Từ trái sang: biên kịch Trần Khánh Hoàng, dịch giả Lucas Luân Nguyễn, MC Tuyết Minh và diễn viên Thảo Tâm. |
Buổi giới thiệu cuốn Cứu con mèo! (tác giả: Blake Snyder) diễn ra hôm 2/12 có sự góp mặt của dịch giả Lucas Luân Nguyễn, biên kịch Trần Khánh Hoàng, MC Tuyết Minh và diễn viên Thảo Tâm.
Hollywood thu nhỏ trong 360 trang sách
Năm 2005, Blake Snyder - biên kịch kiêm cố vấn điện ảnh hơn 20 năm kinh nghiệm ở Hollywood - phát hành cuốn Cứu con mèo!, đến nay tái bản 18 lần, là sách gối đầu giường của nhiều biên kịch, giám đốc hãng phim, nhà sản xuất và đạo diễn trên thế giới.
Tác giả phân tích những kịch bản thành công, câu chuyện chạm đến khán giả và tổng hợp thành cấu trúc dễ hiểu, tiếp thu và ứng dụng cho người theo nghề.
Cứu con mèo! gồm 8 chương tương ứng những bước xây dựng một câu chuyện hoàn chỉnh từ cách viết dẫn dụ các hãng phim mua ý tưởng của mình, xác định thể loại câu chuyện đến tạo ra nhân vật, xung đột và phát triển cốt truyện.
Snyder viết gần gũi, hóm hỉnh và dễ hiểu những kiến thức cần thiết như: 4 yếu tố để viết "dòng dẫn dụ" đi vào lòng người, 7 nguyên tắc biên kịch bất di bất dịch, 10 thể loại dùng để phân nhóm tất cả cốt truyện trên đời và cách áp dụng, 15 nhịp tạo nên cấu trúc phim chắc chắn...
Bên cạnh đó, ông còn chỉ ra những lầm tưởng, lỗi sai mà dân biên kịch mới vào nghề hay mắc phải.
Không ít bộ phim Hollywood được áp dụng cấu trúc trong “cứu con mèo”, nổi tiếng nhất là Bí kíp luyện rồng của DreamWorks – một tác phẩm tri ân Snyder.
Biên kịch Bình Bồng Bột đề nghị Lucas Luân Nguyễn dịch cuốn Cứu con mèo! vì muốn cuốn sách về nghề được chuyển ngữ bởi dân trong nghề.
Quá trình dịch cuốn sách kinh điển nhiều chông gai. Lucas Luân Nguyễn muốn bản dịch vừa truyền tải chính xác tinh thần của Blake Snyder vừa dễ hiểu với mọi đối tượng bạn đọc.
Snyder không viết mô phạm kiểu giáo trình mà hài hước, hấp dẫn càng khó dịch, nhất là những câu bông đùa ẩn ý.
Có lần bế tắc, chàng trai sinh năm 1994 vô tình tìm thấy website cộng đồng mang tên cuốn sách. Họ vẫn sinh hoạt mỗi ngày, chia sẻ và bình luận sôi nổi nhiều chủ đề về phim ảnh, nghề biên kịch... "Snyder mất 14 năm vẫn để lại di sản có giá trị như thế. Đó là động lực để tôi hoàn thành bản dịch dang dở", anh cho hay.
Lucas Luân Nguyễn và Trần Khánh Hoàng đồng tình cuốn Cứu con mèo! rất giá trị song tiêu đề "Bạn sẽ không cần quyển sách nào về biên kịch nữa" hay "Bước một lèo vào Hollywood" chỉ mang tính quảng cáo.
"Học tập là việc phải làm trọn đời. Để theo nghề dài lâu, đưa kịch bản lên màn ảnh rộng cần nhiều hơn các cuốn sách chuyên sâu khác cũng như không ngừng trau dồi chuyên môn", các diễn giả cho hay.
Khán giả chê kịch bản cho thấy trình độ cảm thụ đi lên
Vũ Quỳnh Hà - nhà sản xuất loạt phim Em là bà nội của anh, Tháng năm rực rỡ, Em và Trịnh… nhận định nhân sự ngành phim luôn thiếu, nhất là 2 vị trí biên kịch và dựng phim.
Để trở thành biên kịch, người có năng khiếu viết chưa đủ mà cần được đào tạo bài bản. Ở Việt Nam, hiện chỉ có Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội và Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP.HCM đào tạo biên kịch ở trình độ cử nhân, ngoài ra còn có vài đơn vị đào tạo ngắn hạn.
Thực tế là nhiều người trẻ muốn trở thành biên kịch không biết học ở đâu, tham khảo tài liệu gì dẫn đến nguồn biên kịch không đáp ứng được nhu cầu của nhà sản xuất. Trong khi đó, nhiều phim ra rạp thường bị chê kịch bản yếu trước cả quay dựng, diễn xuất.
Trước câu hỏi về trình độ biên kịch ở Việt Nam, Trần Khánh Hoàng - biên kịch các phim Em chưa 18, Đất rừng phương Nam, Chiếm đoạt… nhìn nhận khán giả, báo chí chê kịch bản cho thấy trình độ cảm thụ phim ảnh đi lên.
"Họ chê đồng nghĩa họ hiểu thế nào là kịch bản hay. Điều này thôi thúc giới biên kịch phải nâng cao nghề mà Cứu con mèo! là viên gạch đầu tiên. Chưa kể, khán giả đọc cuốn này sẽ càng khó tính", anh nói.
Dù vậy, theo Trần Khánh Hoàng, không thể đảm bảo kịch bản của anh hay những biên kịch đã đọc sách không mắc lỗi. Nhà biên kịch trả lời Vietnamnet: "Chúng ta đều biết luật giao thông, có bằng lái xe nhưng chẳng ai chắc chắn sẽ không mắc lỗi, bị xử phạt. Ngoài ra, cá nhân tôi đôi lúc sẵn sàng chấp nhận thất bại để thực hiện vài tác phẩm phá đi khuôn khổ thường làm".