Phân tích
Sau khi nhiều hũ tro cốt gửi tại chùa Kỳ Quang 2 (quận Gò Vấp, TP.HCM) bị mất bảng tên, chất đống trong kho, đại diện nhà chùa cho biết sẽ khắc phục hậu quả, bao gồm việc tạo điều kiện giám định ADN để xác định danh tính các hũ tro.
Tuy nhiên, chuyên gia khẳng định việc này gần như không thể thực hiện vì cấu trúc ADN của xương bị phá hủy dưới nhiệt độ cao. Nếu phân tích được thì tỷ lệ thành công cũng rất thấp.
Chỉ giám định được nếu cấu trúc xương còn nguyên vẹn
Ông Hoàng Hà, Giám đốc Trung tâm Giám định ADN thuộc Viện Công nghệ Sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), cho rằng ở nhiệt độ cao, cấu trúc ADN sẽ bị gãy, hoặc thậm chí phân hủy hoàn toàn.
Dù công nghệ tách chiết ADN ngày nay rất tiên tiến nhưng giám định các mẫu tro cốt rất khó.
"Dù công nghệ tách chiết, giám định ADN ngày nay đã rất tiên tiến nhưng giám định các mẫu tro cốt rất khó. Thi thể bị hóa tro hoàn toàn thì rất khó tách chiết để giám định. Tỷ lệ thành công thấp, khả năng làm được chỉ khoảng 20-30%", ông Hà đánh giá.
Theo vị này, việc tách, phân tích ADN từ các mẫu tro cốt rất hiếm được thực hiện ở Việt Nam. Trung tâm Giám định ADN thuộc Viện Công nghệ Sinh học cũng chưa thực hiện việc này bao giờ.
Đối với từng mẫu tro cốt cụ thể, các chuyên gia phải trực tiếp kiểm tra, đánh giá mới kết luận có làm được hay không. Phương pháp đơn giản sẽ được thực hiện trước, nếu không phân tích được thì tiếp tục thử các phương pháp khác, phức tạp và tốn kém hơn.
Chung quan điểm, TS Nguyễn Lê Cát, Chủ nhiệm Khoa Xét nghiệm, Viện Pháp y quân đội, đánh giá khả năng phân tích ADN đối với thi thể đã hỏa táng thành tro cốt gần như không thể thực hiện.
Tuy nhiên, ông lưu ý cần xem lại điều kiện hỏa táng các hũ tro cốt này vì có những nơi hỏa táng thành bột tro hoàn toàn, nhưng có những nơi khi hỏa táng vẫn giữ lại phần cốt.
"Trong trường hợp vẫn còn phần cốt, mà nhiệt độ hỏa táng không quá lớn, cấu trúc xương tương đối nguyên vẹn thì có hy vọng phân tích được ADN ty thể, nhưng khả năng này cũng rất khó khăn", ông Cát nhìn nhận.
Đề xuất giám định vân tay để xác định danh tính
TS Nguyễn Lê Cát đề xuất người thân, cũng như nhà chùa cần tính tới các phương án khác, tối ưu hơn để phân loại, xác định danh tính những hũ tro cốt này.
Trong đó, ông cho rằng có thể áp dụng các phương pháp giám định kỹ thuật hình sự như giám định qua hồ sơ, ảnh chụp sơ đồ được lưu trữ, dấu vân tay... để xác định các mối liên quan nếu có.
Liên quan đến vụ việc này, đại diện chùa Kỳ Quang 2 cho biết nhà chùa rất lấy làm tiếc việc thất lạc bảng tên ở hũ cốt người quá cố. Nhà chùa sẽ cố tìm kiếm tro cốt người thân cho mọi người bằng phương pháp loại trừ.
Trong trường hợp còn phần cốt, mà nhiệt độ hỏa táng không quá lớn, cấu trúc xương tương đối nguyên vẹn thì có hy vọng phân tích được ADN thi thể, nhưng khả năng này cũng rất khó khăn.
Cụ thể, người nhà sẽ cố nhớ lại hình dáng hũ cốt thân nhân, sau đó sẽ được kiểm tra bên trong. Nếu xác định đúng người thân, hũ cốt sẽ được ghi lại tên tuổi. Nếu người nào nghi ngờ hoặc không nhớ được hình dáng hũ sẽ được chùa tạo điều kiện xét nghiệm ADN.
Theo đại diện chùa Kỳ Quang 2, toàn bộ tro cốt hiện ở trong chùa và chỉ rớt bảng tên. “Tôi rất đau buồn trước sự cố này. Tâm linh là điều rất quan trọng, nhà chùa sẽ cố hết sức để giúp các hương linh xác định đúng thân nhân”, vị này nói.
Trước đó, chiều 2/9, mạng xã hội xuất hiện bài viết bày tỏ sự bức xúc vì tình trạng các hũ tro cốt bị để lăn lóc, thất lạc bảng tên tại chùa Kỳ Quang 2.
Hôm sau, hàng chục người từ các nơi đến ngôi chùa này mong tìm được đúng tro cốt người thân. Đại diện chùa cho biết một số hũ bị dịch chuyển, rơi bảng tên trong quá trình công nhân xịt nước, tu sửa tháp cốt.
Một số người không nhận diện được tro cốt của người thân nên gào khóc. Họ không đồng ý với lý do mất bảng tên tro cốt do nhà chùa đưa ra.