Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Rào toàn bộ chân cầu vượt cao tốc nghìn tỷ để chống lấn chiếm

Vidifi khẳng định sẽ rào bổ sung tất cả gầm, chân cầu vượt tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng để ngăn chặn tình trạng người dân lấn chiếm công trình.

Sau khi gầm cầu Đa Độ bị chiếm dụng làm quán ăn, người dân phản ánh gầm cầu vượt cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (đoạn qua đường Phạm Văn Đồng, vượt sông Lạch Tray), địa phận phường Hải Thành, quận Dương Kinh, TP Hải Phòng cũng bị lấn chiếm thành bãi tập kết vật liệu xây dựng.

Hàng ngày, các hoạt động xúc, vận chuyển cát đều được thực hiện dưới gầm cầu và hành lang cầu. Sự việc này đe dọa đến sự an toàn của trụ cầu.

Cao toc Ha Noi - Hai Phong anh 1
Gầm cầu cao tốc Hà Nội - Hải Phòng trở thành nơi chưa vật liệu xây dựng. Ảnh: Mạnh Đức.

Tại gầm cầu vượt này xuất hiện những ụ cát lớn. Người dân mang thùng container, câu điện ra giữa gầm cầu để làm nhà ở, trông giữ vật liệu xây dựng.

Trên nền đất, những ống hút cát được lắp đặt sẵn. Những chiếc xe tải cỡ lớn túc trực ngày đêm để vận chuyển cát từ gầm cầu đến nơi bán.

Người dân nơi đây cho biết sự việc này đã diễn ra khá lâu nhưng chưa được các cơ quan chức năng xử lý.

Cao toc Ha Noi - Hai Phong anh 2
Người dân dựng nhà tôn, câu điện ra gầm cầu để trông bãi vật liệu. Ảnh: Mạnh Đức.

Trao đổi với Zing.vn, ông Lê Xuân Tú, Phó giám đốc Ban quản lý, khai thác đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (thuộc Tổng công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam, Vidifi), cho biết sẽ kiểm tra vấn đề này.

Ông Tú khẳng định ban đầu, đơn vị sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan tuyên truyền đến các cá nhân, tập thể vi phạm, lấn chiếm cao tốc. Ban quản lý sẽ di chuyển hoàn trả hiện trạng gầm cầu trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Ông Tú thông tin trong thời gian tới, Vidifi sẽ tiến hành rào bổ sung tất cả các gầm cầu để hạn chế lấn chiếm. Bên cạnh đó, đơn vị sẽ kiểm tra, rà soát tổng lực trên toàn tuyến.

Cùng ngày, trả lời Zing.vn, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cho biết để xảy ra lấn chiếm dưới gầm cầu thuộc tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng trách nhiệm thuộc về Vidifi. Bởi đơn vị này trực  tiếp quản lý tuyến này.

Cao toc Ha Noi - Hai Phong anh 3
Trước đó, người dân xây và lấn chiếm gầm cầu Đa Độ trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: Văn Chương.

“Chúng tôi đã có văn bản yêu cầu Vidifi phải xử lý ngay những công trình lấn chiếm, trả lại hiện trạng. Đơn vị này phải có báo cáo gửi Tổng cục về vấn đề này trong ngày hôm nay (21/1)”, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ khẳng định.

Trước đó, ngày 17/11, người dân xây dựng trái phép quán ăn ở gầm cầu vượt Đa Độ (xã Đại Đồng, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) đã tự nguyện tháo dỡ công trình.

Theo quan sát, quán ăn này đã xây dựng thô 8 phòng nhỏ. Nền xi măng vừa được đổ cách đây 1 tuần. Một nhóm người địa phương chung nhau xây dựng và đặt tên là “cao tốc quán”.

Cao toc Ha Noi - Hai Phong anh 4
Cầu vượt cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đi qua đường Phạm Văn Đồng (Lạy Tray, Hải Phòng) bị lấn chiếm thành nơi chưa vật liệu xây dựng. Ảnh: Google Maps.

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dài 105 km, là tuyến cao tốc hiện đại nhất Việt Nam đi qua 4 tỉnh. Dự án được khởi công từ tháng 9/2008 với vốn đầu tư lên đến gần 45.500 tỷ đồng.

Điểm đầu của dự án giao cắt với đường vành đai 3 (đoạn gần Thạch Bàn, Hà Nội), điểm cuối tại Cảng Ðình Vũ (Hải An, Hải Phòng). Cao tốc được thiết kế 6 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc cho phép 120 km/h.

Yêu cầu phá dỡ quán ăn dưới gầm cầu cao tốc trong 3 ngày

Tổng cục Đường bộ yêu cầu Vidifi kiểm tra và phá dỡ triệt để quán ăn mọc trái phép dưới gầm cao tốc Hà Nội - Hải Phòng trước ngày 20/11.





Văn Chương - Mạnh Đức

Bạn có thể quan tâm