Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Rồi mình sẽ bước qua những ngày mai

Nỗi buồn cũng chẳng thể ở lại hoài nếu mình chọn cách bước qua. Nếu mình chọn lấy niềm vui, thì ngày mưa hay nắng lòng cũng có thể thảnh thơi.

Hồi chia tay người cũ, mình có thói quen ghé La-saint mỗi chiều buồn. Mà thật ra chiều nào cũng buồn, nhất là khoảng thời gian vừa mới chia tay. Ngó đâu cũng thấy hình bóng cũ. Mình nghĩ, đó là những ngày dài đầy sự kìm nén u uẩn.

Năm đó mình hơn hai mươi một chút, còn non trẻ và ngây ngô. Năm đó, với mình, người cũ là cả một trời thương nhớ. Khi những niềm thương vỡ tan như bóng nước ngày mưa, mình nuốt nước mắt vào tim.

Mãi sau này mình mới hay, thì ra người ta có trăm điều để thương, có vạn thứ để nhớ, chỉ là bồng bột chọn một người chẳng đáng để mình phải phí hoài quãng đời thanh xuân tươi trẻ mà thôi.

La-saint nằm trong một khu đầy cỏ lau, sát mé sông Thanh Đa, vốn là một ngôi nhà kiểu Pháp xưa cũ. Người chủ mua lại căn nhà của đôi vợ chồng người Pháp hồi hương sau thời gian sinh sống và làm việc tại Sài Gòn.

Đôi vợ chồng Pháp có gần hai mươi năm gắn bó với Sài Gòn nên thương miền đất này như thương một quê hương thứ hai.

Sai Gon con thuong thi ve anh 1

Bìa cuốn Sài Gòn còn thương thì về!

Trong nhà treo rất nhiều tranh phong cảnh Sài Gòn được người chồng vẽ vào những buổi chiều hôm từ vườn nhà nhìn ra bờ sông lộng gió. Những bức tranh luôn hút hồn mình mỗi khi đến đây.

Người chủ mới vốn là một anh chàng thiếu gia nhiều tâm trạng, trong một lần tìm quên xáo động Sài thành, chợt bàn chân rong ruổi ghé đến, thích thú với phong cảnh điền viên an tĩnh bèn hỏi mua căn nhà. Tất cả chỉ là duyên.

Vợ chồng chủ nhà nhìn anh chàng mang gương mặt trầm mặc xa xăm theo mấy nhánh lục bình miên di trong chiều ráng đỏ thì gật đầu cái rụp. Cuộc mua bán hoàn tất chỉ trong vòng một tuần lễ.

Họ, hai già và một trẻ, cùng sống chung thêm một tuần với nhau. Họ cùng nấu ăn, cùng vẽ, cùng nghe nhạc Pháp - những bài nhạc trữ tình đầy lãng mạn nhưng cũng lắm khắc khoải.

Đôi vợ chồng người Pháp rời đi, tặng lại người chủ mới bức tranh chàng trai với mớ tóc lòa xòa đang tắm mưa giữa khu vườn đầy cây xanh, cạnh một dòng sông; phía xa xa, thành phố đang nham nhở những công trình xây dựng.

Anh chàng mở quán cà phê tranh xinh xắn ngay trong ngôi nhà, với mái hiên đầy dây leo xanh rì, với dãy bàn ngồi sát mép sông nghe sóng vỗ bờ rì rào. Quán nằm ở ngoại ô thành phố, đường sá hồi đó chưa mở rộng, đầy ổ gà ổ voi, sình lầy mùa mưa.

Vậy mà, cứ chiều chiều lại thấy dăm ba người ngồi thả khói mơ màng cho đến tận đêm. Quán không có nhân viên phục vụ, không có người pha nước, chỉ mỗi anh chủ đảm đương mọi việc.

Quán cũng chẳng chèo kéo khách hay quảng bá rầm rộ mà ẩn duyên thầm vào trong cái không gian bàng bạc cũ kỹ. Quán hiển nhiên khẽ khàng lời nói. Quán chỉ có nhạc tình thủ thỉ. Có lần mình hỏi chủ quán: Làm để chơi à? Anh nhìn mình rồi nhả một vòng khói trắng vào mênh mang sóng nước.

