Đó là giải Hành động Thiết thực (Best Practice Honoree) thuộc Giải thưởng Xóa mù chữ (Literacy Awards) của Thư viện Quốc hội Mỹ năm 2017. Giải trị giá 5.000 đôla (hơn 113 triệu đồng).
Giải được trao cho Trung tâm Hỗ trợ thức và Phát triển Cộng đồng, tổ chức thực hiện chương trình này, do anh Nguyễn Quang Thạch - nhà hoạt động xã hội được mệnh danh là “người cõng sách” - đứng đầu.
Cơ hội giới thiệu Việt Nam trước 1.750 tổ chức giáo dục toàn thế giới
Sáng nay 2/9, anh Nguyễn Quang Thạch vui mừng thông báo tin tức này đến các bạn bè và hơn 34.000 người theo dõi trên trang cá nhân. Anh cho biết tin về giải thưởng được Thư viện Quốc hội Mỹ (Librarian of Congress hay LOC) thông báo đến cá nhân anh cách đây hơn một tháng.
Nhưng đến hôm 1/9, thông tin này mới được công bố trên trang web chính thức của LOC. Bà Becky Brasington Clark - Giám đốc bộ phận Xuất bản của LOC - gửi email thông báo tới anh Thạch
“Gửi ông Nguyễn Quang Thạch. Chúng tôi hân hạnh thông báo với ông rằng Trung tâm Hỗ trợ tri thức và phát triển cộng đồng đã được chọn được chọn trao giải thưởng Hành động Thiết thực của Chương trình Giải thưởng Xóa mù chữ (phổ biến tri thức) của Thư viện Quốc hội Mỹ năm 2017”, bà viết.
Anh Nguyễn Quang Thạch trên đường xuyên Việt kêu gọi ủng hộ Sách hóa nông thôn năm 2015. |
“Thành công của các ông trong thực tiễn có tác dụng thúc đẩy việc xóa mù chữ là một mô hình có giá trị đối với các tổ chức khác đang tìm kiếm để sáng tạo những chương trình xóa mù chữ dựa trên bằng chứng thực tế”.
Với giải thưởng này, Trung tâm Hỗ trợ thức và Phát triển Cộng đồng sẽ nhận được 5.000 USD tiền mặt cùng lời mời tham gia hội nghị thường niên và lễ trao giải tại Thư viện Quốc hội Mỹ ở Washington vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11. Hội nghị thường niên của LOC diễn ra trong vòng một ngày, là diễn đàn chia sẻ thành công và những phương thức hành động về xóa mù chữ trên thế giới.
Thêm vào đó, bản tóm lược về Sách hóa nông thôn và Trung tâm cũng sẽ xuất hiện trong ấn phẩm của Giải thưởng Xóa mù chữ của LOC năm 2017, được phát cho khoảng 1.750 tổ chức và các nhà giáo dục trên toàn thế giới.
"Chúng ta hãy cảm ơn chính mình"
Trên trang cá nhân, anh Nguyễn Quang Thạch gửi lời cảm ơn đến tất cả những ai đã tham gia chương trình ở mọi hoạt động. Đó là những người thiết kế chương trình, quyên góp sách và tiền, cho phép áp dụng các mô hình tủ sách, nhân rộng tủ sách, khuyến đọc, đi bộ, truyền tin, tham gia vận động chính sách, ra chính sách, hỗ trợ hồ sơ tham gia các giải thưởng quốc tế, bán sách... và đặc biệt là những người đã cưu mang anh trong thời gian hoạt động.
Có hàng nghìn người từng tham gia ủng hộ Sách hóa nông thôn với một vai trò cụ thể. |
“Tất cả chắc chắn sẽ cám ơn chính mình vì đã chung tay mang lợi cho trẻ em Việt Nam” - anh Thạch viết. “Chúng ta cảm ơn nhau vì Sách hóa nông thôn đã được thư viện lớn nhất thế giới vinh danh, một phần phản ánh nỗ lực và giá trị của chúng ta”.
Năm 2016, Sách hóa nông thôn cũng từng được trao Giải thưởng quốc tế Xoá mù của UNESCO trị giá 20.000 đôla.
Giải thưởng Xóa mù chữ (Literacy Awards) của Thư viện Quốc hội Mỹ là giải thưởng thường niên từ năm 2013 để vinh danh các hoạt động xóa mù chữ ở nước Mỹ và trên thế giới. Giải thưởng gồm 3 hạng mục chính: Giải mang tên nhà sáng lập David M. Rubenstein Prize (trị giá 150.000 đôla), American Prize (50.000 đôla) và International Prize (50.000 đôla).
Giải Hành động thiết thực mà Sách hóa nông thôn được trao nằm trong nhóm giải phụ, cùng với 14 tổ chức thuộc nhiều quốc gia khác như Mỹ, Canada, Australia và Indonesia.