CNN cho biết hoạt động phá rừng tăng vọt vào tháng 5 và tháng 6 so với những tháng trước đó, và tăng 60% vào tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái.
Mỗi phút, diện tích rừng nhiệt đới bằng 1,5 sân bóng đá bị phá hủy. Tháng sáu, 769.1 km2 rừng bị mất, tăng chóng mặt so với 488.4 km2 rừng bị chặt phá vào tháng 6/2018.
Rừng Amazon thường được gọi là lá phổi xanh của hành tinh, sản sinh 20% lượng oxy trong bầu khí quyển, và đóng vai trò thiết yếu trong nỗ lực kiềm chế hiện tượng nóng lên toàn cầu. Đồng thời, với diện tích bằng nửa Trung Quốc, Amazon là rừng nhiệt đới lớn nhất Trái Đất, với hệ động thực vật vô cùng phong phú.
Một khu vực rừng Amazon, thuộc về người bản địa Pirititi, bị chặt phá trong bức ảnh cuối năm 2018. Ảnh: AP. |
“Sáu tháng qua, ông Bolsonaro đã tìm cách cản trở các cơ chế, các cơ quan quản lý rừng”, Carlos Rittle, từ mạng lưới các tổ chức phi lợi nhuận Observatorio do Clima (Đài quan sát Môi trường), nói với CNN.
Tổ chức môi trường Greenpeace đã gọi ông Bolsonaro và chính quyền ông là “mối đe dọa đối với cân bằng môi trường”, và cảnh báo các chính sách của ông sẽ “gây tổn hại nghiêm trọng với kinh tế Brazil”.
Ông Bolsonaro là “tổng thống đầu tiên trong lịch sử Brazil đắc cử với chính sách chống lại môi trường, chống người bản địa không hề giấu giếm”, theo ông Rittl. Tổng thống Brazil luôn kêu gọi phát triển kinh tế bằng cách khám phá tiềm năng của rừng Amazon.
Người khai thác gỗ, khai mỏ và nông dân đã tận dụng thời cơ khi chính phủ nới lỏng kiểm soát, để chiếm đoạt ngày càng nhiều đất trong rừng Amazon.
Hàng nghìn người từ 300 bộ lạc bản địa biểu tình phản đối chính sách cánh hữu, đánh đổi môi trường lấy kinh tế của Tổng thống Jair Bolsonaro tháng 4 vừa qua. Ảnh: Reuters. |
Trong khi đó, chính phủ cắt giảm ngân sách của cơ quan bảo vệ môi trường Brazil, Viện Môi trường và Năng lượng Tái tạo Brazil. Số lượng hoạt động kiểm tra của viện này đã giảm kể từ khi ông Bolsonaro nhậm chức, mặc dù con số này lẽ ra phải tăng lên do có ngày càng nhiều tin tố giác về phá rừng.
Ông Rittl cũng cho rằng các nước châu Âu đang làm ngơ trước đường lối phá hoại môi trường của Brazil, mặc dù Hiệp định Paris về khí hậu đã có những điều khoản quy định vấn đề này.
Các lãnh đạo Pháp, Đức và Liên minh châu Âu (EU) đều đã tỏ ra lo ngại về sự biến mất nhanh chóng của rừng Amazon, nhưng việc EU ký thỏa thuận thương mại với Mercosur, khối thương mại Nam Mỹ, được cho là sẽ tăng sức ép lên hệ sinh thái tại đây.