Cristiano Ronaldo (bóng đá): Năm 2004, Ronaldo tham gia cùng đoàn thể thao Bồ Đào Nha dự Olympic Athens. Chân sút khi đó đang chơi cho MU chỉ mới 19 tuổi. Tuy nhiên, anh được kỳ vọng sẽ giúp Bồ Đào Nha giành thành tích cao ở kỳ Thế vận hội này sau khi đã vào chung kết EURO 2004. |
Tuy nhiên, Ronaldo chỉ ghi được 1 bàn trong chiến thắng 2-1 trước Morocco ở kỳ đại hội ấy. Bồ Đào Nha thua 2 trận còn lại ở vòng bảng trước Iraq và Costa Rica với cùng tỷ số 2-4, và phải về nước sớm. Olympic Athens 2004 cũng chứng kiến Carlos Tevez cùng các đồng đội ở Argentina giành huy chương vàng sau khi đánh bại Paraguay ở chung kết. Tại Olympic Rio 2016, Ronaldo đã cân nhắc dự Olympic nhưng từ bỏ vì EURO diễn ra cùng năm. |
Pete Sampras (tennis): Sampras là một tượng đài của làng quần vợt thế giới với 14 danh hiệu Grand Slam. Tuy nhiên, điều tiếc nuối lớn nhất trong sự nghiệp của tay vợt người Mỹ có lẽ là việc chưa bao giờ đạt thành tích cao ở Thế vận hội. |
Tại Olympic Barcelona 1992, Sampras được xếp hạt giống thứ 3 nhưng dừng bước trước VĐV người Nga Andrei Cherkasov ở tứ kết. Sampras sau đó không thể dự Olympic Atlanta 1996 vì chấn thương. |
Francesca Piccinini (bóng chuyền): Piccinini được xem là một trong những ngôi sao bóng chuyền hay nhất lịch sử Italy và thế giới. Tay đập xinh đẹp này từng giành vô số danh hiệu vô địch thế giới, World Cup hay Champions Cup,... |
Tuy nhiên, tấm huy chương Olympic là thứ duy nhất nữ VĐV này thiếu trong sự nghiệp của mình. Cô tham dự tới 4 kỳ Olympic từ năm 2000 đến 2012, chơi 19 trận và một mình ghi 183 điểm. Ở tuổi 41, Piccinini vẫn nuôi hy vọng khi muốn tham dự Olympic Tokyo. |
Fabiana Murer (nhảy sào): Murer nằm trong top những ngôi sao thể thao đương đại xuất sắc của Brazil. Cô là VĐV nhảy sào duy nhất trong lịch sử Brazil đoạt huy chương vàng thế giới. Tuy nhiên, liên tục trong các kỳ Olympic Beijing 2008, Olympic London 2012 hay Olympic Rio 2016 tại quê nhà, "nữ hoàng nhảy sào" này đều gây thất vọng. |
Roger Federer (tennis): Khác với các VĐV ở trên, "tàu tốc hành" người Thụy Sỹ từng giành huy chương vàng ở nội dung đánh đôi với Stan Wawrinka tại Olympic Beijing 2008. Tuy nhiên, trong một môn thể thao cá nhân như quần vợt, tấm huy chương vàng ở nội dung đơn nam Olympic mới là thành quả cao nhất, đặc biệt khi so với tầm vóc và sự vĩ đại của Federer. |
Federer lần đầu tiên tham dự Olympic Sydney 2000 và vào đến vòng bán kết. Tay vợt người Thụy Sỹ sau đó để thua Tommy Haas rồi Arnaud Di Pasquale trong trận tranh huy chương đồng. Đến năm 2004 ở Athens, anh thậm chí để thua tay vợt 18 tuổi Tomas Berdych ở vòng 2 dù đang giữ vị trí số 1 thế giới và đang là đương kim vô địch Australian Open và Wimbledon. Năm 2008, Federer thất thủ trước James Blake ở tứ kết dù là hạt giống số 1. Tại Olympic London 2012, Federer thua trước Andy Murray ở chung kết. Năm 2016, anh không tham dự Thế vận hội ở Rio sau ca phẫu thuật đầu gối. |
Với Federer, một tấm HCV Olympic đơn nam là đủ để sự nghiệp của anh trở nên trọn vẹn. Cuối năm ngoái, tay vợt người Thụy Sỹ thừa nhận vẫn muốn dự Olympic Tokyo sắp tới. "Đến cuối ngày, trái tim luôn mách bảo tôi phải chơi ở Olympic một lần nữa", anh nói. |