Cuối tháng 3, một quan chức Liên minh châu Âu (EU) tiết lộ nhà sản xuất vaccine Novavax chưa thể ký hợp đồng cung cấp vaccine Covid-19 cho châu Âu vì doanh nghiệp này thiếu hụt nguyên vật liệu, theo Reuters.
Ông Adar Poonawalla, giám đốc điều hành Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII), đơn vị tham gia sản xuất vaccine Novavax, cho biết tổ chức này thiếu loại túi nylon đặc biệt và màng lọc dùng trong khâu nuôi cấy vaccine. Theo ông, nguyên nhân của sự thiếu hụt này là lệnh cấm xuất khẩu nguyên liệu thô để sản xuất vaccine của Mỹ.
“Quá trình sản xuất vaccine Novavax cần những nguyên vật liệu này từ Mỹ”, ông Poonawalla nói. “Sự chia sẻ nguyên vật liệu thô đang là trở ngại. Chưa ai nói về vấn đề này trước đó.
Khi thế giới đẩy mạnh sản xuất vaccine, đảm bảo nguồn cung nguyên vật liệu thiết yếu là yếu tố cốt lõi giúp nhân loại sớm đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng và thoát khỏi đại dịch.
Thách thức với sản xuất
Một trong những nguyên vật liệu được ghi nhận tình trạng thiếu hụt nhiều nhất là túi nylon lớn dùng trong khâu nuôi cấy vaccine trong lò phản ứng sinh học. Những chiếc túi nylon có dung tích 2.000 lít này cần được sử dụng để sản xuất cả 4 loại vaccine đang có trên thị trường hiện nay.
Ông Stan Erck, CEO của Novavax, gọi sự thiếu hụt này là “mối đe dọa đối với nguồn cung vaccine toàn cầu”.
Một cơ sở sản xuất vaccine Novavax tại Vigo, Tây Ban Nha. Ảnh: New York Times. |
Ngành công nghiệp sản xuất vaccine cũng có nhu cầu lớn với màng lọc và ống nhựa chuyên dụng. Đây là những vật liệu chỉ có thể dùng một lần. Tương tự túi nylon, chúng được sử dụng trong quá trình sản xuất cả 4 loại vaccine.
Không chỉ thiếu hụt về trang thiết bị, một số nhà sản xuất vaccine còn thiếu cả nguyên liệu thô như hạt nano lipid. Đây là những phân tử siêu nhỏ dùng trong sản xuất vaccine mARN như vaccine của Moderna hay Pfizer/BioNTech.
Hạt nano lipid có nhiệm vụ bao bọc các phần tử vaccine để dễ dàng đưa vào cơ thể. Trước đại dịch Covid-19, nano lipid chỉ được sản xuất thử nghiệm trên quy mô rất nhỏ, do đó mở rộng sản xuất là điều không dễ dàng.
Ngoài nguyên vật liệu, đội ngũ kỹ sư, công nhân có kinh nghiệm cũng là yếu tố quan trọng trong khâu sản xuất vaccine. Một số xí nghiệp ghi nhận tình trạng thiếu công nhân lành nghề cho một số vị trí đặc biệt.
Theo ông Matthew Downham, lãnh đạo bộ phận sản xuất tại Liên minh Đổi mới Sáng tạo Sẵn sàng cho Dịch bệnh (CEPI), các doanh nghiệp không chỉ gặp khó khăn trong việc di chuyển công nhân giữa các nhà máy. Họ còn đối mặt với thách thức lớn hơn trong điều phối công nhân sang các công ty khác có hợp đồng sản xuất vaccine.
Để giải quyết tình trạng này, ngành công nghiệp dược phẩm đề nghị các chính phủ cho phép công nhân di chuyển giữa các quốc gia một cách dễ dàng hơn.
Bên cạnh các rào cản “cứng”, các rào cản “mềm” cũng là trở ngại đáng kể đối với quá trình gia tăng sản lượng vaccine toàn cầu. Hiện nay, đa số quốc gia trên thế giới, kể cả Mỹ, ủng hộ việc dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine. Đây là đề xuất được Nam Phi và Ấn Độ đưa ra từ năm 2020.
