Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

S&P nâng xếp hạng tín nhiệm dài hạn Việt Nam lên BB+

Hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam được nâng hạng dựa trên nền kinh tế trên đà phục hồi vững chắc và Chính phủ gỡ bỏ các hạn chế di chuyển trong nước và xuyên biên giới.

Ngày 26/5, tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings đã cập nhật bảng xếp hạng tín nhiệm dài hạn và triển vọng các quốc gia năm 2022. Trong đó, tổ chức này đã nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, với triển vọng ổn định.

Theo S&P, tổ chức này nâng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam dựa trên cơ sở ghi nhận nền kinh tế đang trên đà phục hồi vững chắc trong bối cảnh Chính phủ gỡ bỏ các hạn chế di chuyển trong nước và xuyên biên giới. Cùng với đó, tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19 đã được cải thiện ấn tượng và bước chuyển linh hoạt trong chính sách kiểm soát dịch bệnh.

Bên cạnh đó, sự cải thiện rõ rệt về quy trình, thủ tục hành chính của Chính phủ, đặc biệt liên quan đến chất lượng quản trị các khoản nợ được bảo lãnh, cùng với triển vọng kinh tế mạnh mẽ, vị thế đối ngoại vững vàng và thu hút dòng vốn FDI bất chấp gián đoạn do đại dịch là những yếu tố quan trọng khiến S&P quyết định nâng hạng Việt Nam.

S&P nang xep hang tin nhiem dai han Viet Nam len BB+ anh 1

Hồ sơ tín dụng dài hạn của Việt Nam được S&P nâng lên mức BB+ với triển vọng tích cực. Ảnh: Nam Khánh.

Về đánh giá triển vọng ổn định, S&P dự báo trong 12-24 tháng tiếp theo, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi, vượt qua khó khăn, thách thức do đại dịch trong 2 năm, góp phần củng cố vị thế đối ngoại và kiềm chế thâm hụt ngân sách.

Tổ chức xếp hạng này đánh giá thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng nhanh vài năm gần đây với mức tăng trưởng thực 10 năm là 4,8%, cao hơn so với mức trung bình các quốc gia với mức thu nhập tương đồng.

S&P cũng dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam đạt khoảng 6,9% với xu hướng dài hạn là 6,5-7% từ năm 2023.

Trong đó, ổn định kinh tế vĩ mô cùng với các lợi thế cạnh tranh về lao động, tiêu chuẩn giáo dục được cải thiện và nhân khẩu học thuận lợi là động lực chính tăng cường sức hấp dẫn ở khu vực chế biến, chế tạo đối với các doanh nghiệp toàn cầu, tạo động lực tăng trưởng xuất khẩu và đẩy mạnh tiêu dùng.

TĂNG TRƯỞNG GDP HÀNG NĂM CỦA VIỆT NAM
Nguồn: Tổng cục Thống kê; S&P Ratings
Nhãn20122013201420152016201720182019202020212022 (dự báo của S&P)
Tăng trưởng GDP % 5.255.425.986.686.216.817.087.022.912.586.9

Trong lĩnh vực tài khóa, S&P đánh giá nền tài chính công của Việt Nam vẫn duy trì trạng thái ổn định, kể cả trong bối cảnh thu, chi của ngân sách gặp áp lực trước tác động của đại dịch.

Tổ chức này dự báo thâm hụt ngân sách có thể gia tăng tạm thời với việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tuy vậy đánh giá dư địa chính sách vẫn dồi dào trong bối cảnh nợ công giảm mạnh.

Về phía Bộ Tài chính, cơ quan này cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với S&P, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm cũng như tổ chức quốc tế khác để tiếp tục có đánh giá đầy đủ và cập nhật về hồ sơ tín dụng của Việt Nam.

Cuối tháng 3 trước đó, Fitch Ratings cũng có cập nhật về xếp hạng tín nhiệm và triển vọng của thị trường Việt Nam với bậc xếp hạng tín nhiệm ở mức BB và triển vọng tích cực.

S&P Ratings nâng triển vọng Việt Nam lên tích cực

Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm gồm Moody’s, S&P và Fitch nâng triển vọng lên tích cực từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay.

S&P duy trì triển vọng tín nhiệm Việt Nam ở mức ổn định

Ngày 21/5, tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings (S&P) thông báo tiếp tục duy trì xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức BB, và triển vọng Ổn định.

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm