Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của TP.HCM sáng 11/6, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đánh giá hiện có hai biến chủng của cả Ấn Độ và Anh trên địa bàn TP. Trong đợt dịch mới, TP đã trải qua 4-5 chu kỳ lây nhiễm nên công tác kiểm soát khống chế dịch phải quyết liệt và mạnh hơn.
Toàn TP đã giãn cách theo Chỉ thị 15, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12, thực hiện Chỉ thị 16. Tuy nhiên vừa qua, mỗi ngày vẫn xuất hiện 30-50 ca bệnh.
Ông Phong yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (HCDC) phân tích xem đâu là F1 trong khu cách ly, khu phong tỏa chuyển thành F0; đâu là phát hiện qua xét nghiệm tầm soát khi khám bệnh tại các bệnh viện và truy vết tại khu phố, công ty, cao ốc.
Phát hiện nhiều ca nhiễm qua khám sàng lọc tại bệnh viện
Ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh xu hướng của các chuỗi lây nhiễm về sau cho thấy ca nhiễm mới được phát hiện qua sàng lọc khi khám chữa bệnh tại bệnh viện. Sau đó, ngành y tế mới tiếp tục truy vết và phát hiện tại nơi ở, nơi làm việc. Ví dụ như chuỗi điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng phát hiện ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định, chuỗi lây nhiễm ở Hóc Môn hay Bình Tân đều qua bệnh viện...
Tình hình trong cộng đồng thời gian vừa qua vẫn chưa kiểm soát được hết
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong
"Điều đó chứng tỏ tình hình trong cộng đồng thời gian vừa qua vẫn chưa kiểm soát được hết", ông nói.
Chủ tịch TP.HCM nêu thực tế hiện người dân có triệu chứng khi đến bệnh viện khám sàng lọc không phải ai cũng thành thật khai báo, khiến khâu này chưa đạt kết quả như mong đợi.
"Phải tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân về việc này", ông Phong nhấn mạnh.
Khâu khó nhất hiện nay, theo lãnh đạo TP, là số ca nhiễm phát hiện qua việc người dân đến khám bệnh viện ngày càng tăng.
"Việc này rất đáng lo", Chủ tịch UBND TP.HCM bày tỏ.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong. Ảnh: HMC. |
Ông nhắc lại đánh giá của Sở Y tế về việc dựa vào thời gian ủ bệnh 14-21 ngày, trong 10 ngày tới, có thể phát hiện thêm ca bệnh rải rác ở ổ dịch đã được kiểm soát. Cơ bản tán thành với đề xuất của Sở Y tế về khu cách ly tập trung, năng lực điều trị, năng lực xét nghiệm... ông Nguyễn Thành Phong đề nghị một số giải pháp cần tập trung chỉ đạo.
Đầu tiên là tiếp tục truy vết, khoanh vùng, dập dịch khẩn trương, triệt để. Với chung cư, tòa nhà, văn phòng có ca bệnh thì xét nghiệm toàn bộ người cư trú, làm việc. Công thức là xét nghiệm có trọng tâm trọng điểm, ưu tiên tập trung ở nơi có nguy cơ vì "khả năng có hạn".
Lãnh đạo TP đề nghị tăng giám sát khu công nghiệp, khu chế xuất; đây cũng là trọng điểm để xét nghiệm mở rộng. Các công ty nên đánh số hiệu cố định chỗ ngồi của công nhân trong nhà ăn để khoanh vùng khi cần thiết. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên trang bị thiết bị nhận diện khuôn mặt để giám sát công nhân, nhân viên.
Riêng với công tác truyền thông, Chủ tịch TP giao Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức giao ban hàng tuần về chuyên đề Covid-19 để cung cấp thông tin có hệ thống về diễn biến dịch bệnh. Mục tiêu là để người dân có cái nhìn đầy đủ về các biện pháp của thành phố.
Về vaccine, ông Phong cho biết thành phố sẽ lập tổ chuyên đề về mua và tiêm vaccine, đặt mục tiêu trong năm nay, 2/3 dân số được tiêm. Tuy nhiên, việc tiêm chủng cần có lộ trình ưu tiên.
Tuần tới, TP sẽ có kế hoạch tổng thể về gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 để trình HĐND TP.
Riêng với việc áp dụng Chỉ thị 16 tại quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết hiện chưa thể kết luận. Ông giao nhiệm vụ cho Phó chủ tịch Dương Anh Đức, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh, và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đưa ra nhận định, đánh giá tình hình. Mục tiêu là đánh giá việc giãn cách xã hội trong thời gian qua và phương hướng thời gian tới.
Các tỉnh e dè với người về từ TP.HCM
Phát biểu tại buổi họp, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi nhận định hiện còn một số ca nhiễm cộng đồng chưa rõ nguồn gốc và nhấn mạnh cần làm sao có sự tập trung, điều tra, truy vết để kiểm soát.
TP.HCM đang tích cực tìm nguồn vaccine để hướng tới tiêm cho toàn dân. Ảnh: Chí Hùng. |
Nói về giải pháp, ông Mãi cho rằng cần tăng cường biện pháp chống dịch tại nhà máy, xí nghiệp, khu chế xuất, khu công nghiệp. Qua lắng nghe các doanh nghiệp tại buổi họp ngày 10/6, ông cho rằng nhóm này có nhận thức nhưng còn lúng túng trong thực hiện.
"Để có vaccine miễn dịch cộng đồng thì phải quý I năm sau. Nếu nhà máy, xí nghiệp, khu chế xuất, khu công nghiệp bùng phát thì phòng, chống dịch cũng không đảm bảo an toàn chứ chưa nói đến mục tiêu kép", ông Phan Văn Mãi nhắc nhở.
Nếu nhà máy, xí nghiệp, khu chế xuất, khu công nghiệp bùng phát thì phòng, chống dịch cũng không đảm bảo an toàn chứ chưa nói đến mục tiêu kép
Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi
Một vấn đề khác được Phó bí thư TP đặt ra là cơ chế trao đổi thông tin giữa TP.HCM và các địa phương, trước hết là vùng Tây Nam Bộ. Mục đích là để các tỉnh hiểu tình hình dịch cũng như nỗ lực của TP.HCM để có sự phối hợp phù hợp.
"Không chỉ Đồng Nai mà nhiều nơi khác, người từ TP.HCM về địa phương thì người địa phương rất e dè. Do đó, việc trao đổi diễn biến dịch là rất cần thiết", Phó bí thư chia sẻ tình hình.
Ông cho rằng nhiều nơi hiện có quy định khó khăn trong giao thông, hàng hóa. Do đó, TP.HCM cần phối hợp cùng các tỉnh trong khu vực với vai trò trung tâm vùng.
Bình luận