Gã khổng lồ bảo hiểm MetLife là một ví dụ điển hình cho quá trình áp dụng trí thông minh nhân tạo (AI) vào công việc. Nhưng thay vì làm hết mọi thứ, AI lại trở thành công cụ giám sát nhân viên.
Conor Sprouls cũng như bao người khác phải liên tục nhìn vào màn hình mỗi lần gọi điện cho khách hàng. Anh sẽ được chỉ dẫn từng “đường đi nước bước”.
Conor Sprouls làm việc tại tập đoàn bảo hiểm MetLife. |
Chương trình có thể đo tốc độ, biểu cảm giọng nói hay thái độ phục vụ khách hàng của Conor Sprouls, từ đó đưa ra những biểu tượng cảnh báo tương xứng.
Nhiều năm qua, chúng ta chỉ lo một ngày robot sẽ thay thế con người trong các nhà máy, xí nghiệp. Nhưng đáng sợ hơn, AI có thể làm “sếp” giám sát nhân viên, đưa ra bảng đánh giá và cả quyết định nghỉ việc. Đó sẽ là ông chủ mới trong thời đại công nghệ.
Conor Sprouls và những nhân viên khác vẫn làm việc với những ông sếp “bằng xương bằng thịt”. Nhưng họ còn bị giám sát bởi máy móc. Sản phẩm do Cogito, công ty AI tại Boston tạo ra. Sau mỗi cuộc gọi, hệ thống sẽ thêm các thông báo nhắc nhở vào bảng giám sát công việc của cấp trên.
Joshua Feast, Giám đốc điều hành Cogito cho biết mục đích của hoạt động này là giúp nhân viên đạt hiệu quả công việc cao hơn nhờ những góp ý theo thời gian thực. Công ty hiện có 20.000 khách hàng thuộc mọi lĩnh vực, từ bảo hiểm, tài chính cho tới bán lẻ.
“Hiệu suất công việc của mọi người luôn thiếu ổn định. Chúng ta có thể đưa ra góp ý dựa vào đánh giá về cách nhân viên giao tiếp với khách hàng”, Feast chia sẻ.
Mục đích của quá trình tự động hóa là tối ưu mọi khía cạnh công việc. Giờ đây, AI lại xem con người như đối tượng cần được tối ưu.
Ứng dụng của Cogito sẽ giám sát mọi cử chỉ của nhân viên. |
Ngày càng nhiều những ông “sếp” AI
Gần đây, The Verge phát hiện Amazon sử dụng các thuật toán để theo dõi năng suất công nhân. Chúng còn tự động ra quyết định sa thải bất kỳ ai có điểm số thấp. Công ty lên tiếng trấn an dư luận khi khẳng định vấn đề nhân sự không chỉ dựa hoàn toàn máy móc mà còn do yếu tố con người tham gia vào.
Tương tự, IBM sử dụng nền tảng có tên Watson để đánh giá nhân viên, từ đó dự đoán hiệu suất trong tương lai. Họ tuyên bố, AI có tỷ lệ chính xác lên đến 96%.
Quản lý bằng thuật toán không phải khái niệm mới mẻ. Đầu thế kỷ XX, kỹ sư cơ khí người Mỹ Frederick Winslow Taylor đã tạo ra cuộc cách mạng nâng cao năng suất lao động trên toàn thế giới. Ông giúp các nhà máy tối ưu hóa mọi thứ bằng cách định lượng từng khía cạnh công việc. Frederick được gọi là cha đẻ của lý thuyết “quản lý khoa học”.
Aaron Osei, một nhân viên khác tại trung tâm chăm sóc khách hàng của MetLife. |
Gần đây, Uber, Lyft và những nền tảng khác đã kiếm hàng tỷ USD nhờ sử dụng máy tính thay thế con người trong các công việc như lập kế hoạch, tính lương hay đánh giá hiệu suất.
Tranh cãi về AI trong giám sát công việc
Tuy nhiên, việc dùng AI để giám sát công nhân đang gây tranh cãi. Những người chỉ trích cho rằng hệ thống tự động thiếu sự cảm thông nên không thấu hiểu tâm tư tình cảm của nhân viên dẫn đến những quyết định đường đột.
“Thật phi lý khi công ty có thể sa thải nhân viên mà không dựa trên yếu tố con người”, Marc Perrone, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Quốc tế ngành thực phẩm và thương mại thốt lên.
Trong nền kinh tế tự do, việc quản lý nhân sự bằng thuật toán có thể nảy sinh xung đột mới. Đó là giữa người lao động và nền tảng kết nối họ với khách hàng. Mới đây, nhân viên các dịch vụ giao hàng như Postmates và DoorDash đã đứng lên phản đối phương pháp tính lương thiếu minh bạch của hệ thống.
Nhân viên tại trung tâm chăm sóc khách hàng của MetLife dù không biểu tình phản đối “sếp” AI nhưng cũng có những ý kiến trái chiều. Trả lời New York Times, một số nhân viên cho biết phần mềm Cogito giống như hình thức tra tấn mới. Họ mong công ty dừng ngay hoạt động “giám sát” này.
MetLife đang sử dụng AI để giám sát 1.500 nhân viên ở bộ phận chăm sóc khách hàng. |
Phía Cogito luôn khẳng định AI chỉ đang cố giúp nhân viên kiểm soát tâm trạng tốt hơn. MetLife thì cho biết phần mềm đã tăng mức độ hài lòng của khách hàng lên 13%. Họ hiện có 1.500 nhân viên tại trung tâm chăm sóc khách hàng.
Nhóm bảo vệ AI đưa ra những lý lẽ hoàn toàn khác. Họ cho rằng hệ thống máy tính sẽ loại bỏ tình trạng hống hách của cấp trên, đồng thời hỗ trợ tốt hơn cho nhân viên. Phần mềm biết nhắc nhở những chi tiết nhỏ nhặt như cảm ơn khách hàng, cải thiện giọng nói hay tránh tâm lý chán nản.
Một ý kiến nữa cho rằng AI sẽ không thiên vị khi đưa ra quyết định, như vấn đề tuyển dụng chẳng hạn. Pymetrics, công ty khởi nghiệp tại New York đã thử nghiệm bằng cách thay thế quy trình sàng lọc hồ sơ bằng AI. Chương trình sử dụng loạt tiêu chí cụ thể nhằm kiểm tra các kỹ năng ứng viên và đưa ra kết quả tuyển dụng công bằng nhất.
Sử dụng trí thông minh nhân tạo để sửa chữa những khiếm khuyết của con người là ý tưởng tuyệt vời. Nhưng lãnh đạo công ty có thể trở nên độc đoán hơn trong việc giám sát nhân viên. Liệu thế giới có đang đối mặt với sự trỗi dậy của robot?