Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Rời thảm đỏ Bắc Kinh, ông Macron nhận chỉ trích

Chuyến thăm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến Trung Quốc nhận chỉ trích từ một số đồng minh châu Âu - những người cho rằng ông Macron đang làm thân với Bắc Kinh.

ong Macron tham Trung Quoc anh 1

Trong ba ngày ở Bắc Kinh (6-8/4), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron được chào đón trên thảm đỏ với những nghi lễ hào nhoáng của một chuyến thăm cấp nhà nước.

Chuyến công du lần này được xem là một phần nỗ lực hiện thực hóa tham vọng của ông Macron: Đưa Paris vào bàn đàm phán với các cường quốc trong một thế giới nơi Bắc Kinh đang nổi lên với tư cách trọng tài của các cuộc xung đột toàn cầu.

Tuy nhiên, khi trở lại châu Âu, ông Macron phải đối mặt với sự lạnh nhạt.

Vốn rơi vào tình thế khó khăn vì các cuộc biểu tình trong nước, giờ đây tổng thống Pháp đang chịu sự chỉ trích từ một số đồng minh vì thắt chặt quan hệ với Bắc Kinh.

New York Times nhận định chuyến thăm lần này đã khiến tổng thống Pháp bị cô lập hơn bao giờ hết trong nhiệm kỳ 6 năm. Ông Macron vừa không được lòng người dân trong nước, vừa đánh mất niềm tin với các đồng minh khi cố gắng định hình lại nền tảng trật tự quốc tế sau chiến sự Ukraine.

Hành động khiêu khích

Trong một thời gian ngắn ở Trung Quốc, ông Macron đã khiến các đồng minh từ Warsaw đến Washington xa lánh hoặc lo ngại.

Ông khẳng định “quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu với Trung Quốc”, lặp lại quan điểm của Bắc Kinh về một thế giới “đa cực”, không còn “các khối”, thoát khỏi “tâm lý Chiến tranh Lạnh” và ít phụ thuộc hơn vào “đặc quyền ngoại giao của đồng USD”.

Về vấn đề Đài Loan, ông Macron cũng khẳng định không muốn phụ thuộc vào Washington.

“Trở thành đồng minh không có nghĩa là chư hầu, không có nghĩa chúng tôi không có quyền suy nghĩ cho đất nước mình”, AFP dẫn lời ông Macron nói trong cuộc họp báo ở Amsterdam với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, đề cập tới mối quan hệ với Mỹ.

Trước đó, Tổng thống Macron cũng kêu gọi châu Âu nâng cao quyền tự chủ chiến lược và khẳng định khu vực này không nên bị cuốn vào "những cuộc khủng hoảng không phải của mình".

Song đến ngày 11/4, Điện Élysée nhận thấy cần phải làm rõ lòng trung thành của Pháp với các đồng minh. Điện Élysée tuyên bố quan hệ của Paris với Trung Quốc và Mỹ “không ngang bằng và Mỹ là đồng minh chia sẻ các giá trị chung với chúng tôi”.

ong Macron tham Trung Quoc anh 2

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) gặp mặt tại Quảng Đông, Quảng Châu, Trung Quốc hôm 7/4. Ảnh: Reuters.

Trước đó, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã phản ứng với tuyên bố của ông Macron. “Liên minh với Mỹ là nền tảng tuyệt đối cho an ninh của chúng tôi”, ông Morawiecki cho biết hôm 11/4, lưu ý rằng một số nhà lãnh đạo phương Tây “mong muốn hợp tác với mọi quốc gia, với Nga và một số cường quốc ở Viễn Đông (Đông Á)”.

Động thái này cho thấy ông Macron thường lên tiếng đại diện cho tham vọng và ước mơ của châu Âu, nhưng lục địa này đang tồn tại sự chia rẽ sâu sắc, đặc biệt là giữa các quốc gia giáp Nga gắn bó chặt chẽ với NATO và tầm nhìn của ông Macron về một nước Pháp “là đồng minh nhưng không liên kết” với Washington.

Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio, đảng viên Cộng hòa tại Florida, đã chỉ trích ông Macron trong một đoạn video dài 2 phút.

“Ông Macron có thể nói thay cho cả châu Âu? Ông ấy hiện có phải là người đứng đầu châu Âu? Nếu đúng như vậy, chúng ta cần thay đổi một số điều”, ông Rubio đặt câu hỏi.

Nhận chỉ trích

Cho đến nay, chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn kiềm chế chỉ trích đồng minh Pháp. Liên minh châu Âu (EU) cũng không nhấn mạnh phản ứng khác biệt giữa ông Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen - người cùng ông đến thăm Trung Quốc.

Tại Bắc Kinh, bà von der Leyen thẳng thắn hơn về vấn đề Đài Loan.

ong Macron tham Trung Quoc anh 3

Ông Macron trong chuyến thăm Quảng Châu, Trung Quốc hôm 7/4. Ảnh: Reuters.

New York Times nhận định trước mắt, ông Macron có lẽ sẽ phải trả giá đắt.

“(Đó là) một sự thất bại”, ông Nicole Bacharan, nhà phân tích chính sách đối ngoại của Pháp, nói về cuộc phỏng vấn của Tổng thống Macron trên tờ Politico, đồng thời tiết lộ Điện Élysée đã khăng khăng đòi “hiệu đính” câu chuyện và cắt “một số phần trong cuộc phỏng vấn”.

Trong khi đó, ông Macron đã thực hiện một chuyến thăm cấp nhà nước khác tới Hà Lan vào ngày 11/4.

Tại đây, tổng thống Pháp nhấn mạnh: “Châu Âu được tạo nên từ những giấc mơ. Tôi không muốn giấc mơ của mình được vẽ nên bằng ngôn ngữ của người khác”. Song không rõ ông Macron ám chỉ đến Mỹ hay Trung Quốc.

Bản sắc Liên minh châu Âu

Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách “Bản sắc cộng đồng của liên minh Châu Âu những vấn đề lý luận và thực tiễn". Cuốn sách tập trung nghiên cứu bản sắc châu Âu trong tiến trình hình thành và phát triển của EU.

Ông Macron: Pháp là đồng minh, không phải 'chư hầu’ của Mỹ

Ông Macron hôm 12/4 nói Pháp là đồng minh với Mỹ không đồng nghĩa sẽ thành “chư hầu” của Washington trong vấn đề Đài Loan. Ông đồng thời ủng hộ duy trì nguyên trạng hòn đảo.

Ông Macron: Châu Âu không nên đi theo Mỹ, Trung về vấn đề Đài Loan

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi châu Âu nâng cao quyền tự chủ chiến lược và khẳng định khu vực này không nên bị cuốn vào "những cuộc khủng hoảng không phải của mình".

Hải Linh

Bạn có thể quan tâm