Sau vụ người biểu tình xông vào tòa nhà Quốc hội Mỹ hôm 6/1, một số nghị sĩ kêu gọi phế truất Tổng thống Donald Trump trước khi tổng thống đắc cử Joe Biden tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1. Đi đầu trong nỗ lực này là Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi.
Bà Pelosi thậm chí cảnh báo nếu nội các không hành động thì Hạ viện sẽ tiến hành luận tội ông Trump lần thứ hai. Nhiều nghị sĩ tại Ủy ban Tư pháp Hạ viện được cho là đang soạn thảo nghị quyết đặc biệt để đẩy nhanh tiến trình luận tội tổng thống.
Ý tưởng kích hoạt Tu chính án thứ 25 được nhiều bên hưởng ứng, vì đó là cách nhanh nhất để tước quyền lực tổng thống của ông Trump.
Giáo sư sử học Allan Lichtman (American University) nói rằng ngay cả những nhóm Cộng hòa bảo thủ nhất, như Hiệp hội các nhà sản xuất Mỹ (NAM), cũng ủng hộ ý kiến này.
Tuy nhiên, giáo sư Frank Bowman, chuyên gia tại Đại học Missouri về quy trình phế truất tổng thống và quan chức liên bang, nói với Zing rằng cả hai con đường trên đều sẽ không thành công.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi quyết liệt trong việc đòi nội các "đảo chính" hoặc sẽ tiến hành luận tội ông Trump. Ảnh: Reuters. |
"Ông Trump sẽ vẫn là tổng thống cho tới hết nhiệm kỳ"
Để kích hoạt Tu chính án thứ 25, ông Pence và đa số thành viên nội các cần phải tuyên bố rằng ông Trump không thể thực hiện các nhiệm vụ của tổng thống, và phế truất ông. Ông Pence sẽ tiếp quản Nhà Trắng trong kịch bản đó.
Giáo sư Frank Bowman. Ảnh: law.missouri.edu |
Theo giáo sư Bowman, cơ sở duy nhất của nội các để sử dụng Tu chính án thứ 25 là họ phải lập luận ông Trump không ổn định tinh thần để đảm đương chức trách trong hai tuần còn lại của nhiệm kỳ.
"Tôi nghĩ rằng rất, rất khó có khả năng phó tổng thống và nội các sẽ sử dụng Tu chính án thứ 25. Trên thực tế, nhiều nguồn tin cho biết ông Pence đã tỏ ý sẽ không theo đuổi biện pháp này", ông Bowman nói.
Giờ đây, Phó tổng thống Pence có thể không còn trong vòng tròn thân tín nhất của ông Trump, nhưng hành động phản bội sâu sắc khó có thể diễn ra, theo Bloomberg.
Theo CNN, một nhân vật khác có thể vận động nội các sử dụng Tu chính án thứ 25 chính là Bộ trưởng Giao thông Elaine Chao, cũng là vợ của Lãnh đạo phe Cộng hòa ở Thượng viện Mitch McConnell.
Tuy nhiên, việc bà thông báo từ chức (có hiệu lực từ 11/1) cho thấy khó có khả năng nội các sẽ "đảo chính".
Nếu nội các không hành động, Phó chủ tịch Hạ viện Katherine Clark cho biết tiến trình luận tội có thể diễn ra vào khoảng giữa tuần tới, một tuần trước khi lễ nhậm chức của tân tổng thống bắt đầu.
Báo chí Mỹ nhận định việc luận tội lần này, nếu diễn ra, sẽ rất khác với hồi năm 2019, bởi nó sẽ diễn ra rất nhanh. Sẽ không có cuộc điều tra hay những phiên điều trần kéo dài hàng tuần liền.
Thay vào đó, một số nghị sĩ sẽ đưa nghị quyết ra toàn thể Hạ viện. Lãnh đạo phe đa số Steny Hoyer sẽ triệu tập các nghị sĩ để họp kín và biểu quyết. Và tiến trình luận tội có thể diễn ra chỉ trong vài ngày.
Tại Hạ viện, chỉ cần thế đa số đồng ý là việc luận tội tổng thống thông qua, khiến ông Trump có thể trở thành tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ bị luận tội tới 2 lần.
