Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

S&P Ratings nâng triển vọng Việt Nam lên tích cực

Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm gồm Moody’s, S&P và Fitch nâng triển vọng lên tích cực từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay.

Bộ Tài chính vừa có thông báo về việc tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings (S&P) đã ra báo cáo đánh giá về Việt Nam trong đó giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia, và nâng triển vọng của Việt Nam từ ổn định lên tích cực.

Theo đó, cơ sở để S&P đưa ra quyết định giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia và điều chỉnh tăng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam là sự ghi nhận của tăng trưởng kinh tế ấn tượng và cải cách liên tục khâu hoạch định chính sách trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang gây tác động lớn đến kinh tế - xã hội.

S&P cho rằng tiếp theo mức tăng trưởng GDP năm 2020 thuộc nhóm cao nhất toàn cầu, Việt Nam sẽ duy trì trạng thái tốt để phục hồi vững chắc trong 1 đến 2 năm tiếp theo. Động lực tăng trưởng sẽ đến từ các giải pháp hiệu quả cao của Chính phủ trong việc kiềm chế dịch Covid-19 trong nước; vị thế điểm đến hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); xuất khẩu tăng trưởng ổn định; và nhu cầu nội địa mạnh mẽ cùng vị thế đối ngoại vững chắc.

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm này cũng ghi nhận kết quả tài khóa, nợ công tiếp tục giữ vững tính hiệu quả và linh hoạt, góp phần hỗ trợ kiểm soát đại dịch của Việt Nam.

TĂNG TRƯỞNG CÁC NỀN KINH TẾ LỚN NHẤT ASEAN NĂM 2020
Nguồn: ASEAN urbanist
NhãnPhilippinesThái LanMalaysiaSingaporeIndonesiaViệt Nam
Tăng trưởng kinh tế % -9.5-6.1-5.6-5.4-2.072.91

Theo Bộ Tài chính, bất ổn từ đại dịch Covid-19 đã kéo theo bất ổn xã hội, suy thoái kinh tế ở hầu hết quốc gia trên thế giới. Năm 2020, đã có 124 lượt hạ bậc và 133 lượt hạ triển vọng trên toàn thế giới.

Đến ngày 21/5, đã có 16 quốc gia bị hạ bậc trên toàn thế giới từ kết quả đánh giá của 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn toàn cầu là Moody’s, S&P và Fitch.

Trong khi đó, từ khi đại dịch bùng phát đến nay, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm này nâng triển vọng từ ổn định lên tích cực.

Bộ Tài chính cho rằng điều này khẳng định sự đánh giá cao của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đối với thành công của Việt Nam trong việc quyết tâm cao, điều hành quyết liệt để thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, tăng trưởng ở mức cao nhất, vừa phòng, chống dịch bệnh.

Đây cũng là sự nỗ lực của Bộ Tài chính và các bộ, ngành dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng trong việc nâng cao hệ số tín nhiệm của quốc gia.

Trong năm 2021 và các năm tiếp theo, mặc dù khó khăn, thách thức là không nhỏ, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh và nâng cao năng lực nội tại của nền kinh tế, đẩy mạnh cải cách thể chế song song với nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 để tiếp tục tạo nền tảng vững chắc thực hiện các mục tiêu trung, dài hạn của đất nước và nâng cao vị thế tín nhiệm quốc gia.

Cơ quan quản lý tài khóa Việt Nam cũng cho biết trong thời gian tới, sẽ tiếp tục hợp tác, trao đổi thông tin với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm cũng như tổ chức quốc tế khác để truyền tải thông điệp về nỗ lực phát triển kinh tế, ổn định xã hội và cải thiện hồ sơ tín dụng của Việt Nam.

Fitch Ratings nâng triển vọng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam lên tích cực

Trong báo cáo mới nhất, Fitch Ratings giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam ở mức BB và nâng triển vọng từ ổn định lên tích cực.

Moody's nâng triển vọng tín nhiệm 15 ngân hàng Việt Nam

Cùng với việc nâng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam lên tích cực, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's cũng điều chỉnh triển vọng xếp hạng với 15 ngân hàng hoạt động trong nước.

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm