Thế giới trong mắt trẻ thơ
Rico là một cậu bé thiểu năng, và luôn gặp nhiều vấn đề khó khăn trong đời sống hàng ngày. Dưới sự khích lệ của thầy giáo Meyer, Rico viết nhật ký. Việc viết nhật ký là cách để giúp cậu vượt qua được những khó khăn trong việc sử dụng từ ngữ, câu cú và cũng là cách giúp cậu ghi nhớ những sự kiện xảy ra trong mùa hè của mình, khi mà trí nhớ của cậu cực kỳ hạn chế.
Ngược lại, Oskar là một cậu bé thần đồng nhưng lại quá thận trọng, luôn lo sợ, âu sầu. Hai người bạn, mỗi người có một hoàn cảnh đặc biệt, họ tình cờ gặp nhau và trải qua những cuộc phiêu lưu thật bất ngờ...
Oskar đã từng bảo vệ bản thân tránh khỏi những bất ổn của thế giới hiểm nguy bằng cách chụp chiếc mũ bảo hiểm lên đầu, hay mang cặp kính râm với mắt kính màu đen. Nhưng bằng cách nào cậu cũng không thể tránh những câu hỏi như một gánh nặng đè lên tâm hồn.
Cậu chấp nhận việc mẹ bỏ đi và không bao giờ quay trở về nữa. Nhưng bố cậu, người đã giành quyền nuôi con, lại đối xử với cậu tệ hại đến như vậy? Đôi khi, người ta không nên cố gắng kiếm tìm sự may mắn và cũng không nên nhìn nó bởi “đó chỉ là một ảo giác thôi”.
Tình bạn của Oskar và Rico là duyên cớ để tác giả bắt đầu vẽ nên một bức tranh đầy màu sắc về xã hội thông qua con mắt của trẻ thơ.
Ba tập của bộ truyện về Rico và Oskar của tác giả Andreas Steinhoefel. |
Những điều tưởng chừng như vô vị, nhạt nhẽo và vớ vẩn lại trở thành những kỷ niệm đẹp đẽ thi vị đối với những đứa trẻ. Tâm trí của những ngây thơ, tưởng tượng và tự do. Tâm trí chưa bị những tên gọi đóng khung giống như những người lớn.
Bởi thế, chúng biến những ngày hè của mình thành những cuộc phiêu lưu tuyệt đẹp, vừa bắt được tên bắt cóc nguy hiểm Mister 2000 (Rico, OsKar và những bóng đen bí ẩn), vừa cứu mẹ khỏi mối nguy hiểm, lo lắng (Rico, Oskar và cơn đau vỡ tim); lại giải cứu thành công những viên đá của bác Fitzke (Rico, Oskar và hòn đá bị đánh cắp).
Những câu chuyện về Rico và Oskar không phải là những cuốn sách vui tươi, trong sáng, nó ẩn chứa đầy những nỗi buồn bã, đầy những bất ổn, những tổn thương, đau đớn, nhưng nó đem lại cho độc giả cảm giác hạnh phúc vừa ngậm ngùi vừa như vỡ òa, bởi những đứa trẻ can đảm.
Ta sẽ thấy một cậu bạn Rico dù luôn gặp vấn đề với những con số và nỗi sợ hãi về xác định phương hướng, rất sợ những ngã rẽ trái, rẽ phải, rất sợ đi xa một mình, nhưng rồi đã can đảm một mình đi quanh thành phố tìm manh mối để cứu Oskar (Rico, Oskar và những bóng đen bí ẩn), can đảm đối diện với “kẻ xấu”, để quyết giữ cho được hòn đá của bác Fitzke (Rico, Oskar và Hòn đã bị đánh cắp)...
Những người bình thường, nhìn vào Rico sẽ coi cậu bé thật khờ khạo, thật chậm chạp, với đầy những khiếm khuyết và Rico lại luôn tự ý thức được những điều đó. Cậu biết cậu là một đứa trẻ “khuyết tật”, cậu biết cậu thiểu năng, và cậu không lẩn tránh nó, cậu sống ở trong nó, chia sẻ với nó hàng ngày.
Rico là một cậu bé can đảm, và một tâm hồn giàu có.
Oskar và Rico đã cùng nhau trải qua những ngày tháng tuổi thơ đầy vui nhộn. Chúng không nghĩ ngợi và toan tính nhiều, chúng chỉ chuyên tâm vào một mục tiêu, và tha hồ dùng trí tưởng tượng để dấn thân theo đuổi mục tiêu ấy, bởi thế dường như mọi thứ dễ dàng hơn, chúng để mình tự nhiên dấn thân vào những cuộc phiêu lưu mạo hiểm, chỉ vì chúng có sự can đảm vô tư của trẻ thơ.
