Đó là giải pháp để bảo vệ thu nhập cầu thủ từ những hình ảnh độc quyền, đồng thời trở thành nguồn thu lợi nhuận hấp dẫn cho họ vì những ai muốn sử dụng đều cần xin phép. Bản quyền hình ảnh bao gồm: Tên tuổi, biệt danh, giọng nói, chữ ký và đặc điểm cá nhân... của cầu thủ.
Tại Việt Nam, các cầu thủ chưa chú trọng tới bản quyền hình ảnh bởi mức độ nổi tiếng không cao. Nhưng với nhiều quốc gia phát triển, bản quyền hình ảnh được xem rất quan trọng.
Không có nhiều cầu thủ Việt Nam nắm hết được luật về bản quyền hình ảnh. |
Năm 2002, khi siêu sao David Beckham tiến hành đàm phán gia hạn với Manchester United, số 7 người Anh không hề đoái hoài tới mức lương. Cựu thủ quân "Tam sư" nhìn nhận thẳng vấn đề: "Nút thắt không phải lương thấp hay cao. Tôi muốn phí bản quyền hình ảnh được điều chỉnh cao hơn".
Năm 2006, David Beckham muốn Real Madrid bỏ điều khoản sở hữu 50% tiền bản quyền hình ảnh cầu thủ. Đội bóng thủ đô từ chối, dẫn đến sự ra đi của tiền vệ người Anh. Sau đó, Beckham ký hợp đồng 5 năm với LA Galaxy (Mỹ) trị giá 128 triệu bảng, ở đây anh được hưởng 100% tiền bản quyền hình ảnh.
Với nhiều CLB lớn trên thế giới, họ có khuynh hướng khai thác tối đa tiền bản quyền hình ảnh cầu thủ. Động thái này được xem là nền tảng chiến lược để nâng tầm phát triển thương mại với nhiều đối tác.
Năm 2013, giữa Ronaldo và Real từng xảy ra hục hặc liên quan đến tiền bản quyền hình ảnh khi hai bên đàm phán gia hạn hợp đồng. Lúc đó, tỷ lệ ăn chia giữa Ronaldo và Real là 60-40, theo số liệu trên Sportskeeda vào năm 2015.
Ở thời điểm số 7 chuẩn bị sang Madrid vào năm 2009, "Siêu cò" Jorge Mendes nỗ lực đàm phán với chủ sân Bernabeu về tiền bản quyền hình ảnh của Ronaldo, muốn thân chủ nhận được nhiều hơn tỷ lệ ăn chia 50-50.
Với Ronaldo, tiền bản quyền hình ảnh rất quan trọng. |
Dưới thời Chủ tịch Florentino Perez, một trong những sáng kiến độc đáo của người đàn ông này là xây dựng mô hình mà ở đó mỗi cầu thủ đều phải chia 50% tiền bản quyền hình ảnh cho CLB.
Theo Goal, tiền bản quyền hình ảnh của Neymar không có trong hợp đồng ký với PSG. Như vậy, nếu PSG muốn sử dụng hình ảnh siêu sao người Brazil, họ phải đàm phán riêng.
Động thái này mang đến lợi ích cho không chỉ cầu thủ, mà cả đội bóng. Real Madrid nhờ đó cũng trở thành thương hiệu toàn cầu thu hút nhiều nhà tài trợ. Lý do đơn giản cầu thủ càng nổi tiếng khi bắt tay với những nhãn hàng lớn sẽ lại giúp đội bóng có thêm nhiều tiền.
Với Real, ai đó cho rằng họ giàu lên xuất phát từ doanh thu bán áo đấu. Thực tế không phải vậy. Phí bản quyền hình ảnh mới đem đến hàng trăm triệu euro cho gã nhà giàu thành Madrid, theo Fusion.tv.
Còn với những siêu sao như Ronaldo, thu nhập có khi thua cả tiền bản quyền hình ảnh. Bằng chứng cựu sao Manchester United bỏ túi chỉ 17 triệu euro tiền lương/năm, nhưng doanh thu quảng cáo lên tới 23 triệu euro.
Bảng báo giá khai thác hình ảnh trên trang cá nhân thủ môn Bùi Tiến Dũng. |
Không phải ngẫu nhiên tiền bản quyền hình ảnh lại được các siêu sao quan tâm bậc nhất. Đó là công cụ giúp họ kiếm thêm thu nhập, và trở thành phương tiện né thuế tinh vi. Khi một CLB thanh toán thu nhập cho cầu thủ, khoảng 15% hoặc hơn tổng số tiền đó là dành cho bản quyền hình ảnh, những khoản còn lại là lương, thưởng.
Với phần lương hay thưởng, cầu thủ sẽ phải đóng thuế thu nhập cá nhân rất cao, trong khi đó tiền bản quyền hình ảnh lại chịu áp thuế thấp và khoản tiền này thường được chuyển cho một bên thứ ba là công ty “đại diện” của cầu thủ, hầu hết đặt ở những thiên đường thuế như đề cập trong “Hồ sơ Panama”, theo The Independent.
Dễ hiểu là tiền bản quyền hình ảnh càng cao trong hợp đồng thì khoản thuế mà cầu thủ lách được sẽ càng lớn. Bằng cách này, Messi và Ronaldo được tin rằng đã gian lận thuế. Ngoài ra, theo Daily Mail, nhiều cầu thủ tại Premier League cũng núp bóng bản quyền hình ảnh để thực hiện hành vi trốn thuế.
Tiền bản quyền hình ảnh là giải pháp để bảo vệ thu nhập cầu thủ từ những hình ảnh độc quyền, đồng thời trở thành nguồn thu lợi nhuận hấp dẫn cho họ vì những ai muốn sử dụng đều cần xin phép.
Theo giải thích của trang Danielgeey, cầu thủ có xu hướng bắt tay với một tổ chức để họ đứng ra làm đầu mối trong việc bảo vệ bản quyền hình ảnh. Tổ chức này có nhiệm vụ thương thảo với đội chủ quản của cầu thủ và các đối tác thương mại trong việc khai thác bản quyền hình ảnh thế nào.
Năm 2015, Ronaldo xác nhận bán 50% bản quyền hình ảnh còn lại cho Mint Media, công ty thuộc sở hữu tỷ phú Peter Lim - sở hữu đội Valencia. Đây là bước đi chiến lược giúp anh mở rộng hình ảnh và tầm ảnh hưởng đến toàn cầu.