rất lớn, bọn in sách lậu sách giả khó có thể đầu tư và kỹ tính như vậy vì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chi phí, lợi nhuận.
Thế rồi chúng tôi làm hộp rất đẹp như bộ Tứ thư lãnh đao chẳng hạn, nó cũng là một khó khăn trong việc làm nhái của các nhà làm lậu chứ? Cũng có thể chúng tôi sẽ ứng dụng một bí quyết lạ - đóng dấu đỏ trên từng cuốn sách. Dấu đỏ của công ty được công an cấp. Bọn làm sách lậu không thể có dấu đỏ để đóng. Mà nếu làm giả dấu đỏ thì chắc chắn phạm tội hình sự rồi”, TS Nguyễn Mạnh Hùng, TGĐ công ty Sách Thái Hà chia sẻ.
"Để xuất bản được một cuốn sách, các đơn vị xuất bản phải rất dụng công từ khâu mua bản quyền, sản xuất, phát hành… Tuy nhiên, chỉ một hai ngày sau khi có mặt trên thị trường là sản phẩm đó đã được sao chép lậu và phát hành công khai song song với sách thật.
Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể thấy, việc sách lậu vẫn phát triển và sống tốt trên thị trường một phần cũng là do độc giả nhiều lúc chưa phân biệt được sự khác biệt. Ngoài những độc giả thường xuyên đi nhà sách, có một bộ phận không nhỏ các độc giả hay mua sách theo kiểu “gặp đâu mua đó” và tình trạng này rất dễ đến việc độc giả có thể mua phải sách lậu mà không biết.
Để đối phó với vấn đề này, cách đây khoảng hai năm, Đinh Tị đã phải thiết kế một loạt tờ rơi trong đó hướng dẫn rất kỹ cách nhận biết và phân biệt sách thật, sách giả bên cạnh đó còn kêu gọi độc giả chống lại sách lậu bằng cách ủng hộ sách thật. Mỗi tờ rơi được thiết kế dễ hiểu và đẹp mắt rồi kẹp vào mỗi cuốn sách của Đinh Tị khi phát hành.
Ngoài ra, việc in sách bằng chất liệu giấy tốt nhất, gia công bìa với nhiều chi tiết, tỉ mỉ, cần công nghệ cao hay tặng kèm nhiều quà tặng khác nhau khi phát hành sách cũng là một trong những cách để độc giả thấy được sự khác biệt giữa sách giả và sách thật" - bà Trần Hải Ngọc, Phó GĐ Công ty Sách Đinh Tỵ chia sẻ.
Nhìn chung, cuộc chiến với sách giả sách lậu bao giờ cũng là cuộc chiến khó khăn, tinh vi, mất thời gian hơn và tốn kém hơn. Cuộc chiến với nạn sách lậu còn lâu dài và gian nan.
Khi mà các đơn vị, cơ sở làm sách lậu còn mờ mắt vì lợi nhuận khổng lồ từ hành vi trái pháp luật này trong khi chế tài xử lý của pháp luật còn hạn chế, thì ngoài nỗ lực tự thân của các đơn vị xuất bản chân chính, còn cần hơn sự kết hợp chặt chẽ với 2 nhân tố quan trọng khác là các cơ quan chức năng và độc giả.
Ngoài sự hỗ trợ mạnh mẽ, hiệu quả, triệt để về pháp luật của cơ quan chức năng (quản lý chặt chẽ việc đăng ký xuất bản, chỉ cấp giấy đăng ký xuất bản khi đơn vị xuất bản cung cấp được đầy đủ tài liệu/văn bản hợp pháp chứng mình nguồn gốc và quyền hợp pháp trong in ấn, phát hành bản thảo; có cơ quan hành pháp xử lý triệt để các đơn vị/cơ sở/cá nhân vi phạm…), nhân tố quyết định sự thành bại trong "trận chiến" cam go này chính là độc giả - những người bỏ tiền mua sách.
Chỉ khi người đọc có kiến thức nhận biết sách thật - sách lậu và ý thức được việc được việc mua và đọc sách thật là hành vi văn hóa và tôn trọng pháp luật và bảo vệ lợi ích chính đáng của mình khi mua sản phẩm đảm bảo chất lượng, nạn sách lậu mới không còn “chốn dung thân”.