Rau ngoại giá siêu đắt hút khách
Đắt gấp vài chục lần hàng nội, thực phẩm nhập khẩu Mỹ, Úc, Thái như hoa cúc tươi để xào giá, bắp cải non, chanh Ý, cải lông... vẫn thu hút người mua.
Trước đây, để thưởng thức những món lạ như: cá hồi, cá trứng Nhật Bản, thịt kangaroo, thịt bò Mỹ, thịt heo Canada... phải đến những nhà hàng, quán ăn đặc sản. Song hiện nay, người tiêu dùng có thể thoải mái lựa chọn, không chỉ có thực phẩm tươi sống mà cả các loại thực phẩm khác như: gạo, trái cây, thực phẩm công nghệ… thông qua hệ thống các siêu thị, chợ.
Nhiều mặt hàng nhập ngoại có giá rất đắt nhưng vẫn khá hút khách. |
Tại các các siêu thị như Metro, Lotte, Co.op Mart, Maximark… các mặt hàng thực phẩm ngoại chiếm diện tích trưng bày khá lớn và không ngừng gia tăng chủng loại. Chẳng hạn, thịt thì có bò Mỹ, bò Úc, heo Canada, gà Braxin, cừu Úc...
Rau, củ, quả tươi thì có hàng nhập từ Ý như: Hoa cúc tươi dùng để xào giá khoảng 520.000 đồng/kg, bắp cải non giá 360.000 đồng/kg, chanh Ý giá 100.000 đồng/kg, rau cải lông (wild rocket) giá 170.000 đồng/kg. Ngoài ra, củ sâm tươi, nấm... từ Hàn Quốc dùng để nấu canh, khoai tây Hà Lan… cũng có giá bán cao gấp hàng chục lần so với rau củ nội.
Gạo được ưa chuộng có gạo Thái Hommali Nasian, giá 212.000 đồng/túi 5kg, hay Pathum Naisan 185.000 đồng/túi 5kg, hay gạo Nhật, Hàn có giá khoảng 22.000-25.000đồng/kg…
Bên cạnh đó, nấu món ăn quan trọng nhất là nêm gia vị. Đây là mặt hàng có nhiều xuất xứ với cả chục thương hiệu từ Tây đến Tàu. Chỉ một món sốt dành cho món salad nhưng có đến hàng trăm loại: sốt phô mai, sốt tỏi ớt, sốt dầu dấm, sốt dưa leo, sốt nấm dầu ô liu… với giá từ 58.000-120.000 đồng/chai. Hay sốt húng quế, mùi tây, húng tây có giá từ 45.000 đồng lọ nhỏ và 420.000 đồng/lọ lớn. Ngoài ra, mứt quả dùng để ăn kèm bánh mì, kem... với nhiều loại quả đặc biệt, giá từ 45.000-80.000 đồng/hộp.
Nhiều loại gia vị ngoại nhập được bày bán tại các siêu thị. |
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc hệ thống Maximark ước tính, sức tiêu thụ các mặt hàng lương thực, thực phẩm ngoại nhập tăng khá nhanh, khoảng 30-40% mỗi năm, chiếm khoảng 20% trong tổng số tại đây. Tương tự, bà Trương Thị Tố Loan, Giám đốc thu mua ngành hàng thực phẩm khô hệ thống siêu thị BigC cũng xác nhận như vậy.
Ông Bùi Minh Huệ, Giám đốc Công ty Sao Việt, một nhà phân phối thực phẩm ngoại tại TP.HCM, nhận xét: “Mặc dù kinh tế khó khăn,nhưng các nhà nhập khẩu, cung cấp lớn vẫn có thể cầm cự, giữ được thị trường bởi trường vốn và hàng tung ra bán vẫn được tuy không mạnh như 2 năm trước”.
Nấm Enoki Hàn Quốc. |
Chị Nguyễn Khánh Hà, chủ một nhà hàng khá lớn ở đường Nguyễn Thị Diệu (quận 3), cho biết: “Ngoài các mặt hàng rau củ quả, thủy hải sản tươi sống, nước mắm, nước tương sử dụng hàng trong nước, thì những loại như thịt bò, cừu, bơ, nước sốt và nhiều thứ gia vị khác phải sử dụng hàng ngoại, do có những loại mà hàng nội chưa đáp ứng được yêu cầu trong chế biến một số món ăn. Điển hình như thịt bò Argentina, giá cao gấp đôi so với thịt bò trong nước, nhưng vẫn phải mua vì tảng thịt to hơn, ngon hơn… hay gạo Thái luôn cho cơm ngon hơn.
Ngoài nhà hàng, khách sạn, không ít bà nội trợ đã “bén duyên” với nhiều lọai thực phẩm ngoại. Bà Vũ Thị Tuy, ngụ đường Tên Lửa (quận Bình Tân) nhận xét, các loại cánh, đùi gà ngoại nhập thường ít mỡ, nhỏ, dễ sử dụng, giá lại rẻ hơn so với thịt gà trong nước. Còn thịt bò ngoại thì khỏi chê, vừa mềm lại có mùi thơm đặc trưng.
Các loại hoa quả nhập khẩu thay thể cho hàng Trung Quốc. |
Tuy nhiên, không phải ai cũng tin vào thực phẩm ngoại. Riêng các loại thực phẩm tươi sống, nguồn xuất xứ từ đâu chỉ có nhà nhập khẩu mới biết.
Theo Infonet