Robot ruồi tí hon lần đầu cất cánh
Sở hữu kích thước của một con ruồi, hiện RoboBee đang được coi là robot nhỏ nhất có khả năng cất cánh.
Tuy tổng trọng lượng các thiết bị chỉ nặng 80 miligram, nhưng RoboBee có khả năng đập cánh tới 120 lần/giây, giúp nó nâng toàn bộ trọng lượng của con robot. Được phát triển sau hơn 10 năm, RoboBee là mô hình côn trùng bay hoàn hảo nhất từng được con người chế tạo.
Robot tí hon có khả năng bay lượn. |
Trong các thử nghiệm được tiến hành, RoboBee có khả năng mang một sợi dây khi cất cánh. Khả năng bay của robot này cũng đáng nể khi nó có thể đổi hướng linh hoạt trong quá trình bay. Đặc biệt, kích thước nhỏ bé là lợi thế hoàn hảo của RoboBee trong những nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, giám sát, do thám hay thụ phấn cho cây trồng.
Trên thực tế, chú robot RoboBee nhỏ bé này có một bộ não và pin siêu nhẹ, giúp nó dễ dàng bay lượn trong không khí. Đôi cánh mỏng dính của RoboBee được gắn vào cơ thể cấu thành từ sợi carbon siêu nhẹ, giúp thuận lợi hơn khi bay. Các cánh có thể di chuyển độc lập, giúp khả năng chao lượn trong không khí của RoboBee trở nên linh hoạt tuyệt đối.
Tính tới thời điểm hiện tại, các chuyên gia tại Trường Kỹ thuật và Khoa học ứng dụng của Đại học Harvard đã chế tạo được 20 mẫu RoboBee. Trên thực tế, ruồi là loài bay lượn linh hoạt hàng đầu trong thế giới côn trùng, nên những lợi thế đó đã được các chuyên gia tận dụng để chế tạo RoboBee, giúp nó vượt trội hơn hẳn so với những robot cùng loại.
RoboBee có khả năng cất cánh cùng một sợi dây điện. |
Hiện tại, các chuyên gia đang nỗ lực trang bị cho RoboBee những thiết bị cần thiết, giúp nó trở nên linh hoạt hơn trong quá trình bay lượn cũng như giúp chúng trở nên hữu ích hơn. Nếu thành công, RoboBee hứa hẹn sẽ tạo ra cuộc cách mạng chế tạo robot biết bay siêu nhỏ, giúp giải quyết những vấn đề luôn được coi là nan giải.
Hồng Duy
Theo Infonet