Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Rượu Hà Nội hơn 7 năm vẫn chưa thoát lỗ

Dù ghi nhận doanh thu quý II tăng tới 88% so với cùng kỳ năm 2021, Rượu Hà Nội vẫn chưa thể có lãi do chi phí bán hàng tăng cao.

Công ty CP Rượu và Nước giải khát Hà Nội - Halico (HNR) vừa công bố báo cáo tài chính quý II với khoản doanh thu tăng mạnh so với cùng kỳ. Tuy nhiên, hãng rượu hơn 120 năm tuổi tại Hà Nội này vẫn chưa thể thoát lỗ.

Cụ thể, trong 3 tháng gần nhất (tháng 4-6), công ty này ghi nhận hơn 32,4 tỷ đồng doanh thu thuần từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ, tăng 88% so với cùng kỳ năm trước.

Không chỉ ghi nhận doanh thu tăng trưởng tích cực, biên lãi gộp quý II năm nay của Rượu Hà Nội cũng đạt trên 29%, tăng mạnh so với việc kinh doanh dưới giá vốn năm trước. Kết quả này giúp hãng thu về hơn 9,4 tỷ đồng lợi nhuận gộp trong quý.

Tuy nhiên, kết quả doanh thu và lãi gộp kể trên chỉ giúp Rượu Hà Nội giảm lỗ so với cùng kỳ năm trước chứ chưa đủ giúp công ty này có lãi trở lại. Nguyên nhân là chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng mạnh, tiêu tốn gần 13 tỷ đồng.

Kết quả, Rượu Hà Nội ghi nhận khoản lỗ ròng sau thuế hơn 2,3 tỷ đồng trong quý này. So với cùng kỳ năm trước, số lỗ đã giảm hơn 181%, tương đương mức giảm ròng hơn 10 tỷ đồng. Tuy vậy, đây đã là quý thua lỗ thứ 21 liên tiếp của doanh nghiệp.

RƯỢU HÀ NỘI LIÊN TỤC LÀM ĂN THUA LỖ

NhãnI/2020IIIIIIVI/2021IIIIIIVI/2022II
Doanh thu thuần tỷ đồng 26.826.223.527.63617.213.735.128.732.4
Lợi nhuận sau thuế
-8.9-6-5.5-10-1-12.4-4.1-6-3.7-2.3

Lũy kế nửa đầu năm 2022, Rượu Hà Nội ghi nhận hơn 61 tỷ đồng doanh thu, tăng 15% so với cùng kỳ, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp vẫn báo số âm hơn 6 tỷ đồng. Đến cuối tháng 6, khoản lỗ sau thuế chưa phân phối trên báo cáo của hãng đã lên tới 477 tỷ đồng.

Hiện tại công ty này có tổng tài sản cân đối với nguồn vốn gần 371 tỷ đồng. Trong đó, ngoài hơn 116,6 tỷ đồng giá trị tài sản cố định, công ty này còn có 110 tỷ là tiền gửi ngân hàng lấy lãi.

Với chủ trương không vay vốn ngân hàng, hiện nợ phải trả của Rượu Hà Nội chỉ vào khoảng 34 tỷ đồng. Trong đó, khoản nợ lớn nhất là tiền thuế và các khoản phải nộp Nhà nước khác.

Công ty Rượu Hà Nội tiền thân là Nhà máy Rượu Hà Nội xây dựng từ năm 1898, là nhà máy sản xuất cồn rượu đầu tiên tại Việt Nam.

Ở thời hoàng kim, nhà máy này chiếm đa số thị phần rượu phía Bắc, kết quả kinh doanh những năm trước 2010 cũng rất khả quan. Hãng thậm chí từng được đánh giá là một trong những doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng doanh thu nhanh nhất thị trường, với mức tăng bình quân 25%/năm.

Tuy nhiên, bước ngoặt kinh doanh của công ty đến sau khi hoạt động buôn lậu rượu bị phanh phui với chuyến hàng rỗng xuất khẩu sang Lào ngày 12/9/2012 qua cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh). Kết quả là hàng loạt lãnh đạo công ty bị khởi tố hình sự và hoạt động kinh doanh lao dốc.

Ban lãnh đạo công ty cũng từng thừa nhận một trong những nguyên nhân dẫn tới kết quả kinh doanh thua lỗ liên tục là do thị hiếu và yêu cầu của người tiêu dùng đối với mặt hàng rượu ngày càng khắt khe về chất lượng sản phẩm, hình ảnh, bao bì.

Trong khi đó, hãng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các nhà sản xuất rượu trong và ngoài nước. Đặc biệt, các nhà sản xuất rượu cũng phải đối mặt với tình trạng trốn thuế, làm giả của các cơ sở tư nhân, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, công bằng.

Công ty Rượu Hà Nội chìm trong khoản lỗ gần 470 tỷ đồng

Với năm thứ 6 liên tiếp làm ăn bết bát, lỗ lũy kế đến cuối năm 2021 của Halico đã lên tới 468 tỷ đồng, cao gấp rưỡi vốn góp của chủ sở hữu doanh nghiệp.

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm