Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sách điện tử khởi sắc trong năm 2016

Sau sự phát triển trên đà đi lên vài năm trở lại đây, thị trường sách điện tử tại Việt Nam đang có cơ hội tạo nên bước đột phá trong năm 2016 với nhiều dự án mới.

Từ khi xuất hiện năm 2010, nhiều nhà xuất bản lớn trên thế giới cho rằng thời gian 5 năm tiếp theo là quá ngắn ngủi để sách điện tử có thể làm một cuộc lật đổ sách giấy truyền thống. Nhưng sự ra đời của máy tính bảng và các kho sách điện tử như iBookstore đã thay đổi nhiều điều.

Sự ra đời của máy tính bảng không chỉ đánh dấu sự bùng nổ của đế chế máy tính bảng mà còn mở rộng thị phần của sách điện tử trong làng xuất bản.

Bước chuyển mình trong văn hóa đọc

Với sự ra đời và hỗ trợ của các dòng sản phẩm điện tử thông minh, sách điện tử nhanh chóng nhận được sự đón nhận của độc giả bởi sự tiện lợi khi sử dụng và khối lượng lưu trữ lớn.

Xu hướng khuyến khích sử dụng sách điện tử bằng nhiều hình thức đang diễn ra trên khắp thế giới. Amazon đã có giai đoạn bán sách điện tử với giá thấp hơn giá họ mua vào. Nhà bán lẻ sách lớn nhất thế giới chấp nhận bán lỗ trên mỗi đầu sách để thu hút người sử dụng thiết bị đọc sách điện tử Kindle của mình.

Theo thống kê, năm 2004 doanh số sách điện tử trên thế giới đạt 646 triệu USD, chỉ chiếm 6,4% thị phần. Sau 5 năm, tức năm 2009, con số đó đã chạm ngưỡng 1,5 tỷ USD và đến năm 2010 đã đạt mức 1,8 tỷ USD. Trong những năm gần đây doanh số của sách điện tử luôn đạt mức cao.

Ở Việt Nam, sách điện tử cũng không còn quá xa lạ nhưng thị trường đặc biệt này vẫn đang trong quá trình loay hoay tìm đường phát triển.

Hiện nay, có chưa tới 10 đơn vị trong nước đang kinh doanh sách điện tử. Đó là các NXB vốn đã nổi tiếng như NXB Trẻ, NXB Tổng hợp TP HCM hay Phương Nam Book. Nhưng cũng có những đơn vị mới chuyên phát hành sách điện tử như Tiki và Vinabook. 

Dù đang trên đà tăng trưởng chậm nhưng ebook vẫn là một mảnh đất màu mỡ tại Việt Nam.

Sách điện tử trong nước hiện nay chủ yếu tiếp cậ với bạn đọc qua 2 hình thức. Một là đơn vị phát hành ấn bản điện tử các tựa sách đã có bản in. Cách khác là các tác giả hoặc đơn vị tự công bố sách qua các trang cá nhân và mạng xã hội.

Trên một phương diện nào đó, sách điện tử và sách giấy không cạnh tranh nhau.Chúng đồng hành và góp phần định hướng xây dựng văn hóa đọc của người Việt. Việt Nam là nước có cơ cấu dân số trẻ, yêu thích công nghệ, ham học hỏi và có nhu cầu cập nhật xu hướng mới. Sách điện tử là ứng dụng phù hợp để các bạn trẻ có thể lựa chọn một phương thức đọc hiện đại cho mình. Đây chính là tiềm năng hứa hẹn sự phát triển bùng nổ hơn nữa của thị trường sách điện tử trong tương lai.

Đầu tư vào sách điện tử giống như việc "câu cá lớn nhưng không cần mồi to". Sức hút của kinh doanh sách điện tử là ở chỗ dù giá bán chỉ dao động ở mức 5.000 -10.000 đồng/bản sách nhưng nếu đạt được khoảng 1.000 lượt mua thì doanh thu cũng đã đạt từ 5-10 triệu đồng/1 đầu sách. Chi phí rẻ nên người đọc có thể dễ dàng tiếp cận nguồn sách mà họ mong muốn vừa dễ dàng vừa hiệu quả.