Theo bà Navya Dasari, thành viên tổ chức Liên minh Sinh viên cho các loại thuốc thiết yếu (UAEM), dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ “có thể giúp gia tăng sản lượng vaccine, giảm thiểu các rào cản trong chuỗi cung ứng và giúp các nhà sản xuất mới gia nhập thị trường có thể xuất khẩu vaccine đến các quốc gia có nhu cầu mà không cần phải lo ngại về mặt luật pháp”.
Tăng cường nguồn cung vaccine được coi là chìa khóa giúp nhân loại vượt qua đại dịch. Ảnh: US News. |
Tuy vậy, Liên minh châu Âu và các nhà sản xuất vaccine phản đối biện pháp này. Theo họ, các công ty mới không thể ngay lập tức sản xuất vaccine, dù quyền sở hữu trí tuệ bị bãi bỏ.
Bà Dasari thừa nhận ngành công nghiệp dược phẩm cần thúc đẩy chuyển giao công nghệ, bên cạnh dỡ bỏ sở hữu trí tuệ với vaccine. “Dù quyền sở hữu trí tuệ bị dỡ bỏ, chúng ta không thể đảm bảo các công ty dược phẩm lớn sẽ chia sẻ bí mật kinh doanh của họ”, bà nói với Zing.
Loại bỏ rào cản
Các nhà sản xuất đặt mục tiêu cung ứng 11 tỷ liều vaccine trên toàn cầu đến hết năm 2021. Con số này gấp 3 lần sản lượng vaccine hàng năm. Tuy vậy, mục tiêu này chỉ có thể đạt được nếu các rào cản cả “cứng” và “mềm” được dỡ bỏ.
Ngân hàng Thế giới (WB) lo ngại các rào cản có thể khiến nhân loại không thể đạt được miễn dịch cộng đồng vào tháng 3/2022 như dự báo trước đó của cơ quan này.
Tiến sĩ Downham nhận định “hàng tấn công việc đang được thực hiện” nhằm giảm áp lực về các nguyên vật liệu thiết yếu, giúp chúng được vận chuyển đến những nơi có nhu cầu nhanh nhất có thể. Một đội phản ứng nhanh toàn cầu về vấn đề này đã được tổ chức.
Bên cạnh đó, cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX thiết lập nền tảng mua bán nguyên vật liệu Covax Marketplace. Nền tảng này được kỳ vọng sẽ giúp nhà cung cấp và nhà sản xuất vaccine giao dịch dễ dàng hơn.
Trong giai đoạn đầu, Covax Marketplace hướng tới một số loại nguyên vật liệu chính như túi nylon dùng trong lò phản ứng sinh học, các vật liệu dùng một lần, màng lọc hay hạt nano lipid.
Các kỹ sư chuẩn bị cho quá trình sản xuất vaccine AstraZeneca trong một nhà máy tại Melbourne, Australia. Ảnh: New York Times. |
Theo tiến sĩ Downham, còn nhiều điều phải làm để giúp các nhà sản xuất vaccine đạt công suất tối đa. Ví dụ, nếu một nhà sản xuất vaccine gặp khó khăn trong khâu đóng gói, cần đảm bảo nhà sản xuất này có thể vận hành các khâu khác bình thường.
Mục tiêu dài hạn của đội phản ứng nhanh là tăng cường khả năng sản xuất vaccine trên toàn thế giới qua xây dựng nhà máy, đào tạo chuyên gia và công nhân lành nghề. Hoạt động của cơ quan này sẽ tập trung vào các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Tuy vậy, trong bối cảnh biến chủng Delta đang gây nên làn sóng dịch mới trên toàn thế giới, nhân loại cần những biện pháp cấp bách hơn.
Ông Thomas Cueni, Giám đốc Liên đoàn các Hiệp hội nhà sản xuất dược phẩm thế giới (IFPMA) khẳng định nhân loại sẽ phải chịu thiệt hại nếu những yêu cầu của ngành dược phẩm không được giải quyết.
“Chúng tôi sẽ không làm tròn bổn phận với thế giới”, ông nói.