Khi Jianjun Xu thức dậy vào một buổi sáng tháng 5/2015, tầng trệt nhà ông ở Cung Thành, thành phố Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây, đã bị ngập. Sau cơn bão lớn, sông Xá gần đó dâng cao, quét sạch hàng trăm căn nhà.
"Nước lên cao đến đầu gối của tôi. Nó có mùi khủng khiếp, rác rưởi thì trôi nổi trong phòng khách", ông nói.
Xu không hiểu làm thế nào nước lũ có thể tràn đến khu phố của ông. Các con đê ngăn lũ đã được bắt đầu xây dựng từ 4 năm trước. Với tốc độ xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc, ông tưởng dự án đã hoàn thành.
Tuy nhiên, ở khu vực công trường xây dựng, thay vì các con đê ngăn lũ, ông lại thấy một dòng sông ô nhiễm với 2 bên bờ ngập rác.
Trong khi đó, xe buýt làm tắc nghẽn các đại lộ chính của Quế Lâm cả ngày lẫn đêm. Những đoàn khách du lịch có hướng dẫn viên vẫn nườm nượp kéo tới đây.
Phía sau vẻ hào nhoáng của Quế Lâm
Họ chụp ảnh selfie trước các điểm tham quan của địa phương, chẳng hạn như Chùa Năng Nhân, đi dạo trên các con đường của thị trấn cổ ở Quế Lâm và tràn vào các công viên rộng lớn.
Từ một quán cà phê trên tầng thượng, người ta có thể ngắm Nhật Nguyệt song tháp trên Hồ Sam, hướng mắt nhìn ra toàn cảnh thành phố với những khu rừng xanh tươi và ngọn đồi phía xa.
Khu phố cổ của Quế Lâm nổi tiếng với khách du lịch. Ảnh: Guardian. |
Những biểu ngữ như "Phong cảnh đệ nhất thiên hạ, điểm đến của du khách quốc tế" được treo lên khắp thành phố với dụng ý nhắc mọi người nhớ rằng Quế Lâm có danh tiếng lâu đời là một trong những thành phố đẹp nhất Trung Quốc.
Ở khu vực huyện Dương Sóc và Long Thắng, các đỉnh núi đá vôi tạo nên cảnh tượng ngoạn mục. Ngồi trên những chiếc bè ghép bằng tre, du khách sẽ được ngắm các danh lam thắng cảnh dọc sông Ly Giang, nơi dòng nước trôi nổi vỏ chai và mảnh nhựa.
Du lịch chiếm khoảng 20% nguồn thu của thành phố trong năm 2015. Chính quyền địa phương đang muốn tăng con số này lên 27% vào năm 2020 và biến nơi đây thành địa điểm du lịch sinh thái ở Trung Quốc.
"Là một tỉnh kém phát triển, phần lớn Quảng Tây vẫn giữ được cảnh quan tự nhiên", Cheng Zhang, giám đốc khu vực nam Trung Quốc tại Liên minh Bảo vệ Thiên nhiên Quốc tế, giải thích.
Ông Zhang cho biết nơi đây có số lượng lớn các khu bảo tồn thiên nhiên, rừng và đất ngập nước, những thành tố thiết yếu để tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái.
Tuy nhiên, đối với ông Xu, du lịch không phải vấn đề mà ông quan tâm. Tính đến tháng 11 năm 2016, các bờ đê chống lũ lụt vẫn chưa được hoàn tất. Các công ty xây dựng và người dân địa phương xả chất thải trong bãi thải không chính thức nằm giữa đường thủy, đất nông nghiệp và thành phố.
Rác thải từ công trường xây dựng chất đống bên bờ sông Cha. Ảnh: Guardian. |
Đáng lo ngại hơn, sông Xá vẫn còn màu xanh ô nhiễm. "Tôi đã thấy nông dân ném gà chết và lợn xuống nước, không xa nơi người ta đánh cá. Mọi người uống nước từ đó", Xu nói.
Chính quyền thành phố Quế Lâm đã nỗ lực để cải thiện chất lượng nước của sông Ly Giang, một trong những điểm du lịch của thành phố.
Với khoản vay trị giá 100 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới, các quan chức đang di dời các khu công nghiệp, xây dựng nhà máy xử lý nước thải, bãi chôn lấp và nỗ lực chống ô nhiễm.
Lo ngại làng ung thư
Tuy nhiên, những vấn đề của các con sông khác như sông Xá lại bị bỏ sót. "Sau chuyến thăm của Đặng Tiểu Bình vào những năm 1970, sông Ly Giang đã được chính phủ ưu tiên vì vẻ đẹp của nó", Ma Jun, chuyên gia môi trường Trung Quốc, nói.
"Trong khi đó, các dòng sông khác ở Quế Lâm đang bị đô thị hóa tàn phá, chịu ô nhiễm nhiều hơn và phải đối mặt với nhiều thách thức hơn. Chúng nằm trong các khu vực kém phát triển hơn với hệ thống quản lý nước thải và cơ sở hạ tầng yếu kém".
Ông Ma cho rằng việc khai thác mỏ tại vùng núi ở tỉnh Quảng Tây là một trong những yếu tố chính gây ô nhiễm nguồn nước. Một nghiên cứu năm 2016 cho thấy hồ chứa Thanh Sư Đàm, một nguồn dự trữ nước quan trọng của Quế Lâm, đã bị ô nhiễm.
Tảo phát triển dày đặc khiến các động vật bên dưới bị nghẹt thở. Chuyên gia cho biết sự nở hoa của tảo ở đây có thể gây hại cho gan và hệ thần kinh.
Tinh trạng ô nhiễm nguồn nước khiến các nhà hoạt động lo ngại cho sức khỏe của người dân Trung Quốc. "Làng ung thư", những cộng đồng dân cư nhỏ gần các nhà máy gây ô nhiễm, nơi tỷ lệ ung thư tăng vọt so với mức trung bình, đã bùng phát trên khắp cả nước.
Việc phục hồi từ ô nhiễm sẽ tốn nhiều thời gian và làm ảnh hưởng tới nhiều thế hệ tiếp theo.
Vườn rau nằm giữa sông Cha và bãi rác của một nông dân ở Quế Lâm. Ảnh: Guardian. |
Tiến sĩ Devra Davis, một nhà dịch tễ học thuộc tổ chức Environmental Health Trust nói: "Trung Quốc đang hy sinh một thế hệ vì vấn đề ô nhiễm này".
Trở lại Cung Thành, một nông dân tên Meng thường xuyên trồng trọt trên bờ sông Xá nói rằng ông không lo lắng về ô nhiễm. "Tôi sử dụng nước sông để tưới rau và chúng có vị ngon. Khách hàng không bao giờ phàn nàn", ông nói.
Trên bờ sông Xá, Xu lo ngại ô nhiễm nguồn nước sẽ tồi tệ hơn trước khi thay đổi thực sự diễn ra. Ông có vẻ đã nản lòng. "Tôi nghĩ vấn đề ô nhiễm này sẽ là thực tế mà chúng tôi phải chấp nhận sống chung hàng ngày", ông nói.