Chuyên gia cho rằng việc một số doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19, dẫn đến sa thải công nhân đặt ra bài toán hóc búa cần được giải về an sinh xã hội.
Ít ai biết rằng đồ nội y của thương hiệu nổi tiếng Victoria Secret được may gia công tại một nhà máy ở Hải Phòng. Trước dịch Covid-19, nhà máy của Regina Miracle International Vietnam có hàng chục nghìn công nhân luôn tất bật các đơn hàng, không chỉ của Victoria Secret mà còn nhiều thương hiệu khác, tỏa đi toàn thế giới.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 ập đến, nhà máy bắt đầu khan hiếm đơn hàng. Công nhân phải dừng tăng ca, giảm số ngày làm. Các dây chuyền trước kia may đồ nội y thì nay chuyển sang may khẩu trang cầm chừng.
Thu nhập của một công nhân giảm còn khoảng 4 triệu đồng/tháng, trong khi trước kia là 6-7 triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều người đánh giá đây vẫn là may mắn khi còn có việc làm, hơn hẳn nhiều doanh nghiệp khác phải cho công nhân nghỉ không lương.
Nhiều công ty gặp khó khăn
Theo thống kê của Bộ Công Thương, cả nước hiện có gần 3.000 doanh nghiệp hoạt động trong ngành da giày với hơn 1 triệu lao động làm việc trong ngành thuộc da và 500.000 lao động trong ngành công nghiệp hỗ trợ. Trong khi đó, ngành dệt may có khoảng 5.000 doanh nghiệp và khoảng 2,5 triệu lao động.
Việt Nam nổi tiếng là một trong những cường quốc xuất khẩu dệt may và da giày trên thế giới. Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu 39 tỷ USD hàng dệt may và 21,5 tỷ USD hàng da giày ra thế giới.
Ngành dệt may và da giày đang gặp khó khăn lớn do dịch Covid-19. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Tuy nhiên, Bộ Công Thương đánh giá ngành dệt may và da giày của Việt Nam chủ yếu là gia công, cần số lượng lao động lớn. Để xuất khẩu 39 tỷ USD, ngành dệt may phải nhập khẩu 22,38 tỷ USD nguyên phụ liệu. Như vậy giá trị gia tăng chỉ khoảng 17 tỷ USD.
Khi dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới, giao thương giữa các nước gặp khó khăn, ngành dệt may và da giày và nhiều ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam khác như đồ gỗ, đồ điện tử… đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng. Nhiều doanh nghiệp khó khăn vì không có đơn hàng đã phải sa thải công nhân.
Trao đổi với Zing, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Phạm Minh Huân cho rằng đang có một thực tế là các doanh nghiệp gia công hàng xuất khẩu sử dụng nhiều lao động gặp khó khăn, từ đó dẫn đến việc sa thải công nhân.
Theo ông Huân, do dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn và cho lao động nghỉ, đến khi những doanh nghiệp lớn hơn, sử dụng hàng nghìn công nhân gặp khó khăn, cho công nhân nghỉ mới gây ra sự chú ý lớn trong dư luận.
Nhiều doanh nghiệp, nơi có hàng nghìn công nhân, đang phụ thuộc vào các đơn hàng xuất khẩu. Khi các nước nhập khẩu giảm nhu cầu, đơn hàng không có, khiến các công ty gia công gặp khó khăn dẫn đến phải dừng hoạt động. Với khó khăn hiện tại, ông Huân dự báo tình hình còn khó khăn hơn trong một vài tháng tới.
Có chính sách hỗ trợ người lao động mất việc
Trước việc đã có doanh nghiệp sa thải hàng nghìn công nhân như Công ty Cổ phần giày da Huê Phong (quận Gò Vấp, TP.HCM) cắt giảm 2.220 lao động; Công ty PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP.HCM) cắt giảm 2.786 công nhân, ông Phạm Minh Huân đánh giá đây là bài toán hóc búa về an sinh xã hội.
"Hàng nghìn gia đình có lao động chính phải nghỉ việc và bị ảnh hưởng theo”, ông Huân nói.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân. Ảnh: Hiếu Công. |
Theo ông, việc các doanh nghiệp cắt giảm lao động là điều không mong muốn, và cần phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với người lao động. Nếu doanh nghiệp đóng bảo hiểm thất nghiệp, thì người lao động được hưởng khoản này cùng trợ cấp thất nghiệp.
Lúc này, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng cần phải phát huy vai trò của các trung tâm giới thiệu việc làm. Các trung tâm này cần phải hỗ trợ những người bị mất việc tìm kiếm việc làm, phù hợp với sức khỏe và tay nghề.
Ngoài ra, ông đề cập đến việc hỗ trợ của Nhà nước trong việc tái đào tạo người lao động. Cần xem xét người lao động cần đào tạo tay nghề, kỹ năng gì để tiếp tục làm nghề, hoặc chuyển đổi sang nghề khác.
“Nhà nước cũng phải có hỗ trợ vì họ chính là đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tôi chưa thấy có gói hỗ trợ nào dành cho những đối tượng này”, ông Huân đề xuất.
PGS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động và Xã hội, cho rằng nếu người lao động bị mất việc mà không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp hay trợ cấp thất nghiệp, có thể rơi vào cảnh đói nghèo. Nhà nước cần cập nhật tình hình nghèo mới phát sinh, từ đó có những hỗ trợ đối tượng này.
Theo bà, Chính phủ ngoài hỗ trợ người lao động đã mất việc, cần có nhiều chính sách nhanh hơn để hỗ trợ các doanh nghiệp nói chung duy trì được sản xuất kinh doanh, tránh việc sa thải công nhân.
Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động và Xã hội cũng cho rằng đây có thể là cơ hội để các lao động trong ngành gia công chuyển đổi sang một nghề khác, đòi hỏi kỹ năng cao hơn, phù hợp hơn với sức khỏe, phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra.
Còn ông Phạm Minh Huân cho rằng về lâu về dài, Chính phủ cần quan tâm đến việc tái cơ cấu nền kinh tế, theo hướng ít phụ thuộc vào gia công, nâng cao năng suất người lao động, chuyển dịch các khu vực lao động theo hướng bền vững, hiệu quả.