Phát biểu tại hội thảo "Ngành đồ uống Việt Nam hội nhập và thách thức", do hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam tổ chức mới đây, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại Đa Biên, Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, nhưng chưa có hiệp định nào đàm phán đưa thuế rượu, bia, nước giải khát về mức 0% cả.
Ngay cả với quy chế tối huệ quốc thì mức thuế nhập khẩu với bia, rượu vẫn giữ mức 50% và nước giải khát 30%. Lộ trình xóa bỏ thuế quan trong các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký thì cắt giảm thuế với bia rượu, nước giải khát rất chậm, và có những hiệp định không đưa về mức 0%. Như vậy, cách tốt nhất để các nhà sản xuất nước ngoài muốn thâm nhập thị trường Việt Nam là đầu tư trực tiếp vào đây, nhưng đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất đồ uống đang phải chịu một số hạn chế.
Nếu thuế nhập khẩu về 0% thì nước giải khát ngoại tràn vào với nhiều chủng loại, chất lượng tốt giá rẻ, không biết còn doanh nghiệp nào trụ nổi? |
Về rượu, rất khó để các DN Việt cạnh tranh với rượu nhập khẩu khi thuế suất thuế nhập khẩu rượu về mức 0%. Khi đó, giá rượu nhập khẩu sẽ rất rẻ, có thể giảm trên 30% so với hiện nay, trong khi một bộ phận người Việt Nam ưa thích sử dụng rượu ngoại, nên các loại rượu vang, rượu mạnh có thương hiệu sẽ chiếm lĩnh thị trường,
Với bia, hiện có hai DN trong nước là tổng công ty Bia Sài Gòn (Sabeco) và tổng công ty Bia Hà Nội (Habeco) nắm giữ khoảng 2/3 thị phần. Lợi thế của các công ty bia nội là sự có mặt lâu đời và đã đi vào tiềm thức của người dân, giúp các công ty này có chỗ đứng và đánh bại những đối thủ yếu kém. Tuy nhiên, với với những tên tuổi tầm cỡ như Sapporo (Nhật), ABInBev (Mỹ ) thì vẫn luôn là một thách thức lớn.
Hiện tại, tất cả các hãng bia nội đều nằm ở phân khúc bình dân. Điều này phù hợp với túi tiền và nhu cầu của đa phần người dân Việt Nam có thu nhập thấp. Tuy nhiên, khi đời sống nâng cao, nhiều người chuyển sang dùng bia cao cấp thì bia nội sẽ mất dần thị phần. Hơn nữa, nếu những hãng bia như Budweiser hay Sapporo hạ giá, bán rẻ gần bằng bia nội thì người tiêu dùng sẽ sẵn sàng móc hầu bao ra để uống bia ngoại thay vì bia nội, vì ưu thế chất lượng đang nghiêng về bia ngoại.
Nhìn vào toàn cảnh ngành bia Việt Nam, có thể thấy, không có một công ty nào có sản phẩm đứng trong phân khúc bia cao cấp, cũng không thể cạnh tranh được với những tên tuổi lớn, nổi tiếng. Trong tương lai không xa, nếu các hãng bia ngoại tấn công xuống phân khúc thấp hơn thì khả năng các thương hiệu Việt chịu sự lép vế là một hệ quả tất yếu.
Hiện nhiều sản phẩm của các DN bia nội chẳng thay đổi điều gì, thậm chí chất lượng còn đi xuống. Đây là những điểm yếu của bia nội khi cạnh tranh trong thị trường mở cửa hoàn toàn và không ít DN sẽ khó giữ được thị phần như hiện nay. Với nước giải khát cũng vậy. Những ông lớn như Pepsi và Coca - Cola đang làm mưa gió trên thị trường Việt Nam. DN Việt chỉ có duy nhất Tân Hiệp Phát là còn tạo dựng được cho mình một vị thế. Nếu thuế nhập khẩu về 0% thì nước giải khát ngoại tràn vào với nhiều chủng loại, chất lượng tốt giá rẻ, không biết còn DN nào trụ nổi?
Theo thống kê của hiệp hội Bia rượu Việt Nam, năm 2012 mức tiêu thụ bia của người Việt Nam là 2,38 tỷ lít, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, nước giải khát đạt 4,226 tỷ lít, tăng 9% so với cung kỳ năm trước và rượu các loại trên 400 triệu lít. Có thể thấy với mức tiêu thụ tại Việt Nam như vậy nên thị trường này đã khiến các công ty bia, rượu, nước giải khát nước ngoài không thể làm ngơ.
Chính vì vậy, đại diện cho Bộ Công Thương, ông Thái khuyến cáo DN nội sớm chuẩn bị tinh thần và nâng cao ý thức cải tiến sản phẩm, hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh. Hơn nữa, DN cần giữ vững uy tín và củng cố niềm tin của người tiêu dùng trong nước nhằm duy trì và phát triển thị trường trong nước. Không những thế, DN nên tìm hiểu sâu thị hiếu tiêu dùng của người dân các nước thành viên TPP để phát triển những sản phẩm phù hợp và tham gia vào chuỗi cung ứng trong khu vực nhằm đạt được lợi ích tối đa từ hiệp định này.