"80% lượng rác thải trên biển xuất phát từ các nguồn thải trong đất liền. Đây là vấn đề toàn cầu, đòi hỏi một hành động quốc tế ngay lập tức", bà Grete Lochen, đại sứ Na Uy tại Việt Nam, chia sẻ mở đầu hội thảo ra mắt dự án Biến nhựa đại dương thành cơ hội trong nền kinh tế tuần hoàn (Dự án OPTOCE) ngày 4/10.
TS Kare Helge Karstensen, Giám đốc Chương trình OPTOCE, chỉ ra năm 2015, toàn thế giới thải ra 6,3 tỷ tấn rác thải nhựa, nhưng chỉ 9% được tái chế, 12% đốt và 79% chôn lấp. Nếu không có phương thức xử lý thay thế, tới năm 2050, sẽ có gần 12 tỷ tấn rác nhựa thải ra môi trường.
Tiến sĩ chỉ ra các phương pháp tái chế đốt rác hay nhiệt phân hiện được đa số các nước châu Á lựa chọn sử dụng. Tuy nhiên, các giải pháp này có các hạn chế như chi phí tạo ra năng lượng khi đốt rác không bù đắp được chi phí đầu tư, lượng khí thải phát ra từ quá trình này gây ô nhiễm không khí, như dioxin.
Bà Grete Lochen, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, đề nghị các quốc gia khẩn trương phối hợp để tìm giải pháp cho rác thải nhựa. Ảnh: Thu Hằng. |
Để giải quyết vấn đề này, ông Karstensen đề xuất công nghệ đồng xử lý để tái chế rác thải nhựa thay thế cho các giải pháp hiện tại. Cụ thể, rác thải nhựa không thể tái chế sẽ được dùng làm nguyên liệu đầu vào cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy sản xuất sử dụng việc đốt năng lượng như xi măng, điện, thép… Năng lượng thu hồi được từ quá trình đốt rác nhựa này sẽ giúp các nhà máy giảm lượng than tiêu thụ.
"Rác thải nhựa chứa nhiều năng lượng hơn than. Nếu dùng nó để thay thế than trong sản xuất thì đây là cơ hội mà các bên đều có lợi, vừa tạo ra giá trị kinh tế, vừa giải quyết mối đe dọa từ nhựa và giảm phát thải khí nhà kính", ông nói.
Áp dụng công nghệ này từ 30 năm trước, đến nay, các nhà máy xi măng tại Na Uy đã thay thế 70% lượng than tiêu thụ bằng các loại rác. Theo dự đoán của OPTOCE, công nghệ đồng xử lý có thể thay thế 10-20% nhu cầu than đá tại Việt Nam.
Chuyên gia cho rằng các nhà máy xử lý rác bằng hình thức đốt vừa không hiệu quả về chi phí, vừa gây ô nhiễm không khí. Ảnh: Minh Hoàng. |
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thành Lam, đại diện Vụ Quản lý chất thải rắn, Tổng cục Môi trường, thông tin: "Việt Nam hiện có 4-5 nhà máy xi măng đang được đề nghị áp dụng công nghệ mới này".
Theo báo cáo của Hiệp hội nhựa, năm 2015, Việt Nam đã sản xuất và tiêu thụ khoảng 5 triệu tấn nhựa, trong đó gần 80% là nguyên liệu nhập khẩu, bao gồm cả phế liệu nhựa. Đặc biệt, chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người tại Việt Nam đã tăng vọt từ 3,8 kg/năm/người (1990) lên tới 49 kg/năm/người (2019). Theo đó, số nhựa mà hơn 96 triệu người Việt tiêu thụ trong năm nay có thể lên tới 4,7 triệu tấn.
Việt Nam xếp vị trí thứ 4 trong số các nước xả rác thải nhựa ra biển nhiều nhất trên thế giới với 0,28 đến 0,73 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm.