Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Sách của nhà báo Pháp tố cáo tội ác thực dân ở Đông Dương năm 1930

Với phóng sự điều tra "Việt Nam, bi thảm Đông Dương", những nhân vật, sự kiện thời điểm 1930 ở Việt Nam được tường thuật, nhận định tương đối khách quan, sống động.

phong su dieu tra anh 1

Nửa đầu thế kỷ XX dưới ách đô hộ của thực dân Pháp là một thiên lịch sử hào hùng, bi tráng mà thời điểm 1930 là chỉ dấu đáng nhớ qua sự hiện diện của những tổ chức cách mạng và những người yêu nước Phan Bội Châu, Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Thái Học…

Ghi chép về quãng thời gian này, Việt Nam, bi thảm Đông Dương (nguyên tác: Viet-Nam, la tragédie indochinoise) của Louis Roubaud (1884-1941) đáng xem là tài liệu để độc giả tìm hiểu về Việt Nam thời đoạn 1930.

Góc nhìn mở từ người Pháp tiến bộ

Viet-Nam, la tragédie indochinoise in năm 1931 bởi Nhà xuất bản Valois tại Paris. Năm 1963, bản Việt ngữ được dịch giả Đường Bá Bổn thực hiện với tên Việt Nam, bi thảm Đông Dương. Trải qua một số lần xuất bản, mới đây tác phẩm trở lại với độc giả.

Tác phẩm được xem là “tài liệu trực diện”, bởi tác giả đã tìm hiểu, chứng kiến những liên đới cận kề qua những cuộc nói chuyện với Tôn Thất Hân, Phan Bội Châu, những tử tù vụ Yên Bái… và cả với những người Pháp có chức vị ở Đông Dương như Giám đốc Sở Liêm phóng Bắc Kỳ Arnoux…

Ghi nhận ở tựa sách, tác giả trang trọng viết hai chữ “Việt Nam” chứ không dùng “An Nam” như người Pháp thực dân quen gọi. Qua tác phẩm, có những thông tin rất đáng chú ý về nhân vật có ảnh hưởng to lớn đến lịch sử Việt Nam cận hiện đại - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh mà dư luận Việt Nam, Pháp chú ý từ lâu với tư cách một nhà yêu nước hoạt động năng nổ.

“Năm 1920, ông là thành viên Đảng Xã hội ở Tours, gia nhập Đệ tam quốc tế. Ở Paris ông đã thành lập một hội quốc tế vô sản, và ra tờ báo Le Paria (Kẻ Bần Cùng)".

"Ở Quảng Đông lập Chi hội người An Nam trong Mặt trận các Dân tộc bị áp bức và điều hành phong trào cách mệnh đất nước ông, bởi vì người cộng sản không quên tên của mình là Nguyễn Ái Quốc: Người yêu nước.

phong su dieu tra anh 2

Phóng sự điều tra Việt Nam, bi thảm Đông Dương. Ảnh: Đình Ba.

Dẫu là người Pháp, nhưng L. Roubaud đã có những nhận xét, đánh giá ở thời điểm đó với chủ kiến riêng, không hoàn toàn bị chi phối bởi màu da hay tư tưởng thực dân.

Chính cái nhìn mở đó giúp các nhân vật, sự kiện được ghi chép chân thực, sống động, thậm chí lột trần bản chất đàn áp, bóc lột của thực dân Pháp như phần "Một nghìn năm trăm người im lặng" (về cuộc biểu tình hòa bình ngày 1/5/1930 ở Bến Thủy bị áp chế bằng bạo lực súng đạn), phần Trừng phạt một làng” và “Làng bị tội hình” (dữ kiện tố cáo tội ác của thực dân Pháp ném bom hủy diệt làng Cổ Am ngày 16/2/1930)…

Bộ mặt thật của chính sách thuế muối, rượu cồn và thuốc phiện của thực dân Pháp ở Việt Nam cũng được L. Roubaud phơi bày qua những số liệu thực tế ở phần “Đoan, thuế, muối, rượu, thuốc phiện…”. Những con số thống kê có sức mạnh hơn vạn ngôn từ.

Năm 1929, thuế muối thu vào ngân khố Đông Dương là 11 triệu đồng, thuế thuốc phiện đem lại số tiền 14 triệu và loại thuế từ nhựa hoa anh túc này chiếm tới 1/4 tổng ngân sách Đông Dương... Còn thuế rượu, được bộc lộ qua lời Thống sứ Bắc Kỳ Simoni ngày 2/3/1912:

“Thuế gián tiếp đánh vào rượu bản xứ, nhìn qua con mắt ngân khố hoàn toàn là lợi tức tốt và chắc chắn”. Loại đồ uống có cồn từ lâu đời của người Việt, thì dưới bàn tay thực dân, nó là rượu lậu nếu dân tự nấu, nhưng sẽ hợp pháp nếu tiêu thụ rượu nhà nước. Đó là sự bóc lột, đầu độc công khai của thực dân Pháp đối với dân Việt Nam mà L. Roubaud lên án.

Việc đối xử tàn tệ của thực dân với lao động Việt cũng được tố cáo mạnh mẽ qua những hành động bất chấp luật pháp ở phần “Dân quyền… đời sống cộng đồng” và “Vẫn còn nói về đời sống cộng đồng”.

Dẫn chứng tiêu biểu là việc tay chủ bến Georger trừng phạt tên cu li ăn cắp vặt: “Hắn bị trói ghì, nằm dài, úp mặt xuống đất. Ông Georges đánh hắn bằng chiếc roi mây lớn. Thổ huyết nội tạng... tên cu li chết sau vài tiếng đồng hồ”.

Tòa trừng phạt Georger với án hai năm tù cho một mạng người, nhưng là án treo. Còn tay cai Schultz, chỉ vì tức giận cu li Kum cười mỉm mình, Schultz nổi giận đấm đá Kim đến chết. "Thầy thuốc khám xong, nhận rằng tên cu li bị gãy hai xương sườn, lá lách bị dập. Ông ta ký giấy cho mai táng nạn nhân”. Giết người, Schultz bị kết án… một tháng tù treo. Đó là "công lý" của thực dân thi hành trên đất thuộc địa.

Qua ghi chép của L. Roubaud, những người yêu nước chân chính như trường hợp Ký Con (Đoàn Trần Nghiệp) hiện lên với vẻ mặt bình thản trước kẻ thù, tươi cười lạc quan và mục đích đánh đuổi Pháp rất rõ ràng dù ít cơ hội thành công: “Người ta phải khởi sự trước, rồi người khác tiếp tục. Chúng tôi không thành công, kẻ đến sau sẽ thành công” khiến cho Giám đốc Sở Liêm phóng Bắc Kỳ Arnoux dù xem Ký Con là kẻ thù nguy hiểm, “nhưng ông không hề dám khinh miệt họ bao giờ”.

Sự kiện ám sát toàn quyền Đông Dương Merlin bất thành và sự ngưỡng mộ của người đời dành cho Phạm Hồng Thái cũng được kể lại (phần “Đền thờ Phạm Hồng Thái”); gương những Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính cùng các đồng sự trong vụ Yên Bái trong những giây phút cuối cùng trên đoạn đầu đài, được tác giả khắc họa sống động với sự hiên ngang của những kẻ quên mình vì nước (phần “Nguyễn Thái Học”, “Phó Đức Chính” và “Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam”). Ngòi bút L. Roubaud tỏ ra được sự trung thực và trân trọng.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận và phải có sự gạn lọc khi đôi chỗ, do hiểu biết thiếu tường tận về lịch sử nước Việt, có những dữ kiện L. Roubaud thể hiện không chính xác. Việc ghi lại giai thoại Lê Lợi (Lê Thái Tổ) làm nghề chài lưới, bắt được gươm báu trong khi thực chất đó là Lê Thận, bạn vua. Những cuộc tiếp xúc với Phan Bội Châu, Tôn Thất Hân… vẫn thấp thoáng nhận ra thái độ bảo vệ nền cai trị thực dân ở nhiều người Pháp chứ không riêng gì tác giả sách này.

Nhìn chung, Việt Nam, bi thảm Đông Dương là tác phẩm đáng chú ý, ghi nhận góc nhìn từ người Pháp, giúp chúng ta có thêm nguồn tư liệu bổ sung sự nhìn nhận nhiều chiều về những nhân vật, sự kiện cụ thể trong lịch sử dân tộc ở thời điểm 1930.

phong su dieu tra anh 3

Người nghiện thuốc phiện bên bàn đèn thời Pháp thuộc. Ảnh: Flickr.

Tác phẩm bị chính quyền thuộc địa cấm đoán

Louis Roubaud là nhà báo, nhà văn, nhà sử học người Pháp. Ông là phóng viên của nhật báo Le Petit Parisien tại Paris khi viết thiên phóng sự điều tra Việt Nam, bi thảm Đông Dương.

Ông tâm sự: “Tôi bị sự thực tế trần truồng cám dỗ, sự thực tế thường mơ mộng gấp mấy lần điều bịa đặt. Cũng bởi sự cần dùng hiểu biết nhân tình thế thái, kiểm soát những gì tôi đã đọc trong sách mà tôi thấy về sự điều tra rộng lớn” (Zã Hạc, Trinh Nguiên dịch, “Cách làm việc của vài nhà văn Pháp: Louis Roubaud”, báo Phóng sự số 342, ngày 19/8/1943).

Là một tay viết phóng sự có tài cho Le Petit Parisien, L. Roubaud nhận được lời khen từ chính Toàn quyền Đông Dương Alexandre Varenne, vốn cũng từng là nhà báo, đã nói trước Quốc hội Pháp rằng đây là tay phóng viên “rất thành thật và có lương tâm”.

Khi nói về công việc của một người làm báo, L. Roubaud cho biết nghề này giúp bản thân ông được đi nhiều nơi, biết thêm nhiều vùng đất cùng những phong tục, tập quán mới. Điểm đó được chứng thực rõ ràng qua Việt Nam, bi thảm Đông Dương. Sự ra đời của tác phẩm này ra sao?

Báo Trung lập số 6378, ngày 27/2/1931 trong bài giới thiệu tác phẩm của L. Roubaud mang tên “Giới thiệu sách mới “Việt Nam” của Louis Roubaudđăng trên trang nhất cho biết ông được báo Le Petit Parisien cử sang Việt Nam sau khi có tin về cuộc khởi nghĩa Yên Bái, những cuộc đánh bom ở Hà Nội…

phong su dieu tra anh 4

Báo Trung lập số 6378, ra ngày 27/2/1931 giới thiệu sách của Louis Roubaud. Ảnh: Đình Ba chụp lại từ file báo.

Sau cuộc điều tra tỉ mỉ này, L. Roubaud lần lượt đăng các bài viết lên Le Petit Parisien, đưa ra một sự thực khác hẳn những gì người Pháp châu Âu được biết.

Một số báo Pháp như La Dépêche, La Presse Indochinoise... cho rằng L. Roubaud viết không đúng sự thực. Nhiều độc giả Pháp gửi thư đến báo Le Petit Parisien phản đối, thậm chí yêu cầu báo phải thực hiện cải chính. Cái lý cho sự phản bác kia, nằm ngay trong các bài viết trên Le Petit Parisien mà sau này, được L. Roubaud tập hợp thành Việt Nam, bi thảm Đông Dương.

Chẳng hạn như L. Roubaud cho rằng những người Pháp làm trong hãng buôn Pháp tại Sài Gòn, phần đa là những người... ít học. Điều ấy đụng chạm tới lòng tự tôn của chính người Pháp bản xứ.

Ở lần in đầu cho bản Việt ngữ, đơn vị xuất bản thông tin, Việt Nam, bi thảm Đông Dương sau khi phát hành bản tiếng Pháp năm 1931 đã bị thực dân Pháp ở Đông Dương cấm lưu hành, tàng trữ. Điều đó cho thấy những dữ kiện, thông tin từ hoạt động điều tra của tác giả đã gây bất lợi cho sự cai trị, khai thác Đông Dương của chính quyền thuộc địa khi ấy.

Giới thiệu cho việc sách Việt Nam, bi thảm Đông Dương được xuất bản, báo Trung lập số 6378 khen tác phẩm này ngay ở nội dung nó thể hiện khi từ đầu chí cuối giữ sự ôn hòa, tỏ được thái độ trung dung, khách quan của người viết:

“Từ đầu chí cuối, không có chổ [chỗ] nào mà tác giả tán dương cái công đức của người Pháp ở xứ nầy và mạt sát dân tộc Việt Nam theo những thói thường của những nhà phóng sự khác”… “Ai có đọc qua các chương ký thuật về việc biến động đã xảy ra ở Yên Báy [Yên Bái] và cuộc biểu tình đã xảy ra ở Bến Thủy, rồi mới thấy ông Louis là một nhà phóng sự thành thật và có lương tâm”.

‘Một chiến dịch ở Bắc kỳ’ có gì đặc biệt khi cả 3 nhà sách cùng làm?

Ba đơn vị uy tín cùng làm một tác phẩm tạo ra sự cạnh tranh đáng yêu cho làng xuất bản, bởi ai cũng cố gắng làm tốt, làm đẹp, thì bạn đọc chính là người được hưởng lợi.

Những cuốn sách sử đáng chú ý trong năm 2020

"Việt Nam sử lược" và "Một chiến dịch ở Bắc Kỳ" là hai trong số những sách sử đáng chú ý trong năm.

Co giao 'cham sach' hinh anh

Cô giáo 'chạm sách'

0

“Chạm sách” là hoạt động khuyến khích học sinh trường THPT Hòa Ninh (Long Hồ, Vĩnh Long) đọc sách, yêu quý sách do thạc sĩ Văn học nước ngoài Trần Huỳnh Nhị chủ trương.

Lam sao de co duoc nang luc lam Dan hinh anh

Làm sao để có được năng lực làm Dân

0

Không ai sinh ra đã là con người đúng nghĩa. Tương tự vậy, để trở thành một công dân biết làm “đúng việc” của mình, mỗi người cũng cần phải trải qua một hành trình khai minh để hiểu “làm dân” nghĩa là gì và trang bị cho mình những năng lực cần thiết để thực hiện sứ mệnh thiêng liêng đó. - Tải ngay ứng dụng Voiz FM tại: voiz.vn/download để nghe trọn vẹn nội dung sách!

Trần Đình Ba

Bạn có thể quan tâm