Các binh sĩ Mỹ bên hệ thống tên lửa phóng loạt cơ động cao (HIMARS) trong cuộc tập trận hồi cuối tháng 9. Ảnh: AP. |
Theo một số nguồn tin, gói viện trợ này dự kiến được công bố sớm nhất vào ngày 4/10. Đây là gói viện trợ đầu tiên kể từ khi Nga tuyên bố sáp nhập bốn vùng của Ukraine và là lần thứ hai có sử dụng Quyền Rút vốn của Tổng thống Mỹ (Presidential Drawdown Authority - PDA) kể từ giữa tháng 9, theo Reuters.
Bằng việc sử dụng Quyền Rút vốn của Tổng thống, bốn bệ phóng HIMARS và các tên lửa đi kèm, khoảng 200 xe trinh sát quân sự chống mìn (MRAP), đạn dược và mìn có thể được gửi tới Ukraine trong những ngày tới.
Quyền Rút vốn của Tổng thống cho phép Mỹ chuyển các hàng viện trợ và dịch vụ từ kho dự trữ một cách nhanh chóng mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ trong trường hợp khẩn cấp.
Đây là gói viện trợ đầu tiên trong năm tài khóa 2023 của chính phủ Mỹ, cho phép Tổng thống Joe Biden rút ra 3,7 tỷ USD viện trợ vũ khí để chuyển đến Ukraine cho đến giữa tháng 12.
Hệ thống HIMARS được triển khai tại một địa điểm ở Ukraine. Ảnh: Reuters. |
Tuần trước, Mỹ đã công bố gói vũ khí trị giá 1,1 tỷ USD cho Ukraine, bao gồm 18 bệ phóng hệ thống tên lửa phóng loạt cơ động cao (HIMARS), đạn dược đi kèm, nhiều loại máy bay không người lái và hệ thống radar.
Tuy nhiên, gói viện trợ tuần trước được Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI) tài trợ. Điều này có nghĩa là chính phủ Mỹ phải mua vũ khí từ các doanh nghiệp, thay vì lấy vũ khí từ kho dự trữ hiện có của Mỹ.
Nhà Trắng từ chối bình luận về gói viện trợ mới này.
Cho đến nay, Mỹ đã cam kết cung cấp 16 bệ phóng HIMARS cho Ukraine bằng cách sử dụng PDA.