Làm chỉ để có một chỗ cho người thất tình ghé ngang ngồi ngẫm đời. Mà ngẫm khi nào xong, nào ai biết được. Chỉ biết hầu như khách ghé đến chỉ toàn bàn cóc, ghế gỗ, một mình. Chẳng ai nói với ai câu gì dù quen mặt nhau sau nhiều buổi chiều lặng lẽ. Kẻ đọc sách. Người nghe nhạc. Kẻ nhả khói. Người nhắm mắt. Sự đời cứ thế trôi đi.

Người cũ dần dà rời đi. Anh chủ bảo vậy là họ đã ngẫm xong. Người mới tìm đến. Anh chủ đăm chiêu: Lại một kẻ chưa thông.

Những chiều hoang hoải buồn cứ thế trôi qua như đám lục bình. Có tuần mình ghé quán cả bảy buổi chiều hôm. Anh chủ quán hay hỏi, mai có đi làm sớm không?

Mình trả lời dĩ nhiên là có. Ảnh ờ nhẹ tênh, ai cũng có ngày mai heng! Mưa hắt những hạt nghiêng rơi phía sông. Sóng gợn lăn tăn. Bờ bên kia, một tòa nhà đã hình thành sừng sững tự bao giờ. Có lẽ là trong những ngày mình nhìn về phía ấy mà chỉ thấy hình bóng một người.

Ngày mai, ai trong đám khách ngồi thơ thẩn này cũng phải quăng mình vào cuộc đời. Ai cũng phải rời khỏi cái quán cà phê thất tình này để bươn bả với cơm áo gạo tiền và hằng hà sa số nỗi buồn cùng muôn vạn thứ vui.

Ai rồi cũng phải có ngày mai để bước qua. Chẳng ai có thể ngồi mãi nơi này chỉ để nhìn dòng sông trôi. Trăm dòng chảy cũng sẽ theo nhau về biển mẹ. Đám lục bình cũng sẽ xuôi phận mình mà tấp vào một dề nào đó để sinh sôi nảy nở, đâm bông tím ngắt. Những người cũ đã đi vào ngày mai.

Những người mới đến để tìm ngày mai. Quán cà phê vẫn cứ mở cửa để kẻ đến từ hôm qua đi tìm ngày mai của đời mình. Quán cà phê chỉ như một chốn để người ta lắng lòng giữa phố thị những ngày buồn tênh này thôi. Chứ đâu ai sống mãi đời mình với hôm qua hay hôm nay.

Mãi sau này, khi tôi đã nhẹ tênh mà rời khỏi quán, thì người Sài Gòn lại rộ lên địa điểm check-in sống ảo mang tên "Ngày Mai Đừng Ghé". Thiên hạ kháo nhau về quán cà phê bờ sông với nhiều bức vẽ Sài Gòn đẹp xưa cũ.

Dân chúng rỉ tai nhau chuyện anh chủ quán cà phê có ánh mắt não tình chẳng bao giờ hé miệng cười nhưng hễ bưng ly cà phê cho khách thì đều dặn cái câu quen thuộc: Ngày mai đừng ghé.

Ờ thì, ngày mai đừng ghé, gặm nhấm chi hoài mấy thứ u uẩn buồn thương mà trong đời mình, ít nhất phải dăm ba lần đối diện. Ngày mai, rồi mình cũng sẽ bước qua tất thảy những hỉ nộ ái ố trần tục này mà thôi. Giản đơn như thể trăm con sóng nước cũng xuôi ra dòng cái.

Nỗi buồn cũng chẳng thể ở lại hoài nếu mình chọn cách bước qua. Nếu mình chọn lấy niềm vui, thì ngày mưa hay nắng lòng cũng có thể thảnh thơi. Đâu cần đến quán cà phê này làm gì?

Hôm nay, một tài khoản mạng xã hội đăng tin anh chủ quán bán căn nhà, quán cà phê đã dẹp. Trăm ngàn lời tiếc nuối cái quán cà phê. Ờ thì anh chủ quán hẳn đã bước qua ngày mai rồi, sao thiên hạ còn ở lại mãi làm chi?

Tống Phước Bảo / Tym Books & Media / NXB Đà Nẵng

SÁCH HAY