“Việc rút visa của các du học sinh chỉ học trực tuyến đẩy nhiều bên liên quan vào thế bất lợi. Đây là một bước thụt lùi của Mỹ”, bà Feldblum, chuyên gia nghiên cứu tác động của chính sách nhập cư trong lĩnh vực giáo dục đại học, nói với Zing.
Theo đó, chính sách mới trói buộc các cơ sở đào tạo vào những quy định máy móc, đặc biệt lại trong hoàn cảnh bất ổn như hiện tại.
"Giữa lúc đại dịch Covid-19 hoành hành, chúng ta cần phải linh hoạt hơn”, bà nói.
Không đồng tình với đề xuất từ Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE), bà Feldblum cho rằng chính phủ Mỹ nên tạo điều kiện cho các trường chủ động thích ứng với hoàn cảnh, đồng thời ưu tiên sức khoẻ và sự an toàn của giảng viên, sinh viên.
Giám đốc Liên minh Giáo dục Đại học và Di trú, bà Miriam Feldblum. Ảnh: Migration Policy Institute. |
Sinh viên quốc tế lại là nguồn đóng góp tài năng và tiền bạc cho nước Mỹ. Về dài hạn, chính sách mới sẽ “xua đuổi” cộng đồng du học sinh quốc tế có ý định đến Mỹ học tập,, khiến họ cảm thấy không được coi trọng và không được chào đón.
Đối với những sinh viên trong nước, chính sách này kéo theo nhiều thay đổi trong chương trình học. “Các trường đại học không thể tổ chức giảng dạy dựa trên nguyên tắc đảm bảo an toàn cho sinh viên, khiến triển vọng giáo dục bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, bà Feldblum nói.
Trước đó, ngày 6/7, Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) thông báo các sinh viên quốc tế sẽ không được ở lại Mỹ nếu chỉ tham gia chương trình học trực tuyến vào kỳ học mùa thu sắp tới. Những sinh viên này có thể bị trục xuất nếu không chuyển trường hoặc thay đổi chương trình học sang hình thức giảng dạy trực tiếp.
Quy định trên không áp dụng với các cơ sở đào tạo đang sử dụng phương pháp kết hợp, nghĩa là vừa học trực tuyến vừa học trên lớp. Ngay lập tức, quy định mới bị chỉ trích là một động thái chính trị nhằm buộc các trường mở cửa lại. ICE cũng đối mặt với vụ kiện từ Đại học Harvard và MIT yêu cầu tòa đình chỉ thi hành chỉ thị trên.
Bức tranh tổng thể tăm tối
Xuất thân từ Venezuela, anh Raul Romero đã học tập tại Mỹ suốt 4 năm với mơ ước được làm việc trong ngành quan hệ quốc tế. Khi nghe tin về chính sách thị thực mới, Romero cảm thấy đau lòng: “Tôi đã khóc. Mọi dự định sẽ bị gác lại”.
Xuất thân từ Venezuela, anh Raul Romero đã học tập tại Mỹ suốt 4 năm. Ảnh: Market Watcher. |
Giống như Romero, hàng nghìn sinh viên quốc tế tại Mỹ đang đối mặt với nguy cơ bị trục xuất. ICE bất ngờ đưa ra chính sách thị thực mới trong ngày 6/7, chỉ vài tuần trước kỳ học mùa thu tại nhiều cơ sở đào tạo trên toàn quốc.
Viện Giáo dục Quốc tế (IIE) cho biết Mỹ có khoảng 1,2 triệu sinh viên nước ngoài trong năm học 2018-2019. Song việc học tập của phần lớn sinh viên sẽ không bị ảnh hưởng vì chính sách thị thực này, Dan Berger, luật sư chuyên về vấn đề di trú, cho biết.
Ông Berger đang nghiên cứu các quy định mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Ông nhận định chỉ sinh viên học trực tuyến toàn thời gian mới nên cảm thấy lo lắng. Thêm vào đó, những sinh viên phải về nước vẫn có thể quay lại Mỹ làm việc sau khi tốt nghiệp.
“Dù không bị ảnh hưởng, nhiều du học sinh vẫn cảm thấy lo sợ về chính sách này”, ông Berger nói, bổ sung rằng đây có thể là một trong nhiều nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm hạn chế người nhập cư vào Mỹ.
“Chính sách góp phần tạo ra một bức tranh tổng thể đầy tăm tối cho người nước ngoài. Họ cảm thấy sự bất ổn trong quá trình học tập và triển vọng nghề nghiệp tại Mỹ”, ông Berger kết luận.
Không được Mỹ chào đón
“Cộng đồng du học sinh vốn là cái gai trong mắt những người phản đối làn sóng nhập cư”, Aaron Reichlin-Melnick, cố vấn chính sách tại Hội đồng Di trú Mỹ, cho biết. “Do đó, chính quyền Trump có thể nhắm vào các trường đại học để hạn chế lượng người nhập cư vào Mỹ”.
Giám đốc Liên minh Giáo dục Đại học và Di trú, bà Miriam Feldblum, nhận xét: “Quyết định này gây tổn hại đến nền giáo dục Mỹ. Sinh viên quốc tế là nhân tố quan trọng trong hệ thống giáo dục sau đại học”.
Sinh viên Havard dọn đồ ra khỏi ký túc xá. Ảnh: Getty Images. |
Cũng theo bà Feldblum, sinh viên quốc tế vừa góp phần vào bản sắc đa dạng, vừa mang đến tiềm lực về người và của cho nước Mỹ. Viện Giáo dục Quốc tế cho biết cộng đồng du học sinh đóng góp 45 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ trong năm 2018.
“Sau chính sách thị thực mới, họ có thể mang tiền và tài năng đến những nơi khác. Không được Mỹ chào đón, các sinh viên vẫn còn nhiều lựa chọn như Canada và Anh. Nhiều cái nôi đào tạo sẽ sớm tận dụng bước đi sai lầm của Mỹ”, bà Feldblum nhận định.
Đa số các trường cao đẳng và đại học ở Mỹ đều chưa công bố kế hoạch cho học kỳ mùa thu. Song một vài trường, bao gồm Đại học Hawaii, đã thông báo giảng dạy toàn bộ chương trình học trên nền tảng trực tuyến.
IIE cho biết hơn 1 triệu du học sinh tại Mỹ chiếm 5,5% tổng số sinh viên bậc đại học trong năm học 2018-2019. Du học sinh tiếp tục là nguồn thu chính của nhiều cơ sở giáo dục sau đại dịch Covid-19.