Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Cornell (New York, Mỹ) đã chế tạo một con cá robot có thể hoạt động nhờ vào hệ thống tuần hoàn chạy bằng "máu". Dĩ nhiên, đây không phải là máu thật, thay vào đó, robot này được trang bị một viên pin ở dạng lỏng di chuyển qua hệ thống tuần hoàn của nó, giống như máu của động vật.
Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Nature. Nhóm nghiên cứu cũng xem xét một số cách để robot có thể tiết kiệm năng lượng với những yếu tố ảnh hưởng như kích thước, trọng lượng và thiết kế.
Hình dáng của chú cá robot chạy bằng pin "máu". Ảnh: Popularmechanics. |
Đứng đầu nhóm nghiên cứu này là Robert Shepherd, Phó giáo sư tại Trường Kỹ thuật Cơ khí và Hàng không Vũ trụ Cornell. Các nhà nghiên cứu đã dùng viên pin dạng lỏng thay cho chất lỏng thủy lực để robot có thể di chuyển. Pin chất lỏng cung cấp năng lượng cho máy bơm làm vây cá di chuyển, giúp robot bơi được trong nước. Kích thước của robot cá này đạt 1,5 feet (khoảng 45 cm).
Robot cá này còn được trang bị bộ truyền thủy lực, có thể bơi khoảng 36 giờ liên tục cho một lần sạc. Chất lỏng bên trong robot chiếm ít không gian và nhẹ hơn so với pin truyền thống.
“Tôi đã nghĩ về robot cá khi tham dự một hội thảo máy bay. Tuy còn rất thô sơ nhưng hệ thống này khá giống hệ thống tuần hoàn của động vật", ông Shepherd nói.
Các nhà khoa học cho biết robot cá hoạt động với nguồn năng lượng “máu” cho phép kéo dài thời gian sử dụng hơn. Đây được xem là nền tảng cho những bước tiến khoa học trong tương lai như thám hiểm biển hay nghiên cứu về biến đổi khí hậu.