Rối với tỉ lệ đạm trong sữa
Theo khảo sát, hầu hết sản phẩm vốn được gọi là sữa cho trẻ em đều có tỉ lệ đạm dưới 20%, còn sản phẩm có tỉ lệ đạm trên 20% là sữa cho bà bầu, vốn có nhu cầu năng lượng cao hơn.
Theo tiêu chuẩn của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) với sữa bột công thức cho nhóm trẻ 0-12 tháng, tỉ lệ đạm dao động 11-18% là đạt.
Nếu chiếu theo lý do niêm phong 6.000 lon Danlait của Quản lý thị trường Hà Nội (chưa tính nghi vấn trốn thuế) vì cho rằng có vi phạm nhãn mác, giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm, thì nhiều sản phẩm đang ghi nhãn là “sữa bột” trên thị trường đều có thể bị thu hồi vì sai lệch tên hàng hóa (hàm lượng đạm không đạt 34% như quy chuẩn Việt Nam hiện hành).
Sữa cho trẻ: không bắt buộc tỉ lệ đạm 34%?
"Đạm có vai trò quan trọng với sự phát triển của cơ thể. Đạm tham gia quá trình cấu tạo tế bào, cơ bắp, hệ thống miễn dịch và các hormone trong cơ thể. Các tế bào, cơ quan, tổ chức của cơ thể sống đều cần cung cấp đạm" - Theo bà Nguyễn Thị Lâm. |
Theo khảo sát của chúng tôi, hầu hết sản phẩm vốn được gọi là sữa cho trẻ em đều có tỉ lệ đạm dưới 20%, còn sản phẩm có tỉ lệ đạm trên 20% là sữa cho bà bầu, vốn có nhu cầu năng lượng cao hơn.
Tuy nhiên, theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia với các sản phẩm sữa dạng bột hiện hành (ban hành năm 2010), điều kiện hàm lượng đạm trong sữa ở mức 34% là yêu cầu với sữa bột nguyên chất, sữa bột đã tách một phần chất béo, sữa bột gầy và sữa bột gầy có bổ sung chất béo thực vật, cream bột và whey bột.
Bà Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện dinh dưỡng quốc gia, cho biết: sữa dành cho trẻ em lại thuộc nhóm sữa bột công thức, không yêu cầu bắt buộc đạm đạt 34%. “Đây là loại sữa đã được điều chỉnh tỉ lệ dinh dưỡng phù hợp nhu cầu và khả năng tiêu hóa của trẻ, đồng thời được bổ sung các vitamin, khoáng chất, như trong sữa bò tỉ lệ sắt thấp thì bổ sung sắt, hoặc tăng cường kẽm... Ở Việt Nam có thêm căn cứ là các vitamin, khoáng chất mà trẻ em đang thiếu” - bà Lâm nói.
Nếu theo tiêu chuẩn bà Lâm nêu thì các sản phẩm “thực phẩm bổ sung” cho trẻ hoàn toàn được xem là sữa nhưng với một nhãn hàng hóa cụ thể, rõ ràng hơn là “sữa bột công thức”.
Tuy nhiên từ đầu năm 2013, để đáp ứng yêu cầu mới là hàm lượng đạm phải đạt 34% mới được gọi là sữa bột, các sản phẩm vốn là sữa bột đã đồng loạt được đổi tên là “thực phẩm bổ sung”, “sản phẩm dinh dưỡng công thức”, từ đó né luôn được yêu cầu phải kê khai lý do khi điều chỉnh giá bán do quy định hiện hành chỉ yêu cầu kê khai khi điều chỉnh giá sữa.
Cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng cân đối
Bà Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện dinh dưỡng quốc gia. |
Trao đổi với phóng viên chiều 25/2, bà Nguyễn Thị Lâm cho hay:
- Đối với nhóm trẻ 0-12 tháng tuổi, tỉ lệ đạm trong sữa theo tiêu chuẩn Codex dao động 11-18%, nhóm trẻ tuổi lớn hơn tỉ lệ đạm yêu cầu cao hơn, như sữa công thức cho trẻ 12-36 tháng yêu cầu 18-34%. Theo khuyến nghị về nhu cầu dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng quốc gia vừa xuất bản cuối năm 2012, nhu cầu đạm ở trẻ 0-5 tháng tuổi là 11gam/ngày. Nếu hàm lượng đạm trong sữa là 11% thì một bé chỉ đơn thuần dùng sữa công thức, một ngày sử dụng 100gam sữa bột công thức là đủ nhu cầu về đạm.
- Qua khảo sát trên thị trường đã có những sản phẩm cho trẻ dưới 6 tháng tuổi nhưng hàm lượng đạm dưới 11%, theo bà như vậy có hơi thấp?
- Với trẻ dưới 6 tháng tuổi, nếu không được bú sữa mẹ và chưa ăn bổ sung thì tỉ lệ dưới 11% đạm là hơi thấp. Sữa cho nhóm tuổi này, theo tôi, ở trường hợp các bé không bú mẹ và chưa ăn bổ sung thì bắt buộc phải theo tiêu chuẩn Codex mới đảm bảo tiêu chuẩn phát triển.
- Trong vụ sữa dê Danlait vừa qua, một trong số các bà mẹ có sử dụng sữa này cho con có phản hồi trẻ chậm tăng trưởng, chậm mọc răng sau khi sử dụng. Theo bà, đã có thể kết luận vụ việc là do sữa?
- Sữa chỉ là một phần, còn phải xem xét trên tổng thể bé ăn thêm gì, ăn bổ sung ra sao, phải nhìn nhận lại toàn bộ chế độ ăn của trẻ. Ví dụ như xem lại cháu có thiếu vitamin không, thiếu khoáng chất gì không, có thiếu canxi hay vitamin D3 không... Nếu mùa đông, bé ở trong nhà suốt ngày, thiếu vitamin D3 cũng có dấu hiệu chậm lớn.
Theo Tuổi trẻ