Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sách giả đang 'khủng bố' khắp Trung Quốc, Ấn Độ như thế nào?

Từng có thời kỳ, 40% số sách được tiêu thụ trên đất nước tỷ dân là sách giả.

Sách lậu, sách giả đã và đang trở thành vấn nạn nhức nhối của ngành xuất bản. Các nhà xuất bản (NXB) và công ty sách như NXB Kim Đồng, NXB Giáo dục Việt Nam, First News - Trí Việt, Thái Hà Books… liên tiếp đưa ra các dẫn chứng về việc sách lậu được in và bày bán tràn lan trên thị trường gây ảnh hưởng nghiêm trọng.

Không chỉ ở Việt Nam, từ lâu, sách lậu (sách giả, sách không có bản quyền, sách nối bản trái phép…) được xem là “đại dịch” của ngành xuất bản ở nhiều nước trên thế giới, đây là hình thức xâm hại đến quyền lợi tác giả, nhà xuất bản, nhà phát hành.

Sách lậu 'hoành hành' khắp Trung Quốc, Ấn Độ 

Không khó để tìm thấy những tựa sách nổi tiếng được in lậu và bày bán tại các "chợ đen" ở thành phố Mumbai (Ấn Độ). Với số tiền chỉ bằng một nửa giá bìa, người dân nơi đây đã có thể sở hữu một cuốn sách giả. Các tác phẩm văn chương bán chạy nhất như 50 sắc thái, Harry Potter... trở thành mục tiêu của những người làm sách lậu, xuất hiện nhan nhản trên đường phố.

Ariel Bogle, một nhân viên phát hành của nhà xuất bản Melville từng có trải nghiệm về nạn sách giả tại Ấn Độ nói: "Những cuốn sách lậu dễ tìm thấy nhất ở Mumbai ngày nay không còn được mua trong các tiệm sách mà ngay trên vỉa hè, nơi trẻ em bán những cuốn bìa mềm được làm giả công khai”.

Nạn sách lậu tại Trung Quốc thậm chí còn diễn ra với quy mô lớn và khó kiểm soát hơn rất nhiều. Từng có thời kỳ, 40% số sách được tiêu thụ trên đất nước tỷ dân này là sách giả. Từ những tác phẩm văn chương nổi tiếng của thế giới và Trung Quốc, cho đến sách giáo khoa, tạp chí, băng đĩa... cũng đều được in lậu, làm giả, buôn bán rộng rãi trên thị trường.

Đại diện tại một nhà xuất bản Trung Quốc từng cho biết: "Sách giả tác động rất lớn đến việc kinh doanh của chúng tôi. Tôi không thể đưa ra con số thiệt hại chính xác nhưng con số đó là rất lớn".

Người này giải thích thêm: "Làm sách lậu chính là xâm hại đến quyền tác giả, đến nhà xuất bản và chính người đọc. Một số độc giả mua những cuốn sách rẻ tiền, vốn tưởng là do chúng tôi phát hành nhưng không biết rằng đó là sách lậu. Chất lượng của loại sách này thường rất tệ và thiếu đảm bảo. Độc giả cho rằng chúng tôi đã xuất bản những cuốn sách có chất lượng thấp kém".

Sach gia tren the gioi anh 1
Sách không bản quyền Harry Potter tại Trung Quốc. 

Không chỉ in lậu sách, tại Trung Quốc còn rộ lên những hình thức phát hành sách giả, sách không bản quyền khác. Thay vì in nguyên bản (tiếng Anh hoặc tiếng Trung) các cuốn sách Harry Potter ( J.K Rowling), những người làm sách lậu còn tạo ra những phiên bản “độc lạ” khác như Harry Potter and the Monkey King hay Harry Potter and the Chinese Empire. Bên cạnh đó, sách giáo khoa, sách ngoại văn (chủ yếu là sách tiếng Anh) cũng được in lậu rất nhiều, bày bán tràn lan và rất khó để kiểm soát.