Sau đó, quy trình xét xử và kết án chính thức sẽ diễn ra ở Thượng viện. Tuy nhiên, cơ quan này đang trong kỳ nghỉ cho đến ngày 19/1.
Ben Sasse, Thượng nghị sĩ từ bang Nebraska, là thành viên phe Cộng hòa đầu tiên tuyên bố sẽ "xem xét" nghị quyết của Hạ viện đòi phế truất ông Trump.
Một người biểu tình ở Washington kêu gọi phế truất ông Trump sau vụ bạo loạn ở trụ sở quốc hội. Ảnh: Reuters. |
Dù vậy, Lãnh đạo phe đa số đảng Cộng hòa ở Thượng viện, ông Mitch McConnell, được cho là không khuyến khích nội chiến trong đảng, đặc biệt khi nhiệm kỳ của ông Trump chỉ còn hơn mười ngày.
Một số thượng nghị sĩ Cộng hòa khác, những người đang nuôi tham vọng tranh cử tổng thống vào năm 2024, chắc chắn sẽ phản đối việc kết tội ông Trump.
Điều đó có nghĩa ông Trump sẽ khó bị phế truất ở những ngày cuối của nhiệm kỳ. "Rất khó xảy ra việc Thượng viện quy tụ đủ 2/3 số phiếu đồng thuận cần thiết để kết tội, qua đó phế truất ông Trump", giáo sư Bowman nhấn mạnh với Zing.
"Nói ngắn gọn, hầu như chắc chắn là ông Trump vẫn là tổng thống Mỹ cho đến ngày 20/1", giáo sư Bowman nhận định.
Hướng về nhiệm kỳ Biden
Theo giáo sư Bowman, động cơ của những nghị sĩ Cộng hòa là khác nhau khi ủng hộ nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử của ông Trump. Tuy nhiên, "điểm chung nhất là họ lo ngại chọc giận một bộ phận đông đảo cử tri Cộng hòa vẫn tiếp tục ủng hộ ông Trump, cũng như những người tin (một cách sai lầm) rằng cuộc bầu cử có vấn đề".
Sau vụ bạo loạn ở quốc hội, khi các nghị sĩ quay trở về Điện Capitol để tiếp tục phiên họp chung, giáo sư Bowman chỉ ra rằng "một số thành viên Cộng hòa đã rút lại ý định chống đối kết quả bỏ phiếu của đại cử tri đoàn".
Một số hạ nghị sĩ Cộng hòa được cho là đã rút lại ý định phản đối kết quả bầu cử, sau vụ tòa nhà quốc hội bị chiếm đóng. Ảnh: Reuters. |
"Một số hạ nghị sĩ Cộng hòa vẫn cố gắng vớt vát theo đuổi sự phản đối vô căn cứ. Điều đáng mừng là con số này ít ỏi ở cả hai viện để có thể thay đổi được điều gì", ông Bowman cho biết.
"Và ông Biden sẽ vẫn trở thành tổng thống kế tiếp trong 11 ngày nữa", vị giáo sư khẳng định với Zing.
Nhiều ý kiến bi quan gọi ngày 6/1 vừa qua là một trong những chương u ám trong lịch sử Mỹ. Tuy nhiên, một số học giả cho rằng vẫn có điểm tích cực hiếm hoi từ sự kiện này, khi nó giúp các phe phái chính trị trở nên đoàn kết hơn.
"Vụ bạo loạn phơi bày một cách rõ ràng nhất những nguy hiểm của việc thúc đẩy tuyên truyền làm tổn hại nền dân chủ. Tôi hy vọng nhiều đảng viên Cộng hòa và phe độc lập sẽ suy ngẫm lại việc sẵn sàng tham gia lan tỏa những thông tin sai trái để tăng cường ảnh hưởng chính trị", giáo sư Bowman nói với Zing.
Đối với chính quyền Biden sắp tới, sự hỗn loạn mà nhiệm kỳ Trump để lại vừa là một thách thức, vừa là một cơ hội.
Theo giáo sư Bowman, ông Biden "ở một cực tương phản hoàn toàn với ông Trump".
"Ông Biden điềm tĩnh, đàng hoàng, trung thực và là một người ái quốc chân chính. Tôi nghĩ nhiều người sẽ rất hưởng ứng sự thay đổi (tổng thống) lần này. Hãy chờ xem!", giáo sư Bowman nói.