Ghi nhận của PV VTC News ngày 7/6, dọc bờ vịnh thuộc tuyến đường Lê Đức Thọ, đường dẫn ra bến tàu Vũng Thùng, đoạn từ cầu Mân Quang đến gần điểm giao với đường Hồ Hán Thương (quận Sơn Trà) ngập tràn rác thải nhựa và xà bần. |
Nhan nhản các loại rác thải nổi trên mặt nước, bị sóng đánh dạt vào bờ, chất thành từng lớp, kéo dài cả trăm mét. |
Theo ông Nguyễn Năm, người thường ra vào bến tàu Vũng Thùng, khu vực vịnh này bị ô nhiễm vì rác thải nhựa từ nhiều năm qua nhưng không được xử lý triệt để. “Vấn đề ở đây là ý thức của ngư dân. Khi đánh bắt thủy sản, họ vô tư vứt hộp đựng đồ ăn, vỏ chai nhựa xuống vịnh. Rác thải lềnh bềnh trên mặt nước, bị sóng, gió đánh tấp vào bờ xếp thành từng lớp dài”, ông Năm cho biết. |
Không chỉ ô nhiễm vì rác thải nhựa, khu vực bờ vịnh này còn tràn ngập các loại xà bần, vật liệu xây dựng do người dân đổ trộm vào ban đêm. Nhiều điểm gạch đá, bê tông đổ lấn ra mép vịnh ngay luồng vào âu thuyền và cảng cá Thọ Quang. |
Tại khu vực đất trống từ bờ vịnh lên vỉa hè đường Lê Đức Thọ và đường dẫn ra bến thuyền Vũng Thùng, xà bần đổ thành từng bãi, cao cả mét, rất nhếch nhác, mất vệ sinh. |
Những đống xà bần rộng cả chục m2 do người dân đổ trộm nhưng không bị cơ quan chức năng, chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý. |
Xà bần, rác thải bủa vây khu vực vịnh từ nhiều tháng qua khiến môi trường ô nhiễm, mất mỹ quan đô thị. |
Ông Nguyễn Vinh, người thường câu cá tại vịnh cho biết, lợi dụng khu vực này bị bao phủ bởi cây dại mọc um tùm, ban đêm vắng vẻ, nhiều người đã đổ trộm xà bần, rác thải. "Mỗi đêm người ta đổ một ít, xà bần cứ thế tăng lên, chất thành đống. Tôi thường xuyên đi câu ở khu vực này nhưng không thấy cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý", ông Vinh nói. |
Chăn màn, nệm, giường tủ, gạch đá và vô số vật dụng hư hỏng bị đổ bừa bãi dọc vỉa hè đường Lê Đức Thọ, đoạn từ cầu Mân Quang đến gần điểm giao với đường Hồ Hán Thương. Đây cũng là tuyến đường ra cảng Tiên Sa và bán đảo Sơn Trà nên rất phản cảm, ảnh hưởng đến môi trường du lịch của Đà Nẵng. |
Sách hay về môi trường
How to Save Our Planet - Mark Maslin: Tác phẩm được ví như cuốn cẩm nang về các vấn đề còn tồn tại và các giải pháp khả thi để cứu Trái Đất; trang bị cho người đọc những kiến thức khoa học mới nhất về biến đổi khí hậu, tính bền vững và các vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt.
We are the Weather: Saving the Planet Starts at Breakfast - Jonathan Safran Foer. Tác giả tin rằng mối liên hệ giữa ngành nông nghiệp chăn nuôi và cuộc khủng hoảng khí hậu hiện ra không thực sự rõ ràng. Tuy nhiên, các hành động mang tính tập thể như giảm tiêu thụ thịt có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lượng khí thải carbon.