Hai lần đổi tiền lẻ cho người lạ, bà Mai, bán hàng tạp hoá trên đường Trường Chinh (Thanh Xuân, Hà Nội) đã bị kẻ xấu dùng tiền giả để lừa đảo. Bà chia sẻ: "Thấy người ta có việc gấp cần đổi tiền lẻ nên tôi giúp, không ngờ ra ngân hàng gửi tiền mới biết là tiền giả. Bây giờ ai nhờ đổi tiền lẻ tôi đều nhất quyết không nhận".
"Tiền giả giống 98% tiền thật"
Theo khảo sát của Zing, gần đây trên mạng xã hội xuất hiện nhiều hội nhóm, trang cá nhân ngang nhiên rao bán tiền giả một cách công khai. Những người có nhu cầu mua tiền giả chỉ cần vào tìm kiếm gõ “tiền giả” thì liền có hàng chục kết quả hiện ra.
Theo đó, chỉ với một bài đăng rao bán tiền giả của một tài khoản tên T. Không đã thu hút được hơn trăm lượt bình luận hỏi mua. Liên hệ tài khoản của người này để đổi tiền giả, anh lập tức chào mời: "Bên anh cho đổi 2 triệu tiền thật lấy 24 triệu tiền giả không cần cọc trước. Tiền giả giống tiền thật 98% làm từ polymer, có hình chìm".
Trên mạng xã hội đang rao bán tràn lan các loại tiền polymer giả với mệnh giá từ 50.000 đến 500.000 đồng. |
Bên cạnh việc khẳng định tiền giả giống thật đến 98%, chủ tài khoản này còn gợi ý có thể dùng đi đổ xăng, đi chợ, mua sắm quần áo, hàng tạp hóa thoải mái mà không sợ bị phát hiện, chỉ có ra ngân hàng đối chiếu số seri hoặc những nơi có máy soi mới bị phát hiện.
Thậm chí, chủ tài khoản còn gửi thêm video tiền giả, bằng chứng giao dịch thành công với khách hàng khác để tạo sự tin tưởng.
Tương tự, trên một website đổi tiền giả, một người tên Lộc đăng tải nhiều hình ảnh tiền giả với lời rao tiền giả được nhập về từ cửa khẩu Thái Lan, Campuchia, Singapore, đảm bảo giống đến 97% làm bằng chất liệu polymer có màu lâu phai, mùi y hệt tiền thật, vò nhẹ không nhàu và có vân nhám đầy đủ.
Đáng chú ý, người này cũng khẳng định, khách không cần cọc giao dịch trực tiếp nhận kiểm tra hàng mới thanh toán. Tỷ lệ quy đổi là một triệu tiền thật đổi 10 triệu tiền giả, 2 triệu tiền thật đổi 20 triệu tiền giả, 10 triệu tiền thật đổi 100 triệu tiền giả và khách hàng có thể đổi tiền thật lấy nhiều loại tiền giả với mệnh giá khác nhau.
Làm sao để nhận biết tiền giả?
Ngoài ra, một số chủ tài khoản còn dùng chiêu trò bắt người mua cọc tiền trước để lừa đảo. Theo nhiều thành viên của các hội, nhóm buôn bán tiền giả, chiêu thức của những người này là bắt cọc tiền trước "dụ" khách chuyển tiền, gửi thẻ cào điện thoại rồi sẽ biến mất ngay sau khi người mua nhẹ dạ chuyển tiền.
Nhiều người cho biết việc đăng ảnh hấp dẫn cùng những lời quảng cáo "có cánh" về mua bán tiền giả chỉ là chiêu trò lừa đảo đánh vào lòng tham.
Từng là nhân viên của Ngân hàng Nhà nước 14 năm, chị Phạm Thảo ở Quảng Ngãi thừa nhận tiền giả càng ngày càng tinh vi và có nhiều tờ rất giống tiền thật. "Nhưng những người làm tiền giả không bao giờ làm giống được 100%, mà sẽ có ít nhất một vài đặc điểm nhận ra tiền giả", chị chia sẻ.
Theo đó, chị Thảo cho biết người dùng có thể kiểm tra chất liệu polymer in tiền bằng cách nắm gọn tờ tiền trong lòng bàn tay và khi mở ra, tờ tiền sẽ đàn hồi về trạng thái ban đầu như trước khi nắm. Kiểm tra độ bền bằng cách kéo, xé nhẹ ở cạnh (mép) tờ tiền.
Các mệnh giá tiền chất liệu polymer dễ bị làm giả. Ảnh: Linh Nhi. |
Ngoài ra, soi tờ tiền trước nguồn sáng, kiểm tra hình bóng chìm cũng là một cách để phân biệt. Hình bóng chìm (bên trái mặt trước hoặc bên phải mặt sau tờ tiền) phải nhìn thấy rõ từ hai mặt tờ tiền, được thể hiện bằng nhiều đường nét tinh xảo và sáng trắng. Đối với mệnh giá từ 20.000-500.000 đồng là hình ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh; mệnh giá 10.000 đồng là hình ảnh chùa Một Cột.
Vuốt nhẹ mặt trước tờ tiền, kiểm tra các yếu tố in nổi: Tại các vị trí có yếu tố in nổi, sẽ cảm nhận được độ nổi, nhám ráp của nét in như: Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc huy, mệnh giá bằng số và bằng chữ. Ở tiền giả, chỉ có cảm giác trơn lì hoặc có cảm giác gợn tay nhưng không có độ nổi, nhám ráp như tiền thật.
Kiểm tra yếu tố hình ẩn (DOE) trong cửa sổ nhỏ: Cửa sổ nhỏ chỉ có ở 4 mệnh giá 500.000 đồng, 200.000 đồng, 100.000 đồng và 50.000 đồng. Là chi tiết nền nhựa trong suốt và đặt tại phía trên bên trái mặt trước hoặc phía trên bên phải mặt sau tờ tiền. Khi đưa cửa sổ nhỏ tới gần sát mắt, nhìn xuyên qua cửa sổ tới nguồn sáng phù hợp (có thể là ngọn lửa, bóng đèn sợi đốt, đèn đường, đèn flash điện thoại) sẽ nhìn thấy hình ảnh hiện lên xung quanh nguồn sáng.
Theo luật sư Trần Thị Lam, công ty luật Toàn Long, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan duy nhất phát hành tiền giấy, tiền kim loại. Do đó, hành vi rao bán tiền giả trên mạng xã hội có dấu hiệu của tội “Làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả” theo điều 207 Bộ Luật Hình sự 2015.
Theo đó, người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.