Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Rước lửa thiêng của làng về nhà đêm 30

Đêm 30 Tết, đúng vào thời khắc chuyển giao của trời đất, cả làng sẽ cùng đón lửa thiêng được đốt tại đình tổ của làng để rước ngọn lửa đó về nhà mình.

Ngọn lửa này được người làng xem là ngọn lửa thiêng, có thể mang lại cho họ sự ấm áp quanh năm...

Đúng giao thừa, người dân trong làng lấy lửa thiêng từ sân đình - Ảnh: Quốc Nam
Một cụ ông rước lửa về sưởi ấm nhà mình ngày Tết.

Làng Cảnh Dương (xã Cảnh Dương, Quảng Trạch, Quảng Bình) vốn là một làng biển có truyền thống gần 400 năm. Người làng quanh năm làm nghề đi biển nên cuộc sống lênh đênh khắp chốn. Tuy vậy, có một dịp mà cả làng tề tựu sum họp đó là lễ rước lửa đêm giao thừa.

Một cụ ông rước lửa về sưởi ấm nhà mình ngày tết - Ảnh: Quốc Nam
Đúng giao thừa, người dân trong làng lấy lửa thiêng từ sân đình.

Theo ông Nguyễn Ngọc Liên, một bô lão của làng Cảnh Dương, ít nhất lễ rước lửa này đã tồn tại ở Cảnh Dương từ cách đây hơn 350 năm qua. Cứ một thế hệ đi qua, tục rước lửa đêm giao thừa lại được truyền cho thế hệ sau nối tiếp. Trong suốt mấy trăm năm tồn tại, nhiều nghi lễ trong lễ rước lửa này đã được tinh giản. Tuy nhiên đến nay lễ này vẫn giữ được những nét độc đáo riêng biệt của một làng biển.

Tuy chỉ thực sự bắt đầu vào đêm 30 Tết, nhưng ngay từ buổi sáng, cả làng đã hướng về sân đình tổ của làng.

Ông Nguyễn Ngọc Liên, một bô lão trong làng Cảnh Dương thực hiện nghi lễ xin thần hoàng làng cho phép được rước lửa từ đình tổ ra sân đình - Ảnh: Quốc Nam
Ông Nguyễn Ngọc Liên, một bô lão trong làng Cảnh Dương thực hiện nghi lễ xin thần hoàng làng cho phép được rước lửa từ đình tổ ra sân đình.

Đây được coi là nơi linh thiêng nhất làng. Ngay trước sân đình, các bô lão đã cho dựng một đống củi cao đến vài mét để chuẩn bị cho lễ rước lửa. Từng gia đình trong làng cũng đã chuẩn bị sẵn cho mình một vật dụng để rước lửa từ đình tổ về nhà. Đó có thể là một cây đuốc, bùi nhùi, hoặc một chiếc hộp bên trong có để cuộn vải tẩm dầu hỏa, chiếc hộp này được nối vào một cành cây dài để châm lửa.

20h, sân đình đã đông như hội. Từ thanh niên đến cụ già trong làng đều có mặt để chuẩn bị cho lễ rước lửa. 

22h, không khí lễ hội bắt đầu náo nhiệt. Từ trong đình tổ, các bô lão trong làng làm lễ cúng thần linh để cầu may mắn an hòa cho những chuyến đi biển của người làng trong năm mới.

Và xin được rước ngọn lửa từ đình tổ ra thắp ở sân đình. Từ đình tổ, một ngọn đuốc được vị bô lão thắp lửa và rước ra trước sân nơi có đống củi xếp sẵn. 23h, một người có uy nhất trong làng được cử thực hiện nghi lễ thắp lửa.

“Đây là ngọn lửa thiêng từ đình tổ, tượng trưng cho sự no ấm của cả làng trong năm mới nên người được chọn thắp lửa phải đạt được các yếu tố “kinh tế lưỡng vượng, phu thê thông toàn, con cái đủ cả trai cả gái”, ông Liên cho biết.

Đúng thời khắc giao thừa là thời điểm quan trọng nhất của lễ hội. Trong tiếng hò reo của dân làng, ngọn lửa trước sân đình được người làng châm vào các vật dụng mang theo. Từ đây, từng người rước ngọn lửa thiêng này về nhà mình. 

Tại các gia đình, người làng dùng ngọn lửa này để thắp những nén hương đầu tiên trong năm mới cho ông bà tổ tiên. Người làng cũng dùng ngọn lửa này để nấu bánh, nấu nước cho ba ngày Tết.

Ông Trần Quốc Hoàng, thôn Yên Hải, xã Cảnh Dương cho biết, ngọn lửa thiêng của làng đem về nhà sẽ đem lại ấm áp và may mắn cho cả năm.

http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20150219/ruoc-lua-thieng-cua-lang-ve-nha-dem-30/712431.html

Theo Quốc Nam/ Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm