Chiều 12/11, anh N.D. (42 tuổi, chủ quán giải khát ở phường 3, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) tiếp tục được một nữ nhân viên công ty môi giới bất động sản nhắn tin hẹn lịch tư vấn về dự án khu dân cư Minh Châu ở địa phương này.
Đây là dự án nhà ở thương mại lớn thứ hai tại Sóc Trăng, vừa được đại gia bất động sản Trịnh Minh Châu bán lại cho đối tác ngoài tỉnh sau nhiều năm vướng vào nợ nần.
Đất nền nhà dao động từ 12-14 triệu đồng/m2
Theo nữ nhân viên môi giới bất động sản quê Bạc Liêu, cô vừa lấy chồng làm nghề cơ khí, chưa có nhà ở nên phải thuê phòng trọ. Tuy nhiên, doanh nghiệp của người phụ nữ sinh năm 1990 này đang làm có bề dày gần 20 năm nên có nhiều dự án lớn, khách đầu tư đảm bảo sinh lợi tại miền Tây.
“Dự án của chúng em đang có khuyến mãi cho khách hàng. Anh đầu tư hoặc mua để xây nhà ở đều hợp lý. Giá bên em 12-14 triệu/m2, tùy theo vị trí có thể chiều ngang nền 4 hoặc 5 x 25 m, giá khoảng 1,5 tỷ đồng trở lại. Anh mua nhiều nền sẽ được chiết khấu 2-5% và thanh toán tiền xong 4-6 tháng sẽ có sổ đỏ”, nữ nhân viên tên K.H. nói.
Thị trường bất động sản ở miền Tây đang trầm lắng vì ảnh hưởng dịch bệnh. Ảnh: Việt Tường. |
Một đồng nghiệp khác của K.H. là C.D. cho biết nền nhà dự án ở phường 7, TP Sóc Trăng có nơi chỉ hơn 1 tỷ đồng, đang có chương trình chiết khấu 50 triệu đồng mỗi nền. Dự kiến giữa tháng 11 này chủ dự án có được giấy tờ nhà đất, lúc đó giá sẽ tăng cao hơn.
Ngoài dự án ở Sóc Trăng, C.D. còn rao bán đất nền dự án tại TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang. Cô gái này còn đăng thông tin lên mạng xã hội về việc tuyển 8 “chiến binh” kinh nghiệm để 5 tháng bán sạch 1.000 nền nhà ở miền Tây với lương cao, hoa hồng khủng.
Yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp môi giới là các “chiến binh” phải có máy tính, phương tiện đi lại, cầu tiến, chịu khó và đặc biệt là "biết tận hưởng cuộc sống". Phúc lợi của người được tuyển dụng theo quảng cáo là lương 6-12 triệu/tháng, hoa hồng 15-80 triệu cho mỗi giao dịch, trong đó chưa bao gồm “ăn nhậu quý, tháng, năm”.
Còn tại Cần Thơ, một nữ nhân viên môi giới nhà đất đã chuyển cho khách hàng xem những giao dịch đặt cọc, giữ chỗ đất nền để tăng khả năng tin tưởng về sự phồn thịnh của dự án sẽ hình thành trong tương lai. Các giao dịch không thông qua ký kết được chuyển khoản từ 50, 75 đến 409 triệu đồng qua tài khoản.
Theo khảo sát của Zing, không chỉ Cần Thơ hay Sóc Trăng, một số dự án địa ốc ở miền Tây đang được doanh nghiệp môi giới rao bán, nhận tiền cọc khi chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Vì vậy, các doanh nghiệp lách luật bằng cách không ký kết các giao dịch pháp lý, chỉ thỏa thuận ngầm theo hướng "tự nguyện" giữa hai bên.
Đối với những dự án hoàn chỉnh hạ tầng, giá bất động sản ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cần Thơ, Hậu Giang... không chênh lệch nhiều, dao động khoảng 12-14 triệu đồng/m2. Giá này tăng khoảng 10% so với trước đợt dịch Covid-19 lần thứ tư.
Chấn chỉnh hoạt động mua bán đất nền
Theo ông Trịnh Minh Châu, mặc dù Công ty TNHH Minh Châu đã bán dự án bất động sản cho đối tác mới ở Cần Thơ nhưng doanh nghiệp còn chịu trách nhiệm về một số vấn đề pháp lý liên quan đến dự án.
Ngoài ra, ông Châu còn phải hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho đối tác mua 2 khoản nợ của Công ty TNHH Minh Châu tại 2 ngân hàng trị giá khoảng 260 tỷ đồng.
Môi giới làm rầm rộ nhưng thị trường bất động sản tại một số dự án chỉ giao dịch thực tế được khoảng 2%.
Ông Trịnh Minh Châu
Theo đại gia Minh Châu, những giao dịch nhà đất tại miền Tây thời gian qua rất hạn chế vì ảnh hưởng dịch Covid-19. Cánh môi giới làm rầm rộ nhưng thị trường bất động sản tại một số dự án chỉ giao dịch thực tế được khoảng 2%.
Thông tin quảng cáo về một "siêu dự án" ở miền Tây. Ảnh: Việt Tường. |
Đối với dự án Minh Châu, phần doanh nghiệp cũ đã đóng tiền sử dụng đất nhưng chưa xây dựng có diện tích khoảng 6 ha. Đây được xem là phần đất “thịt nạc” để nhà đầu tư mới phân lô, xe nền, hòa vào “đất mỡ” liên quan đến phần mua bán nợ ngân hàng để xây dựng khung giá bán mới đảm bảo sinh lợi nhuận.
Vấn đề được các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản lo ngại hiện nay là dịch bệnh ảnh hưởng đến các giao dịch nhà, đất. Trong khi nhiều dự án hình thành từ vốn vay của ngân hàng, điển hình là Công ty TNHH Minh Châu khiến chủ đầu tư cũ phải “bỏ của chạy lấy người”.
“Dịch bệnh khiến nhiều người không mua bán được thì tiền đâu mua đất và đóng lãi ngân hàng. Đến lúc đó, ngân hàng buộc phải phát mãi nhà đất để thu hồi nợ và doanh nghiệp lại đi vay tiền để mua phần phát mãi này. Đây là vòng luẩn quẩn, lấy nợ nuôi nợ khiến thị trường nhà đất gặp cảnh đen tối”, chủ một doanh nghiệp nhận định.
Trao đổi với Zing, Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ Mai Như Toàn cho rằng qua các nguồn tin, đơn vị này nhận thấy có tình trạng quảng cáo, rao bán bất động sản tại một số dự án trên địa bàn. Việc kinh doanh bất động sản của các doanh nghiệp cần phải chấp hành các quy định của Luật Nhà ở 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản 2014.
Đối với việc kinh doanh bất động sản tại các dự án hiện nay, theo quy định pháp luật thì bất động sản là đất nền phải có giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất theo quy định về đất đai. Còn bất động sản là nhà ở phải có thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai của Sở Xây dựng.
Ông Toàn cho rằng có những dự án không thuộc trường hợp kinh doanh đất nền nhưng đã được đơn vị môi giới rao bán. Vì vậy, Sở Xây dựng Cần Thơ đề nghị công ty nào nếu đã thực hiện các hoạt động này thì phải dừng lại và khắc phục hậu quả.
"Nếu doanh nghiệp chưa phát sinh giao dịch thì rà soát lại các công ty môi giới, các sàn giao dịch bất động sản, đảm bảo không đưa bất động sản của dự án ra bán khi chưa đủ điều kiện kinh doanh theo quy định", thông báo của Sở Xây dựng Cần Thơ nêu.