Các nhà xuất bản đã nắm bắt thời cơ khi chuẩn bị những nguồn sách dồi dào. Cụ thể, Công ty Sách điện tử Trẻ của Nhà xuất bản Trẻ đã liên kết với Thư viện Khoa học tổng hợp TP HCM cung cấp 20.000 đầu sách điện tử, cung cấp nhiều tài liệu miễn phí và khai thác kinh doanh các tài liệu có bản quyền. Nhà xuất bản Tổng hợp TP HCM với trang sách điện tử sachweb.vn có 782 tựa sách đa dạng… Tất cả đều đang hướng đến một sân chơi chung, có đầu tư bản quyền vào xây dựng thật hợp lý, tận dụng tối đa sức mạnh của sách điện tử nhưng vẫn chưa đủ.

Với riêng thị trường Việt Nam, sách điện tử không làm chết sách in mà còn tương hỗ cho sự phát triển của văn hóa đọc.

Rẻ, đa dạng vẫn là chưa đủ

Tuy nhiên, thực tế cho tới nay, sách điện tở ở Việt Nam chưa trở thành một thị trường sôi động. Theo bà Hoàng Thảo Uyên, đại diện Alezaa: "Vấn đề lớn nhất là sự e ngại của các đơn vị xuất bản khi tham gia vào lĩnh vực sách điện tử. Sách lậu, ebook miễn phí tràn lan trên mạng quá phổ biến tại Việt Nam khiến các đơn vị không thể không lo ngại." Cùng quan điểm với Alezaa, ông Đồng Phước Vinh đại diện cho Ybook của NXB Trẻ cũng cho rằng thách thức lớn nhất với sách điện tử hiện nay là tình trạng sách không có bản quyền tràn ngập trên mạng, hầu như không có sự kiểm soát.

Trong một chia sẻ gần đây ông Trần Xuân Phương, Giám đốc Công ty Cổ phần trực tuyến Vinapo cho biết một dịch vụ đọc sách điện tử tốt không chỉ có nhiều sách hay mà còn phải có giao diện đẹp, trải nghiệm người dùng tốt. Trong khi đa số các phần mềm ứng dụng đọc sách điện tử ở Việt Nam thiết kế khá sơ xài, không bắt mắt kèm theo những tùy chỉnh hạn chế người độc giả khi tìm sách cảm thấy nhàm chán.

Tuy nhiên, các đơn vị xuất bản lại đang rất kỳ vọng vào năm 2016 khi đang có nhiều sự thay đổi trong phương thức thanh toán, luật bảo hộ bản quyền hay sự phát triển của nên tảng thiết bị công nghệ. 

Cần sự ra tay của các cơ quan chức năng

2016 tiếp tục được dự báo là một năm phát triển của sách điện tử. Thế nhưng các nhà xuất bản sẽ tiếp tục phải chấp nhận thua lỗ trước mê hồn trận sách lậu nếu không có được sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý.

Theo quy định của pháp luật, việc xuất bản sách, tài liệu phải qua nhà xuất bản. Đối với sách in thì việc kiểm soát vấn đề này đã khó, với sách điện tử lại càng khó khăn. Một thực tế, tình trạng sách lậu tràn lan trên mạng Internet ở nước ta đã làm đau đầu và thiệt hại không ít cho tác giả và các nhà xuất bản. Nhiều cuốn sách in có nội dung hay, bán chạy thì chỉ sau chừng vài ngày là có ebook bất hợp pháp trên mạng; thậm chí có trang web còn thu phí tải xuống (download) của người dùng dù không có bản quyền khai thác. Ngoài ra, các diễn đàn chuyên môn cũng coi việc chia sẻ sách điện tử bừa bãi là điều... bình thường.

Sớm có những biện pháp thắt chặt và kiểm soát từ các cơ quan chức năng, thị trường sách điện tử Việt Nam sẽ sớm đi vào quỹ đạo chuyên nghiệp và phát triển tích cực theo xu hướng toàn cầu.



Hoa Khang

Bạn có thể quan tâm