Năm 2017 và 2018, Boeing vượt trội hoàn toàn trước đối thủ Airbus (Pháp). Doanh thu của tập đoàn Mỹ năm 2018 chạm mức kỷ lục 101 tỷ USD, lợi nhuận ròng đạt 10,5 tỷ USD. Dường như mọi quyết định kinh doanh của Boeing đều đem lại hiệu quả tốt đẹp.
Nhưng vài tháng qua, tình thế đã thay đổi hoàn toàn. Boeing rơi vào khủng hoảng sau hai vụ tai nạn máy bay 737 Max làm 346 người thiệt mạng. Điều tra cho thấy dòng 737 Max bị lỗi phần mềm nghiêm trọng.
Dòng máy bay bán chạy nhất của Boeing bị cấm bay trên phạm vi toàn cầu từ tháng 3. Cuộc khủng hoảng khiến Boeing lao đao, mất thị phần vào tay Airbus. Đỉnh điểm là việc Boeing thông báo ngừng sản xuất máy bay 737 Max.
CEO Boeing Dennis Muilenburg bị sa thải ngày 23/12. Ảnh: AP. |
Quyết định quá muộn màng
Và tất nhiên phải có kẻ trả giá cho những sai lầm đó. Việc CEO Dennis Muilenburg bị sa thải là điều tất yếu. Boeing tuyên bố hội đồng quản trị nhận thấy cần thay đổi vị trí lãnh đạo để "khôi phục niềm tin dành cho công ty".
Người thay thế Muilenburg là ông David Calhoun. Ông Calhoun được bổ nhiệm làm chủ tịch Boeing kể từ tháng 10, thay thế chính ông Muilenburg ở vị trí này. Báo Washington Post bình luận hội đồng quản trị Boeing không sai khi thực hiện nước cờ này.
Tuy nhiên, việc Boeing phải chờ tới 9 tháng - sau khi dòng 737 Max bắt đầu bị cấm bay, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) liên tục chỉ trích công ty và việc dòng 737 Max bị ngừng sản xuất - để quyết định thay đổi vị trí lãnh đạo là quá chậm trễ.
Hồi tháng 10, Boeing đã loại bỏ ông Kevin MacAllister ra khỏi vị trí lãnh đạo bộ phận máy bay thương mại, nhưng Washington Post cho rằng "vật tế thần" đó là không đủ.
Dòng Boeing 737 Max bị cấm bay từ tháng 3. Ảnh: Reuters. |
Khi khủng hoảng nổ ra, cựu CEO Muilenburg liên tục hứng chịu những lời chỉ trích dữ dội. Và truyền thông Mỹ đánh giá quả thật ông Muilenburg đã mắc nhiều sai lầm trầm trọng.
Ông bị đánh giá là phản ứng quá khô khan và vô cảm với vụ bê bối khiến rất nhiều người thiệt mạng. Việc Boeing quyết liệt vận động FAA cho phép máy bay 737 Max sớm bay trở lại càng khiến cơn giận dữ của đám đông bùng nổ.
Lỗ hổng hệ thống
Tuy nhiên, Washington Post cho rằng cuộc khủng hoảng của Boeing không xuất phát từ sai lầm của một cá nhân như cựu CEO Muilenburg. Trên thực tế, nó bắt nguồn từ những lỗ hổng lớn trong mối quan hệ của Boeing với các cơ quan quản lý hàng không Mỹ và chính sách giám sát nội bộ lỏng lẻo.
Ngoài ra, còn phải kể đến việc thông tin liên lạc thiếu liền mạch giữa các kỹ sư Boeing và ban lãnh đạo công ty, và đặc biệt là việc tập đoàn Mỹ chăm chăm tìm cách gia tăng lợi nhuận, dẫn tới tình trạng quản lý giám sát chất lượng lỏng lẻo.
Washington Post cho biết ban lãnh đạo Boeing - bao gồm cựu CEO Muilenburg và người tiền nhiệm Jim McNerney - liên tục gây sức ép buộc các nhà cung cấp cắt giảm chi phí để tăng lợi nhuận cho hãng.
Năm 2013, khi McNerney còn là CEO, Boeing di dời cơ sở bay mô phỏng từ Seattle tới Miami và áp dụng quy trình đào tạo thông qua các nhà thầu.
Jim McNerney, cựu CEO Boeing, người bị cho là có nhiều quyết định sai lầm dẫn đến khủng hoảng của tập đoàn Mỹ hiện nay. Ảnh: Financial Times. |
Giới chuyên môn nhận định hành động này làm hạn chế sự liên lạc giữa nhà thiết kế buồng lái và những chuyên gia hướng dẫn bay, những người hiểu rõ cách phi công máy bay thương mại phản ứng trong các tình huống trên không.
Cũng chính McNerney là người quyết định trang bị cho dòng Boeing 737 cũ - đã được sử dụng hàng chục năm qua - động cơ tiết kiệm nhiên liệu để cạnh tranh với mẫu máy bay A320neo của Airbus.
Do đó, Washington Post cho rằng cựu CEO Muilenburg xứng đáng bị sa thải nhưng cũng là "vật tế thần", kẻ phải đơn thân trả giá cho những sai sót thuộc về hệ thống bên trong Boeing từ trước đó.