Nhằm tăng cường khả năng cảnh báo sớm cho phía Việt Nam, Liên Xô đã viện trợ cho Việt Nam loại radar trinh sát tầm xa P-14. Nó sẽ tăng phạm vi cảnh báo sớm và bổ sung cho radar P-12. Radar P-14 được NATO định danh Tall King. Đây là một radar cảnh giới 2 tọa độ do Viện công nghệ kỹ thuật vô tuyến NNIIRT phát triển. Lực lượng phòng không Xô Viết bắt đầu sử dụng chúng từ năm 1959.
Vào năm 1960, Chính phủ Liên Xô trao giải thưởng Lenin cho nhóm thiết kế radar P-14 vì những nỗ lực to lớn của họ trong việc phát triển những hệ thống radar cảnh giới hiện đại.
Một trận địa tiêu chuẩn của radar P-14 với an-ten của radar P-14 ở bên phải kết hợp với radar đo độ cao PRV-16 ở bên trái cùng buồng điều khiển, máy phát điện của 2 hệ thống. Ảnh World war2 |
P-14 gồm 3 biến thể 1RL113 Lena (NATO định danh Tall King A), 44Zh6 Furgon (Tall King B). Đây là 2 biến thế cơ động và biến thể cố định 5N84A Oborona-14 (Tall King C). Liên Xô viện trợ cho Việt Nam biến thể 5N84A Oborona-14 (Tall King C).
Radar P-14 có an-ten dạng parapol rất lớn với chiều dài chỗ rộng nhất là 33 mét, có khả năng chống đóng băng khi hoạt động ở những vùng khí hậu khắc nghiệt. An-ten có khả năng quay từ 2-6 vòng mỗi phút để giám sát 360 độ. Bộ vi xử lý có khả năng hoạt động trong 4 dải tần số được cài đặt sẵn nhằm chống gây nhiễu tích cực và nhiễu tiêu cực của đối phương.
Hệ thống có khả năng chống lại sự can thiệp lên đến 20dB. Bên cạnh đó, P-14 còn được trang bị 5 râu an-ten phụ trợ để xác định vị trí gây nhiễu. Radar có thể hoạt động trong 4 chế độ khác nhau. Chế độ chùm tia cao, chế độ chùm tia thấp, chế độ chùm tia trung bình và chế độ hỗn hợp.
Radar P-14 của Việt Nam luôn sẳn sàng phát hiện bất kỳ mục tiêu lạ nào xâm phạm bầu trời tổ quốc. Ảnh Flickr.com |
Nhờ phạm vi trinh sát khá xa, radar P-14 cung cấp khả năng cảnh báo sớm từ xa hiệu quả hơn so với radar P-12, so với radar P-12 phạm vi trinh sát của P-14 tăng thêm đến 150km. Trong tác chiến phòng không, việc tăng phạm vi phát hiện sớm mục tiêu lên thêm vài chục kilomet có ý nghĩa rất quan trọng trong việc chuẩn bị đối phó với mục tiêu.
Mặc dù có tầm trinh sát khá xa nhưng P-14 lại có khá nhiều nhược điểm, biến thể mà Liên Xô viện trợ cho Việt Nam là một radar cố định nên rất dễ bị đánh phá bởi các tên lửa chống bức xạ hay vũ khí dẫn đường khác. Việc tháo lắp radar và chuyển đến vị trí khác tốn khá nhiều thời gian.
Tương tự như P-12, P-14 có độ kháng nhiễu khá thấp và độ chính xác không cao, hiện tại, Việt Nam đang hợp tác với các chuyên gia nước ngoài để nâng cấp radar P-14 lên tiêu chuẩn hiện đại hơn nhằm đáp ứng nhiệm vụ cảnh báo sớm đường không trên mặt đất trong tình hình mới.