Trong buổi giao lưu Chúng tôi viết cho thiếu nhi diễn ra vào ngày 17/6 khán giả được gặp mặt các thế hệ nhà văn, nhà thơ, tác giả quen thuộc với đề tài thiếu nhi, bao gồm nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà thơ Phan Thanh Nhàn và nhà văn trẻ Ngọc Linh. Đồng thời đây cũng là buổi ra mắt những ẩn phẩm mới như Tuyển thơ Trần Đăng Khoa, Bỏ trốn, Hoàng tử rơm...
Nhà thơ Trần Đăng Khoa cùng 2 tác giả Phan Thị Thanh Nhàn và Ngọc Linh trong buổi giao lưu cùng độc giả. |
Nhắc đến nhà thơ Trần Đăng Khoa độc giả nghĩ ngay đến một thần đồng thơ nổi tiếng được nhiều thế hệ thiếu nhi yêu mến. Tập thơ Góc sân khoảng trời đã khiến cả văn đàn chấn động với tài năng của cậu bé Trần Đăng Khoa khi đó mới 10 tuổi.
Trần Đăng Khoa chia sẻ: “Nếu không có NXB Kim Đồng sẽ không có Trần Đăng Khoa của ngày hôm nay. Năm 1964 khi tôi bắt đầu đi học lớp một, lúc đó tôi đã bắt đầu đọc sách rồi. Tập thơ đầu tiên tôi đọc là cuốn Tấm lòng chúng em của Kim Đồng. Khi nhìn vào lứa tuổi thấy cũng ngang ngang bằng mình. Thế nên tôi bắt đầu viết thơ, viết luôn, viết liên tục một ngày vài bài. Ngày đó bác Xuân Diệu bảo rằng không chỉ Trần Đăng Khoa cất lên tiếng gáy ò ó o, rất nhiều các em khác cũng cất tiếng gáy ò ó o nhưng em Trần Đăng Khoa là trung tâm của những tiếng gáy đó.”
Với nhà thơ Trần Đăng Khoa ở thế hệ của ông cũng có nhiều người cũng làm thơ hay, chỉ tiếc là không được biết đến rộng rãi. Thời điểm đó văn thơ là phong trào được các bạn thiếu nhi hưởng ứng rất nhiệt tình.
Cũng giống như Trần Đăng Khoa, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn bắt đầu sáng tác từ rất sớm. Tác giả của Làm anh rất vui mừng vì các tác phẩm của mình đến giờ vẫn được các em nhỏ yêu thích, căn cứ vào việc tái bản nhiều lần đã cho thấy độc giả vẫn còn tin tưởng và dành tình yêu cho nhà thơ. Những bài thơ của Phan Thị Thanh Nhàn luôn tràn ngập tình yêu, đặc biệt bà luôn dành sự quan tâm của mình cho những đứa trẻ có hoàn cảnh thiệt thòi.
Khác với những nhà văn trẻ đương thời, tác giả Ngọc Linh lại lựa chọn viết cho trẻ em. Cô tâm sự rằng: “Thực ra đơn giản Linh không hề chọn, bởi Linh vẫn là một đứa trẻ, mà trẻ con thì luôn mong muốn được kể cho mọi người nghe về thế giới diệu kỳ của chúng”. Cho đến bây giờ cảm xúc vui mừng khi tác phẩm đầu tiên được công chúng đón nhận của cô vẫn còn y nguyên. Hầu hết tất cả các nhà thơ, nhà văn đều chịu ảnh hưởng của những người đi trước.
Trần Đăng Khoa chia sẻ mới học lớp một ông đọc rất nhiều sách, lên đến lớp bốn số sách đọc được lên đến cả nghìn cuốn. Tri thức là không ngừng trau dồi và đó chính là cách duy nhất để viết văn hay.
Tất cả khách mời đều đồng tình với ý kiến của Trần Đăng Khoa rằng sách chính là tri thức giúp mọi người sống nhân ái, cởi mở, yêu chuộng hòa bình, ảnh hưởng đến nhân cách, tuy duy sáng tác của các cây viết sau này.