Từ “chợ đen” đến công khai trên trang thương mại điện tử

Ngày nay, sách lậu không chỉ được tìm thấy tại các thị trường “chợ đen” hay trên các vỉa hè đường phố mà đã len lỏi vào các nhà sách, thậm chí là các trang thương mại điện tử lớn.

Không phải đến năm 2019, Amazon mới bị người mua phàn nàn về việc bỏ tiền mua phải sách giả. Nếu như trước đó, chỉ có người mua lên tiếng phàn nàn về chất lượng sách quá tệ (sách lậu bị làm với chất lượng thấp) thì nay các tác giả, hay đơn vị phát hành đã thực sự vào cuộc.

Qua một cuộc điều tra, tờ New York Times đã phát hiện một tỉ lệ lớn sách được bày bán trên website Amazon là sách giả, sách không có bản quyền...

Việc buôn bán sách giả tràn lan trên Amazon mang lại nhiều hậu quả nặng nề, không chỉ bởi đây là nơi chiếm hơn một nửa số sách (giấy và điện tử) bán ra tại Mỹ, bên cạnh việc tác động đến tác giả lẫn nhà xuất bản về mặt doanh số, Amazon có thể là "kẻ tiếp tay" cho những việc làm gây nguy hiểm khác.

Sach gia tren the gioi anh 2
Phiên bản sách giả đặt mua trên Amazon (phải) và sách thật (trái). 

Tháng 2/2019, Amazon đã phải đưa ra chức năng “Project Zero”, cho phép các nhà xuất bản danh tiếng có thể trực tiếp gỡ và xoá các cuốn sách giả.

Không chỉ riêng Amazon, nhiều website bán hàng trực tuyến khác cũng đang mắc phải lỗi nghiêm trọng tương tự. Tại Trung Quốc, một website bán hàng trực tuyến là dangdang.com cũng từng bị kiện bởi NXB Chunfeng vì bán sách giả. Cụ thể, đại diện của Chunfeng đã tìm thấy 10 trong số 12 cuốn sách do đơn vị này phát hành xuất hiện trên trang web này là sách giả.

Có thể nói, Amazon, Dangdang hay các trang thương mại điện tử tại Việt Nam là những trường hợp minh chứng cho việc các trang thương mại điện tử không hề chú ý, thậm chí bỏ qua vấn đề kiểm duyệt sản phẩm mà mình kinh doanh.

Sách điện tử trái phép - cuộc chiến mới

Bên cạnh sách giấy, sách điện tử (ebook lậu) cũng đang là vấn đề nhức nhối, tác động trực tiếp đến các tác giả và nhà xuất bản. Với việc được chia sẻ và tải về miễn phí, ebook lậu được xem là hành vi xâm phạm bản quyền một cách trắng trợn.

Tác giả nổi tiếng thuộc thể loại văn học kỳ ảo người Mỹ Maggie Stiefvater cho biết ebook lậu ảnh hưởng nặng nề đến các nhà văn. Stiefvater chia sẻ trên tờ Guardian, ebook lậu là nguyên nhân dẫn đến việc cô chán nản và không muốn tiếp tục sáng tạo.

Maggie chia sẻ: "Vi phạm bản quyền cuốn đầu tiên đồng nghĩa việc việc cuốn sách thứ 2 sẽ bị huỷ phát hành". Sách lậu, sách giả làm sụt giảm doanh thu nghiêm trọng và ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý tác giả. Maggie Stiefvater có ý định viết bộ ba cuốn sách Shilver and Raven Cycle nhưng điều này “gần như không thể diễn ra vì nạn sách giả”.

Sách giả ngày càng bùng phát mạnh mẽ và tinh vi khó lường

Đối tượng in lậu dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để làm sách giả và đối phó với cơ quan chức năng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nhà xuất bản.



Nhã Linh

Bạn có thể quan tâm