Hãy mở lòng với những điều khác biệt
Trong tác phẩm Cái trống thiếc, cậu bé Oskar Matzerath đã khước từ sự lớn lên khi nhìn thấy thế giới xấu xí của người lớn. Cậu mãi mãi giữ chặt những suy tư của mình trong hình dáng của một đứa trẻ 3 tuổi. Cậu trở thành một đứa trẻ khác biệt, và mọi người chê cười cậu, khiến cậu càng lúc càng trở nên cô độc và xa lánh thế giới.
Ở một khía cạnh nào đó, câu chuyện của Oskar là cách tác giả Günter Grass tạo nên sự dị biệt để tố cáo sự vô tình cô độc của loài người. Sự khác biệt luôn là điều khiến loài người khó chấp nhận.
Nhà văn Andreas Steinhoefel với những tập truyện về Rico và Oskar cũng hướng đến những đứa trẻ khác biệt, thậm chí khuyết tật, với đầy những xấu xí của xã hội, và thương tổn của tâm hồn, nhưng ông không viết để phơi bày, ông viết để tìm kiếm điều kỳ diệu, để khơi mở tấm lòng ấm áp.
Một tác phẩm nhưng chứa đựng rất nhiều sự tổn thương. Mỗi nhân vật dù là người lớn hay trẻ nhỏ xuất hiện trong truyện đều mang những tổn thương trong lòng. Rico luôn có nỗi ám ảnh về cái chết của bố, Oskar tuyệt vọng vì sự ra đi của mẹ, vì sự “không quan tâm” của bố Lars, bác Dahling, bác Fitzke sống trong cảnh cô đơn, mẹ Rico với nỗi khổ tâm khi phải nuôi con một mình....
Tất cả giấu kín những tổn thương ấy, và rồi, qua tập sách, trong suốt những cuộc phiêu lưu tuổi thơ của mình, họ đã dần cởi bỏ được những nỗi lòng giấu kín, để đến gần với nhau, thấu hiểu và chia sẻ với nhau.
Như hoàng tử bé, nhìn mọi điều từ tình cầu bé nhỏ của mình bằng ảnh mắt ấy mà thấy được những vết xước giấu kín (của những người lớn), để nhận ra rằng, sâu thẳm mỗi người (dù kỳ quặc, dù đáng ghét thế nào), cũng là cả một thế giới mênh mang, và ăm ắp những câu chuyện thú vị.
Tác giả Andreas Steinhofel đã chinh phục bạn đọc khắp thế giới với câu chuyện vè Rico và Oskar. |
Trong tác phẩm của Andreas Steinhofel, ta thấy những đứa trẻ lại trở thành chỗ dựa, là những người giải quyết vấn đề và khiến câu chuyện tích cực hơn, tươi vui hơn.
Rico là một cậu bé khác biệt, Oskar, hay Sven cũng là những đứa trẻ khác biệt, nhưng câu chuyện của chúng đã khiến người đọc rung động. Để ta hiểu rằng, khi mở lòng với ai đó, hiểu được ai đó, thì cuộc sống trở nên đẹp đẽ vô cùng. Rico, Oskar và Sven, đã làm được điều đó.
Cuốn sách mà Andreas Steinhoefel viết tựa như một con búp bê Nga, khi tách lớp này ra, bên trong sẽ lại là một lớp khác, và cứ tách dần, tách dần, ta sẽ thấy được những tầng lớp sâu kín đầy nhân văn của tác phẩm. Người ta có thể mất hết, nhưng tình yêu thương luôn là điều cần, đầu tiên, cuối cùng và luôn luôn.
Được viết dưới dạng nhật ký của Rico, nên cách kể chuyện của Andreas Steinhoefel vừa có chút ngây thơ, ngốc nghếch, lại cũng không kém phần hài hước, duyên dáng. Đặc biệt, lối viết của Andreas Steinhoefel thể hiện một thái độ thật khiêm nhường, thật ân cần đối với Rico, một đứa trẻ “khuyết tật”.
Ông lưu tâm đến những suy nghĩ thầm kín của nhân vật, nhẹ nhàng bóc tách, để rồi xoa dịu tất cả những tổn thương, lo âu bằng sự ấm áp của tình thương yêu. Hơn nữa, Andreas Steinhoefel cũng đã tạo cho cuốn sách của mình một không khí phiêu lưu rất sảng khoái, khơi gợi những vùng tưởng tượng rộng lớn, để trẻ thơ được vẫy vùng trong tinh cầu bí ẩn của riêng chúng.
Andreas Steinhoefel (1962) là tác giả người Đức chuyên viết cho trẻ em và tuổi mới lớn. Sách có tranh minh họa của họa sĩ Peter Schoessow (1953), là một trong những họa sĩ vẽ minh họa nổi tiếng nhất nước Đức. Ngoài sáng tác, Andreas Steinhoefel còn dịch sách, phê bình văn học và là tác giả của nhiều kịch bản phim nổi tiếng.